| Hotline: 0983.970.780

Bưởi Diễn xứ Thanh

Thứ Năm 18/12/2014 , 08:16 (GMT+7)

Ít ai biết rằng ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có hàng chục hộ dân cũng phát triển được cây có múi đặc sản này không thua kém gì bưởi Diễn Hà Nội./ Bưởi Diễn trên đất Đoan Hùng

Tiên phong

Cũng không phải chỉ có người dân thôn Mỹ Thượng 3, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân trồng được bưởi Diễn. Trên địa bàn Thanh Hóa và nhiều tỉnh khác cũng đã có một số mô hình thực hiện khá thành công, nhưng phải khẳng định hiếm có nơi nào đất đai, thổ nhưỡng “kết” bưởi Diễn như thôn Mỹ Thượng 3.

Chị Nguyễn Thị Thu (42 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tình (34 tuổi) được ví như “cứu tinh” ở Mỹ Thượng 3. Họ là chị em, cùng sinh ra, lớn lên trong gia đình 100% thuần nông, từ đời ông bà, bố mẹ cho đến anh chị đều gắn liền với hạt lúa, củ khoai, “con trâu đi trước cái cày theo sau”.

Mà nói thực, làm lúa, làm khoai theo phương thức truyền thống nếu trời cho mưa thuận gió hòa thì cũng chỉ đủ ăn, còn không phải đi ăn gạo đong quanh năm suốt tháng.

Chị Thu kể rằng, năm 1990 chị kết duyên vợ chồng với anh Trịnh Khắc Thi, sau đó nhà nước chia cho anh chị 3 sào ruộng. Đất thì cũng màu mỡ đó, nhưng mỗi vụ lúa chỉ thu được 2,5 tạ thóc/sào nhân giá lúa 6.000đ/kg là 1.500.000đ, trừ chi phí cày bừa, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch chỉ còn lãi tầm 500.000 - 700.000đ.

Anh chị nghĩ bụng, 3 tháng SX lúa chỉ lãi được vài triệu bạc thì lấy gì cho con ăn học. Suy nghĩ nát óc nhưng chẳng biết trồng cây gì ở vùng đất này cho có hiệu quả, rồi một ngày anh Thi ra Thủ đô được người anh họ hiến kế đưa bưởi Diễn về trồng, thế là anh làm liều.

“Tôi chiết 70 gốc bưởi về trồng trên 2,5 sào nhưng đến nay đã nhân lên gần 4 sào với 170 gốc. 3 năm đầu tiên bưởi chưa cho thu hoạch, đất làm lúa không có nên vợ chồng xích mích suốt vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng đến năm thứ 4, thứ 5 thì ông trời cũng mỉm cười với gia đình tôi”, anh Thi nhớ lại.

Chung cảnh ngộ như vợ chồng anh Thi, người em trai Nguyễn Văn Tình cũng gắn bó cây bưởi Diễn như một quy luật tự nhiên.

Gia đình anh có 5 sào ruộng, cũng SX lúa nhưng không đủ ăn chứ chưa nói gì đến tích góp phòng khi trái gió trở trời vợ chồng, con cái đau ốm. Chứng kiến anh chị giàu lên nhờ cây bưởi Diễn nên anh Tình chiết 200 gốc trồng trên diện tích 5 sào (40 gốc/sào) và sau 9 năm thành công cũng đến với người đàn ông mới ngoài tuổi ba mươi.

Anh Tình nói: “Anh rể tôi là người đầu tiên tiên phong đưa cây bưởi Diễn về thôn Mỹ Thượng 3. Chính anh ấy đã giúp tôi và gần chục hộ khác trong thôn làm giàu nhờ cây trồng mới này”.

Sau khi nối dài đồng vốn từ cây bưởi, anh Tình thuê thêm 5 sào đất của người dân trong thôn đầu tư trồng cam V2 và cam đường Canh. Đồng thời, chăn nuôi thêm 250 con vịt đẻ; 100 con gà để “làm cỏ” cho vườn bưởi, vườn cam, tăng thêm thu nhập.

Thành công nhờ “lừa đảo”!

