| Hotline: 0983.970.780

Buồn vì rau được giá

Thứ Năm 14/07/2011 , 10:39 (GMT+7)

Do nguồn cung khan hiếm nên giá rau xanh tăng phi mã hơn cả thịt, cá. Nghịch lý là rau được giá nhưng nông dân vẫn buồn thiu…

Sau mưa lớn lại nắng nóng kéo dài khiến người trồng rau ở miền Băc điêu đứng. Do nguồn cung khan hiếm nên giá rau xanh tăng phi mã hơn cả thịt, cá. Nghịch lý là rau được giá nhưng nông dân vẫn buồn thiu…

Vừa dỡ giàn bí xanh, ông Nguyễn Thế Khoan ở thôn Tiền Lệ, xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) vừa tâm sự: “Trồng màu vụ này thất thu, mang tiếng là được giá nhưng anh nhìn xem, bí chẳng còn quả nào để bán. Nửa tháng trước, mưa lớn kéo dài làm úng ruộng, nước không thoát được, quả chưa đến ngày thu hoạch bị ủng thối. Mấy hôm nay giá bí xanh bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với tháng trước. Hộ nào trồng ở chân ruộng cao mà còn bí thì thắng đậm”.

Ông Khoan cũng cho biết, không chỉ bí xanh mà hầu như các loại rau củ đều khan hiếm giá do thời tiết biến động. Ngay ruộng cà pháo của gia đình, tháng trước thu hoạch bán chỉ 3.000 đồng/kg nhưng hiện tại đã tăng lên 13.000 đồng/kg tại ruộng.

Trao đổi với NNVN, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh, Nguyễn Đa Bảy cho biết toàn xã có khoảng 250 ha chuyên canh màu, trồng quanh năm các loại rau củ như bí xanh, hành tây, đậu đũa, mướp đắng, cải ngọt… Do ảnh hưởng trận mưa lớn đầu tháng 7 nên hầu hết diện tích trồng màu đều thất bát.

“Chính vì rau xanh “cháy” tại ruộng nên giá tăng chóng mặt. Hiện cải ngọt từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, đậu đũa 8.000 đồng, mướp đắng 13.000 đồng… Theo tôi dự báo giá rau xanh sẽ hạ nhiệt trong mấy ngày tới, bởi sau mưa người dân đã gieo trồng đợt mới. Vả lại sau cấy vụ mùa, không bị áp lực thời gian nên họ có thời gian chăm sóc rau tốt hơn”- ông Bảy nói.

Tại chợ đầu mối rau quả xã Tiền Phong (Mê Linh), tư thương đã gom hết sạch hàng từ sáng sớm. “Thường chúng tôi không mua được rau xanh trực tiếp của dân trồng màu mà phải nhập lại của các lái buôn nên rau xanh đến tay người tiêu dùng bị làm giá gấp 2-3 lần là điều dễ hiểu. Hiện sản lượng rau giảm hẳn, lượng rau thu mua được cũng trở nên khan hiếm hơn, nhất là loại rau ăn lá như cải xanh, rau gia vị”- một tiểu thương than thở.

“Các Cty thủy lợi đang phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, huy động tối đa các máy bơm để chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất, giảm tối đa tình trạng hạn cục bộ đang có nguy cơ lan rộng tại một số khu vực”, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, Phạm Ngọc Thạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, Lê Văn Tuấn nói: “Tiền Phong là vựa rau lớn của huyện với hơn 200 ha canh tác bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn, giá rau tăng nhưng dân không kịp trồng để cung cấp cho thị trường. Mấy năm nay các dự án lớn san lấp mặt bằng bịt cả mương thủy lợi làm hệ thống tiêu úng của xã tê liệt, nhiều ruộng nước chưa rút hết thì rau đã héo chết”.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, Bùi Quốc Hội cho rằng, rau xanh tăng giá là do ảnh hưởng của mưa lớn gây úng ngập. Sau mưa lại có nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rau. Ngoài ra, thời điểm này, nông dân đang tập trung cho sản xuất vụ mùa nên rau không được quan tâm chăm sóc. Vì vậy, lượng rau xanh cung ứng ra thị trường khan hiếm đã đẩy giá rau xanh tăng cao. Điều đáng lo ngại là mùa hè mọi năm, nông dân thường che lưới để bảo vệ rau nhưng năm nay, nắng nóng gay gắt bất thường, các loại rau được che lưới cũng không thể chống chọi nổi nên bị táp lá, héo rũ”.

Tại các vùng chuyên canh rau của tỉnh Hải Dương, tình cảnh cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Đồng, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương lo lắng, sau mưa lớn lại nắng nóng kéo dài khiến cho tình trạng rau héo trên địa bàn càng trở nên căng thẳng. Tại Hải Dương các loại loại rau như cải xanh, rau dền, cà chua, rau gia vị... tăng gấp đôi so với tháng trước. Giá rau tăng nhưng lại chẳng có nhiều rau để bán. Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì hiện tượng rau héo, rau chết sẽ còn xảy ra…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.