| Hotline: 0983.970.780

Bưởi Thanh Kiều bén rễ đất Thới An

Thứ Tư 25/03/2015 , 06:11 (GMT+7)

Nhiều nông dân trồng bưởi ở Thới An đều tâm đắc với loại bưởi này vì nó phù hợp với hệ sinh thái lại dễ chăm sóc và năng suất cao.

Từ lâu, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn (Vĩnh Long) và Châu Thành (Hậu Giang) là những địa danh nổi tiếng về đặc sản bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Gần đây, tại vùng đất Thới An, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) lại nổi danh với giống bưởi Thanh Kiều ruột hồng.

Đây là một giống bưởi tuy có mặt từ lâu đời nhưng mãi cho tới đầu thập niên này mới có cơ hội “trình làng” và bắt đầu cạnh tranh với các giống bưởi ngon ở miền Tây.

Ông Nguyễn Văn E (Hai E) ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An hiện có trên 50 cây bưởi Thanh Kiều từ 5 - 10 năm. Ông phấn khởi cho biết ưu điểm của giống bưởi này là cây phát triển mạnh và ít dịch bệnh, có lẽ nhờ thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất Thới An.

Đặc điểm của bưởi Thanh Kiều là trái to, nặng từ 3 - 4 kg/trái. Nếu trồng đạt có thể lên tới 5 kg/trái (gấp hai, ba lần bưởi Năm Roi). Hình dáng trái bưởi no tròn hoặc chỏm, ruột hồng, mùi vị hơi the lúc mới già và ngọt thanh khi chín vàng.

Bưởi Thanh Kiều cho trái quanh năm với điều kiện phải tưới nước đầy đủ trong mùa khô hạn. Bưởi trồng bằng cây chiết, sau ba năm bắt đầu cho trái chín. Thường cây trưởng thành vào năm thứ 5, năng suất 200 - 300 kg trái/cây/năm.

Về giá cả, bưởi Thanh Kiều tương đương với các loại bưởi ngon khác. Đặc biệt là bưởi nghịch mùa từ sau Tết đến tháng ba âm lịch, giá bán lẻ từ 15.000 - 17.000 đ/kg. Nếu tính về trọng lượng thì hơn hẳn các loại bưởi khác.

Ông Hai E cho biết, với 50 gốc bưởi thanh kiều, mỗi năm ông thu hoạch trên 10 tấn trái, trừ hết các chi phí còn lời trên 100 triệu đồng.

Anh Năm Lập cũng ở Thới An, chủ một vườn bưởi Thanh Kiều đang phát triển tốt cho biết giống bưởi này đang được nhiều nông dân nhân giống trồng nhờ trái to, ruột hồng hấp dẫn lại được giá nên không sợ bất trắc.

Tuy nhiên muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng cũng phải biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật thật đúng cách, nhất là khâu chăm bón và đề phòng sâu bệnh.

Cũng như bưởi Năm Roi, bưởi Thanh Kiều thường dễ bị ruồi vàng và sâu đục trái tấn công. Cách đề phòng hữu hiệu nhất là bao trái.

Nhiều nông dân trồng bưởi ở Thới An đều tâm đắc với loại bưởi này vì nó phù hợp với hệ sinh thái lại dễ chăm sóc và năng suất cao. Thời gian thu hoạch cũng khá lâu, tuy chưa xuất khẩu như bưởi Năm Roi nhưng giá cả luôn ổn định, thị phần tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là Kiên Giang.

Nhiều bà con nông dân hy vọng Thới An sẽ hình thành một vùng chuyên canh SX bưởi Thanh Kiều theo tiêu chuẩn an toàn, tiến tới có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để khẳng định được thương hiệu và tìm một chỗ đứng trong các siêu thị.

Có như thế sản lượng và chất lượng mới tăng lên và tạo thế cạnh tranh với thương trường.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.