Chị Nguyễn Thị Thu cho biết, 16 năm nay bình quân mỗi năm vườn bưởi mang lại thu nhập trên dưới 150 triệu đồng cho gia đình chị. Vụ bưởi năm 2014 thương lái trả giá 150 triệu đồng nhưng gia đình chị chưa bán.


Vợ chồng chị Thu là người đầu tiên phát triển giống bưởi Diễn trên đất Mỹ Thượng 3

Khi được hỏi về bí quyết phát triển thành công cây trồng mới này, chị Thu bảo: “Kiên trì, tâm huyết là sẽ thành công”. Ngày đầu quyết định trồng bưởi Diễn anh chị phải dùng cuốc, xẻng đào ao cả tháng trời để tạo nước tưới và lấy đất đắp luống, làm đường. Đầu tư hơn 3 năm mà chưa có thu hoạch chị kêu anh bỏ cuộc nhưng anh một mực cương quyết tiếp tục đầu tư.

“Kỹ thuật trồng bưởi Diễn tương đối dễ, đầu tiên vét luống cao 30cm, sau đó đào hố rộng 50cm, sâu 15 cm; cho một lượng phân NPK và phân chuồng vào hố, phủ một lớp đất mỏng rồi trồng cây bưởi đã chiết xuống; cây cách cây, hàng cách hàng 4m. Với những cây đã trồng lâu năm, sau khi thu hoạch quả cần tỉa cành, bón phân và vun đất vào gốc để tạo độ phì nhiêu, tăng dinh dưỡng cho cây bưởi phát triển”, anh Nguyễn Văn Tình chia sẻ.

“Oái oăm thay đến ngày bưởi đậu quả, tôi gánh ra chợ bán người ta chửi tôi lừa đảo, rằng “ở đất ni lấy mô ra bưởi Diễn”. Tôi chạnh lòng lắm nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, kiên trì gánh hàng vừa bán vừa cho người ta ăn thử, dần dần bưởi Diễn trở thành thứ quả đắt như tôm tươi, bao nhiêu cũng bán hết”, chị Thu cho biết thêm.

Cũng theo chị Thu, ưu thế của cây bưởi Diễn là thấp, cành dẻo, chống chịu được gió bão, ít sâu bệnh và ngập nước 1 - 2 ngày vẫn không chết nên phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở Thanh Hóa.

Đặc biệt, quả bưởi khi chín có màu vàng đặc trưng, bảo quản được hàng tháng, múi bưởi nhiều nước, vị ngọt, rất phù hợp làm quà biếu và thờ Tết.

Tiếp lời chị, anh Tình hạch toán, chi phí đầu tư 1 sào bưởi Diễn hết khoảng 2.800.000đ, gồm giống (1.600.000đ); làm đất (200.000đ); công trồng, thu hoạch (600.000đ); phân bón, thuốc BVTV (400.000đ).

Đầu tháng 11 đến hết tháng 12 âm lịch thu hoạch bình quân đạt 70 quả/cây (có những cây lên tới 140 quả) x 25.000 đ/quả = 70 triệu đ/sào, tương đương 1,4 tỷ đ/ha.

“Trong số 200 gốc bưởi thì mới có 100 gốc cho thu hoạch. Vì bưởi của tôi chưa già nên thu nhập mỗi năm đạt khoảng 200 triệu, cộng với doanh thu từ cam và nuôi vịt, nuôi gà, tổng cộng cũng được trên dưới 300 triệu đồng, cao gấp hàng trăm lần trồng các cây trồng khác”, anh Tình nhẩm tính.

Được biết, sau khi thực hiện thành công mô hình trồng bưởi Diễn, chị Thu, anh Tình còn hướng dẫn KHKT, hỗ trợ giống cây cho gần chục hộ trong thôn phát triển cây trồng này nâng lên tổng diện tích hơn 1 ha.

Bà Đỗ Thị Loan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thọ Xuân khẳng định: “Sau nhiều năm đứng chân trên địa bàn, bưởi Diễn thể hiện tính thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu ở Thọ Xuân. Đồng thời, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Hiện tại huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa đất đai, kêu gọi nguồn lực đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích lên 50 ha ở 4 xã Xuân Trường, Xuân Thành, Bắc Lương và Nam Giang”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.