| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 15/12/2016 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 15/12/2016

Buồn vì nghiên cứu biển chỉ 'dựa vào' tàu cá và ngư dân (!)

Hôm 12/12, chiếc tàu cá chở theo 9 nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội gặp nạn do chết máy gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Tàu cá bị mục, nên khi lai dắt vào bờ đã bị sóng đánh vỡ và chìm tại vị trí phao số 0.

Đây không phải là lần đầu có chuyện như thế này. Mới 2 năm trước thôi, đoàn cán bộ 7 người của Viện Địa chất và Địa vật lý biển (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu khoa học trên biển, cũng suýt mất mạng khi chiếc tàu cá mà đoàn này thuê bỗng dưng bốc cháy giữa biển. Nền khoa học biển của nước nhà bấy lâu nay, thật trớ trêu, lại phụ thuộc vào mấy chiếc tàu cá.

Nếu ai đã từng đi biển cùng tàu cá thì hẳn đều biết, tàu cá ở Việt Nam nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì hầu hết không đủ tiêu chuẩn để đánh cá, chứ đừng nói đến nghiên cứu khoa học.

Một chiếc tàu cá thông thường sẽ không có điện (hoặc rất ít nếu có được một chiếc máy phát điện công suất nhỏ), không nhà vệ sinh, tiếng ồn lớn, thiếu chỗ ngủ và rất thiếu nước ngọt. Đôi khi là không có cả áo phao nếu gặp những chủ tàu tắc trách. Tính mạng và toàn bộ máy móc phục vụ cho việc nghiên cứu, hầu như chỉ phụ thuộc vào thời tiết, tàu cá và kinh nghiệm đi biển của chủ tàu.

Nói là nền khoa học biển nước nhà phụ thuộc vào tàu cá như thế hoàn toàn không quá đáng, bởi vì nhìn lại vụ ô nhiễm môi trường Formosa lớn nhất lịch sử nước nhà cho tới giờ, thì có thể thấy rất rõ. Hình ảnh về hoạt động của những đoàn nghiên cứu khảo sát môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, từ lấy mẫu nước, lấy mẫu trầm tích, hay thậm chí là quay những thước phim được coi là chân thực nhất về đáy biển lúc bấy giờ đều sử dụng những chiếc tàu cá và thuê ngư dân lặn xuống để quay. Quân chủng Hải quân đã có tàu to mang tên Trần Đại Nghĩa với tính năng khảo sát thủy văn và khảo sát đo đạc biển. Bên Tập đoàn Dầu khí thì có nhiều tàu to chuyên để đi khảo sát dầu khí.

Thế còn những cơ quan chủ chốt về nghiên cứu biển của Bộ Tài nguyên Môi trường như là Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo có chiếc tàu nào để nghiên cứu về biển, phục vụ cho các nhiệm vụ của nhà nước hay không? Hoặc là nếu có thì sao tình trạng thiếu trang bị phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát, đo đạc biển vẫn diễn ra? Theo số liệu của Bộ Tài chính, dự toán chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2016 là 12.290 tỷ đồng, trong đó có việc ưu tiên kinh phí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan Trung ương, đảm bảo hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường.

Biển đảo là một phần quan trọng của đất nước. Chúng ta không những chỉ sử dụng biện pháp ngoại giao hay là mang súng đạn ra giữa biển trời mà còn cần phải giữ biển bằng trí tuệ và một nền khoa học tiến bộ.

Một nền khoa học nghiên cứu biển nước nhà không nên và không thể chỉ trông chờ vào mấy chiếc tàu cá và những người ngư dân được. Vậy thì đầu tư để có được những chiếc tàu khảo sát cỡ nhỏ, phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học gần bờ là một việc nên làm, cần làm và phải làm!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm