| Hotline: 0983.970.780

Bướm & Hoa

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:30 (GMT+7)

Hoa đã đẹp mà có thêm ong bướm nữa thì càng đẹp và sinh động biết bao. Vậy nói chuyện ong bướm với hoa ở đây cũng vui cho ba ngày Tết.

Có đi xa mới biết thấm thía câu “Chốn quê hương đẹp hơn cả” trong Quốc văn Giáo khoa Thư mà tôi đã học thuộc lòng từ cách đây gần 60 năm, khi một người vừa mới đi du lịch xa về trả lời các người bạn láng giềng đang đến thăm.

Thật vậy, Tết ở miền quê tôi rất đẹp, hơn hẳn một số miền khác vì có đầy nắng nên ong bướm cũng dập dìu với hoa trong các ngày Xuân. Hoa đã đẹp mà có thêm ong bướm nữa thì càng đẹp và sinh động biết bao. Vậy nói chuyện ong bướm với hoa ở đây cũng vui cho ba ngày Tết.

Chuyện tình Lan và Điệp

Không phải ngẫu nhiên người ta sáng tác ra chuyện tình “Lan và Điệp” mà thực tế ở ngoài sân vườn bướm và hoa đã khăng khít với nhau tự bao đời, có lẽ từ thời kỳ cách nay đến trên 100 triệu năm khi trên quả đất này bắt đầu xuất hiện cây Hiển hoa bí tử (Angiosperms = Cây có hoa hạt kín), là kết quả của sự đồng tiến hóa giữa thực vật với côn trùng.

Vậy thật sự Lan có yêu Điệp không? Hẳn đây phải là một hư cấu đầy tính nghệ sĩ của tác giả vì lan là loài hoa rất đẹp nhưng lại không thu hút bướm do hoa lan chẳng những kém hương thơm mà lại còn không có mật. Có lẽ vì vậy mà sắc đẹp của loài hoa lan càng trở nên thầm lặng và kiêu kỳ hơn, chớ không “ong bướm dập dìu” như nhiều loài hoa khác. Do đó, để nhờ côn trùng thụ phấn cho hoa, các loài hoa lan đã kiến trúc cho hoa của mình chỉ để riêng cho một số loài ong đến thăm và làm thụ phấn, vì chỉ có ong mới cần phải lấy phấn hoa về để tạo thức ăn mà nuôi cả đàn.

 Nhà sinh vật học Dressler (1968) cho biết có đến 11 loài phong lan có hoa giả dạng ong để cho ong đực của loài Euglossine lầm tưởng đó là ong cái để đến bắt cặp, hoặc ong đực đến tấn công tình địch, hoặc hoa đong đưa thành chùm như một bầy ong nhằm thu hút các loài ong khác tụ tập lại để kiếm ăn. Và khi ong chui vào hoa để tìm mật thì túi phấn có chất dính của hoa sẽ bám vào ong ở những vị trí đặc biệt khác nhau trên thân mình tùy theo loài lan, rồi ong sẽ mang đi thụ phấn cho những hoa khác tùy theo từng loài. Nhờ vậy mà các loài hoa lan chẳng những tồn tại được mà còn tiến hóa theo thời gian nhờ cách giao phấn đi xa.

Ngày nay, bàn tay con người đã làm thay côn trùng để lai tạo ra nhiều giống lan mới có hoa rất đẹp, nhưng cũng chính lòng tham của con người làm mất đi nhiều loài lan quý hiếm qua thu hái bừa bãi hay phá hoại môi trường sống của chúng. Chúng ta nên cẩn thận trong sự can thiệp cần nét thanh tao này.

Ai quyến rũ ai?

"Hoa đẹp là vì ong với bướm?". Vâng hoa đẹp là để cho ong với bướm hiểu rằng chỉ nơi này mới có mật và phấn hoa (thức ăn ưa thích mà ong bướm đi tìm), còn các phần xanh khác của cây thì không có gì để ăn cả nên đừng chú ý đến. Hoa quyến rũ côn trùng vì cần đến chúng để thụ phấn cho mình do nhiều loài hoa không tự thụ phấn được vì “bất đồng ngôn ngữ” giữa hai bộ phận đực và cái của hoa (phấn đã phát tán trước mà nhụy cái chưa chín), hoặc ở trên hai loại hoa đực và hoa cái khác nhau (đồng chu), hay trên hai cây đực và cây cái khác nhau (biệt chu).

