| Hotline: 0983.970.780

Buồn, vui bữa ăn quê: Bao giờ gắn lại làng vỡ?

Thứ Sáu 02/10/2015 , 09:15 (GMT+7)

Giờ đây, bữa ăn đã không còn đúng giờ giấc và người nông dân cũng không còn nhiều cảm giác, hứng thú với các bữa ăn gia đình. “Sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn gia đình truyền thống”, giáo sư Từ Giấy tổng kết./ Giàu nghèo đều sợ


Cảnh thanh bình hiện nay khó còn gặp ở làng quê

Những mảnh vỡ

Tình cờ thế nào tôi trở lại xã Tam Cường (huyện Tam Nông, Phú Thọ) nơi từng viết phóng sự “Vỡ làng” ồn ào một dạo. Nguyên do là có một nhà máy nhiên liệu sinh học được quy hoạch về đây, đáng lấy đất trên đồi lại lấy gần hết phần đất bờ xôi ruộng mật của bà con với giá đền bù rất rẻ mạt. Thế là làng nước chia thành hai phe, ủng hộ và không ủng hộ bán ruộng.

Thế là nhiều dòng tộc, anh em chia đôi cả cái bàn thờ để giỗ bố, giỗ mẹ riêng. Miếng ăn hồi ấy cũng nhuốm màu sắc chính trị khi cỗ bàn nhiều nhà phân thành hai dãy. Mặt người mỗi dãy cứ vênh lên như cái mo nang, mắt người chạm nhau cứ như là mắt thú.

Ông Đinh Công Minh, Trưởng khu 3, bảo với tôi rằng làng vỡ giờ đây đang được gắn, chắp lại từng mảnh. Mà đã gắn thì làm sao bằng vẹn nguyên? Hiện xã Tam Cường không còn những bữa ăn cũng nhuốm màu sắc chính trị nữa. Cảnh chia đôi hai dãy ăn cỗ cưới, phúng viếng đám ma đã không còn giữa những người đồng ý bán đất ruộng và không đồng ý nhưng vẫn còn đó những bữa giỗ chia lìa đôi họ.

Như nhà anh Hán Văn Thanh có mười anh em thì năm người ăn giỗ bố mẹ nhóm này, năm người ăn giỗ bố mẹ nhóm kia, ruột thịt vẫn không thèm nhìn mặt nhau. Cánh tay năm xưa của anh Thanh vì mâu thuẫn mà bị côn đồ đánh gãy nay đã lành nhưng xem ra mối thù giữa những người máu mủ vẫn không hề nguôi ngoai. Không chỉ thế, hai nhóm anh em ruột này còn quyết tâm đưa nhau ra hầu tòa vì tranh chấp nhau mảnh đất của cha mẹ để lại. Vết thương lòng cũ cứa sâu còn chưa lên da non, vết cứa mới nay lại đang máu đỏ ròng ròng.

Cũng có mười anh em như anh Thanh, nhà nọ bình thường bỏ mẹ bữa no, bữa đói nhưng khi bà ốm sắp mất ở bệnh viện, đang hôn mê bất tỉnh đã kịp chìa sẵn lá đơn chia tài sản dí cho mà điểm chỉ. Bà mất đi mà mắt vẫn còn trừng trừng mở, không chịu khép.

Đoàn viên xa dần

Bữa ăn hiện giờ ở nông thôn phân hóa sâu sắc theo công việc. Như nhà ông Nguyễn Khắc Khuê chỉ một bữa sáng mà chia thành ba giấc. Các cháu ăn sớm nhất để khoác cặp, đạp xe đi học tận ngoài Hương Nộn. Mấy người con ăn kế tiếp để còn tất tả đi làm. Ở nhà còn mỗi ông bà già, thừa thời gian để thong thả thích ăn nhã, ăn nhũn kiểu gì thì tự nấu ăn.


Hạt thóc cũng lam lũ như người

Bữa trưa nhà ông cũng xé lẻ thành nhiều giờ giấc như vậy, chỉ bữa tối là còn tập trung. Thế đã là may mắn chán bởi nhiều nhà trong làng cả tháng, thậm chí cả năm mới có những bữa ăn đoàn viên, vui vầy vì con cái còn phải bươn chải tận đâu đâu.

Trước đây cả ba bữa ăn ở quê đều là bữa chính nhưng nay bữa sáng biến thành bữa phụ với bún bánh, mì tôm và ăn không còn tập trung. Bữa trưa, bữa tối lượng cơm đã giảm mạnh từ 4-5 bát xuống 2-3 bát, rau cũng ít đi nhưng thịt cá lại tăng gấp năm gấp bảy lần xưa.

Không còn cảnh chờ đợi nhau đầm ấm quây quần quanh mâm cơm ngút khói bên mẻ ốc mới mò, mẻ cua mới bắt, mớ tép mới đánh. Chỉ nhìn nhau cười nói mà đã no con mắt. Chỉ nghe tiếng khen nấu giỏi, chế biến tài mà má ai không cần đánh phấn đã hồng. Không còn cảnh làm dâu là phải có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ chồng, lo lắng bữa ăn cho cả nhà dù cả ngày có quần ống thấp, ống cao trên đồng cạn, dưới đồng sâu đi chăng nữa. Không còn cảnh đã bữa cơm là phải ăn ở nhà chứ không được lê la quán sá vì “cơm hàng cháo chợ, ai lỡ thì ăn”. Vật chất một bộ phận ở quê đã khá phủ phê nhưng đời sống tinh thần của người dân xem ra lại xuống dốc.

Bà chị của ông Lưu tuổi già mắt kém, gần đất xa trời rồi nhưng vì nhớ con quay quắt vẫn bắt tàu xe từ Bắc vào Nam. Ngồi ở nhà rảnh rỗi, bà đã trổ tài chế biến các món ăn mà con mình từng thích với một ý nghĩ ấm áp, thật lòng. Cơm canh hâm đi, hâm lại đến hơn 12 giờ mà vẫn không thấy bóng dáng con đâu.

Tận chiều, mới thấy nó lấp ló ngoài cửa, bà dịu dàng: “Khổ quá, mẹ chờ mãi không thấy con về!”. Người con ráo hoảnh: “Mẹ quê lắm, mẹ ở nhà nấu trước ăn đi, chúng con ăn đâu kệ con. Có khi con không về, gặp bạn bè ăn ở ngoài đường cũng được!”.

Bà mẹ nguyên là giáo viên cấp hai về hưu vừa tức vừa tủi thân. “Nó khinh mình là nhà quê. Ông cha nó là nhà quê thế mà chưa thoát thai ra khỏi làng đã khinh tổ tiên thì có là con người nữa hay thôi? Hỏng, hỏng rồi chú ạ! Bữa ăn gia đình vô cùng quan trọng. Không chỉ cung cấp năng lượng để sống mà nó như một sợi dây vô hình thắt chặt các quan hệ các thành viên với nhau. Thế mà…”.

Giờ đây, bữa ăn đã không còn đúng giờ giấc và người nông dân cũng không còn nhiều cảm giác, hứng thú với các bữa ăn gia đình. “Sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn gia đình truyền thống”, giáo sư Từ Giấy tổng kết.

Những bữa cơm gia đình cứ trôi tuột đi, mỗi lúc một xa về một miền sâu thẳm. Người già muốn níu kéo nhưng thế hệ trẻ lại quay lưng nên lực bất tòng tâm. Thức ăn ngon mà không có tình người, không có lòng biết ơn và tôn trọng lẫn nhau cũng không còn ngon được nữa.

Rời Tam Cường đầu óc tôi cứ vẩn vơ mãi câu trả lời của ông cựu Bí thư xã nhà được hỏi về cảm giác gì trước nông thôn hiện tại. Ông trầm ngâm: “Hẫng hụt”. Nói rồi ông diễn giải: “Nghỉ hưu xong tôi đi làm thuê xa quê có 9 năm mà cảm thấy lạ trên chính quê mình. Nhà lầu mọc lên còn đất đai co lại. Làng tôi hai năm rồi đập đi hơn ba mươi nhà cấp bốn để xây nhà hai ba tầng.

Thanh niên hai mươi, ba mươi tuổi ở làng mắt ai cũng như rắn ráo, chẳng biết ai với ai. Đáng ông trẻ thì chúng gọi là bác, đáng chú cháu thì chúng lại anh xưng em. Được chào hỏi là còn may chứ nhiều khi gặp người già cánh trẻ mắt cứ vờ như không thấy ấy. Lạ cái kể cả cô giáo, thầy giáo trẻ ngày nay có học cũng thế. Còn các bạn cùng thủa chăn trâu cắt cỏ giờ cũng nhìn mình bằng con mắt khác, giàu nghèo cách biệt. Ai mà làm được cái nhà to là mặt cứ vênh vênh váo váo. Ai mà làm cán bộ là không còn hỏi han gì người dân”.

Ngày trước mới sớm tinh mơ thôn đã vang tiếng người ời ời gọi nhau uống chè khóm (uống chè theo nhóm). Uống chè chỉ là một cái cớ để họ cùng “uống” chuyện của nhau. Chuyện xa, chuyện gần, chuyện làng, chuyện xóm. Biết tin ai ốm là cả làng kéo đến thăm. Biết cảnh nhà ai neo người là vụ cấy có kẻ sẵn sàng đến cày bừa, nhổ mạ giúp, vụ gặt có người mang hái, mang liềm tới giúp. Giờ cảnh đó xa xăm tựa như chuyện cổ tích.

Thợ cấy trong làng giờ không còn gội đầu lá bưởi, lá hương nhu với cái thế quay tóc ở giữa sân đẹp một cách rất điện ảnh nữa mà ra ngoài quán gội toàn Sunsilk, Rejoyce… Bọt sủi lên như xà phòng trên những mái tóc tân kỳ. Thợ cày giờ không còn tự hào về những đường đất mới lật rất khéo nữa mà cũng lê la bia bọt, karaoke, cờ bạc bê tha...

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.