 Vì biết rằng côn trùng cần kiếm mật và phấn hoa nên tuyến mật thường ẩn sâu ở gốc cánh hoa ngay dưới đáy nhụy cái, còn túi phấn thì ở nơi côn trùng dễ chạm phải khi chui vào để lấy mật. Chuyện quyến rũ côn trùng này không những cần cho việc duy trì nòi giống của hoa mà còn giúp hoa có dịp gửi tín hiệu di truyền đi xa cho việc tiến hóa của giống loài. Chuyện bướm hoa không những chỉ làm đẹp cho đời người mà còn thiêng liêng thật.

Bướm đẹp có vì hoa?

Thưa không, bướm đẹp là vì kẻ khác phái của cùng loài bướm với nhau mà thôi. Hoa là nơi hẹn hò để bướm gặp nhau, yêu nhau cho việc duy trì nòi giống bướm, cho nên bướm đực thường có màu sắc sặc sỡ hơn để quyến rũ bướm cái. Các loài bướm thuộc họ Danaidae, Papilionidae và Nymphalidae thường to và có màu sắc sặc sỡ nhất, luôn có mặt bên hoa suốt ngày. Màu đỏ và đen trên cánh của chúng nhiều khi rất độc nên cũng là vũ khí tự vệ để chim không dám tấn công, vì vậy mà lúc nào chúng cũng có thể nhởn nhơ để tự do bay lượn được.

Du khách đến thăm vườn cây ăn trái của vùng đồng bằng sông Cửu Long thường rất ngạc nhiên với nhiều loài bướm phượng đen và vàng rất lớn ở khắp vườn cam quít, và có cả loài bướm chúa (Danaus chrysippus) cánh đỏ có vân đen bay thản nhiên và khoan thai như khoe sắc, đồng thời như thầm trêu ngươi với các loài chim háo ăn rằng “đừng có tưởng bở nhé, rủi lỡ đớp vào mà nhả ra không kịp thì có mà tiêu đời đấy!”. Cho nên trên cành nhiều khi thấy bọn trao trảo hay chích chòe líu lo với nhau về mánh lới để bắt loại bướm này khi nào quá đói mà không có gì để ăn: “Phải vặt thật mạnh trên cành cây cho đến khi nào mà thân của chúng tróc hết phấn thì mới có thể nuốt vào”, vì chất độc chúng lấy từ nhựa cây, như của dây thiên lý - đang được trồng nhiều vì hoa ăn rất ngon nhưng lá lại rất độc. Cây hoa này khôn thật!

Và ong đẹp có vì hoa?

Thưa cũng không. Ong không cần khoe vẻ đẹp cho ai cả vì chúng chỉ có một ong chúa ở luôn trong tổ và điều hành mọi hoạt động bằng cách tiết ra pheromone – thứ nước hoa này của nữ hoàng làm cho ong của cả tổ đều mê mệt và tuyệt đối trung thành với nàng để đi lấy mật và phấn hoa về tích trữ trong tổ, rồi lại tiếp tục lao động để tinh luyện thành thức ăn riêng biệt cho mỗi thứ bậc trong vương triều để nuôi cả đàn ong. Do đó bướm có vẻ nhởn nhơ khoe sắc vì chỉ ăn chớ không phải nuôi ai, còn ong thì phải kiên nhẫn cần cù làm việc từ sáng sớm cho đến chiều tối, ngay cả vào những ngày mưa gió sụt sùi. Do đó, ong phải tính toán thật chi li để làm thế nào cho sau khi trừ đi phí tổn của năng lượng dành cho di chuyển mà lượng mật và phấn lấy được vẫn còn lời.

 Tội nghiệp hơn nữa, ong còn là một món ăn khoái khẩu của nhiều loài chim vì chúng không có trang bị độc tố như bướm. Tuy vậy, nhiều loài ong cũng có màu sắc tươi tắn thật ưa nhìn, như ong mật hay ong bầu… Thật yêu đời biết bao khi thấy đàn ong mật hay những con ong bầu rộn ràng trên những bông mướp vàng vừa nở rộ sau nhà trong nắng sớm mai.

Từ trước đến giờ có nhiều người nuôi ong để lấy mật, chớ ít ai nuôi bướm để làm đẹp hoa cảnh. Ngoại trừ ở vườn bách thú của Singapore có nuôi các loài cần phải bảo tồn cho sự đa dạng sinh học đang ngày một bị thu hẹp vì các loài này dần tuyệt chủng do môi trường sinh sống của chúng không còn. Hay một số nơi ở Indonesia, Thái Lan nuôi loài bướm lớn Attacus atlas (thường thấy sâu của chúng ăn lá cây mãng cầu xiêm) để làm mẫu bán cho du khách. Đây là loài bướm đêm nhưng rất lớn có cánh đỏ sặc sỡ, thường được gọi là Bướm Bà vì hay vào đèn sáng trong những đêm ở nông thôn có tổ chức “Vía Bà”. Đó là lễ cúng miếu Bà Chúa Xứ hàng năm, người ta đốt đèn măng-xông thật sáng. Bà bóng thường là một người bán nam bán nữ có nghề múa trống và múa mâm vàng rất nổi tiếng trong vùng. Dân chúng rất thích nên đây thật sự là đêm hội lớn để tạ ơn Bà Chúa Xứ. Và trong khi làm lễ lại thấy có loài bướm lớn đến bay lượn quanh đèn thì người ta liên tưởng như đó là hồn vía của Bà hiện về để nhậm lễ, nên thường gọi chúng“Bướm Bà” là vậy.

Hiện nay chúng tôi đang tham gia vào chương trình công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết đồng ruộng cho thân thiện với môi trường, nhằm thu hút thiên địch tới kiểm soát sự phát triển mật số của sâu rầy, để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu đang có chiều hướng lạm phát hiện nay. Sẽ chọn và trồng quanh bờ ruộng các loại cỏ có hoa làm nền vì chúng sẽ ít phải chăm sóc, dễ sống sót, có khả năng tái sinh và cho hoa quanh năm. Đó là các loài cúc dại thường có màu vàng với nhiều mật và phấn hoa mà côn trùng rất ưa thích. Có thể xen cây trồng để lấy hoa bán Tết như cúc vàng, vạn thọ, thược dược hay cây rau màu trồng để ăn trái như đậu bắp, mè, mướp, khổ qua… Ngoài ong mật đến để làm rộn rã ruộng đồng, nhiều loài ong khác cũng ăn mật và phấn hoa nhưng rồi sẽ đi vào trong ruộng để tìm và đẻ trứng trên sâu rầy để nuôi con, ngăn cản sự gia tăng mật số của chúng.

Hai mô hình ở huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang được thực hiện trong năm qua đã cho thấy rất thành công. Với diện tích của cả một cánh đồng khoảng 30 héc-ta, và một cộng đồng trên 30 hộ nông dân đang canh tác trên đó cùng thực hiện gieo sạ né rầy, áp dụng kỹ thuật “ba giảm ba tăng” thì đã không phải phun thuốc trừ sâu rầy lần nào mà lúa rất trúng mùa, với năng suất trên 6 tấn/ha. Hiện nay tỉnh Tiền Giang đã phát động phong trào nhân mô hình này ra cả tỉnh, và sắp tới là tỉnh An Giang cũng sẽ làm vào đầu năm 2011.

Để rồi sẽ không phải như trong một bài ca vọng cổ kể chuyện rằng: có ông vua một chiều ra ngồi bên bờ sông thấy hai con cua đối xử với nhau không tốt khi con kia đang lột vỏ trong hang… mà cảm thấy buồn lây cho thế thái nhân tình. Còn bây giờ thì nông dân có thể sáng hay chiều ra ngồi bên bờ ruộng đang nở đầy hoa, sẽ thấy những con nhện đang giăng tơ trên lá lúa để bắt sâu rầy, mà cảm thấy vui vì mình đã áp dụng IPM và công nghệ sinh thái đúng cách, bảo vệ được các loài sinh vật có ích trong ruộng lúa - một nguồn tài nguyên quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.