| Hotline: 0983.970.780

Buông lỏng quản lý

Thứ Sáu 22/11/2013 , 11:01 (GMT+7)

Kinh nghiệm cho thấy, loại trái cây nào chưa “ngậm” thuốc thì ăn vào thấy chát, còn đã xử lý thuốc thì có cảm giác ngọt ở cổ, vỏ bên ngoài bóng, ửng màu” - (một đại diện BQL chợ đầu mối Thủ Đức -TP.HCM).

Trong khi các nhà vườn đang dần tiến tới mô hình SX trái cây an toàn sạch bệnh thì không ít thương lái vì chạy theo lợi nhuận mà đã sử dụng tràn lan hóa chất mua bán trôi nổi trên thị trường. Vấn đề đặt ra là việc quản lý hoạt động kinh doanh của các thương lái nhà vườn hiện nay đang bỏ ngỏ...

>> Điểm danh độc dược ''tẩm'' trái cây mau chín, lâu hỏng

Thời điểm này ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong khi chôm chôm, sầu riêng hết vụ thì đây lại là mùa thu hoạch rộ của mít và ổi.

Mít nhúng thuốc vô tư

Tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước nơi nổi tiếng là “vương quốc” mít với diện tích gần 1.000 ha chỉ đứng sau cây cao su, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh thương lái giương biển “Thu mua mít trái, mít múi”.

Ông Phan Văn Điểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hưng, cho hay, lái mít hiện chia làm 2 loại. Một loại “trường vốn”, họ chuyên đi mua rẫy mít của bà con nông dân với giá từ 60-80 triệu đồng/ha (khoảng 300 cây mít/ha).

Thời gian mua trung bình 3 năm, tiền trả dứt điểm ngay từ lúc hợp đồng. Sau khi nhận vườn, thương lái đầu tư phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc. Một thương lái mua từ 5-7 ha vườn mít là bình thường. Đến vụ thu hoạch, cứ khoảng 2-3 ngày là có vài tấn chở bằng xe vận tải nhẹ giao cho thương lái “cấp 1” ở TX Đồng Xoài để xuất đi Trung Quốc. Người ta xếp loại đây là thương lái “2 trong 1”.

Thứ hai là thương lái “lọt cọt”, còn gọi “lái vườn”, do ít vốn nên họ chỉ trang bị một cái sọt chở khoảng 6-7 trái mít gắn phía sau yên xe gắn máy, hàng ngày đi đến tận nhà vườn để mua mít lẻ. Đây là thương lái thường sử dụng hóa chất để ép mít non thành “chín sớm” nhằm cung cấp cho các vựa trái cây cấp 1, 2 hoặc bán thẳng ra các chợ vỉa hè.

“Các nhà vườn thường bán mít cho thương lái thứ 2 này, bởi họ ít kén chọn tiêu chuẩn, cỡ nào cũng mua, mít già và mít non đều mua tất. Bây giờ trái sầu riêng người ta còn nhúng hóa chất thì mít phải có, nhưng nhúng cái gì, nói thật, tụi này không thể biết được” - ông Điểu nói.

Anh Việt, một cộng tác viên IPM của xã Minh Hưng vốn thân thiết với bà Loan, chủ một điểm thu mua mít nằm ở ngã ba Chơn Thành, huyện Bình Long dẫn tôi đến giới thiệu là người bà con ở ngoài Bình Thuận vào tìm hiểu nghề “buôn mít”.

Bà Loan cho biết, hiện nay bên Trung Quốc đang hút hàng. Giá mua tại vườn mít loại 1, bình quân 5.000 đồng/kg, giao lại cho đại lý cấp 1 là 5.500 đồng, lãi 500 đồng/kg. Cứ một ngày các hệ thống chân rết tức các “lái vườn” giao lại cho bà 2-3 tấn. Sau đó ủ mít thêm 3-4 ngày tại cơ sở cho mít chín thì chở về Đồng Xoài để giao đi Trung Quốc.


Bà Loan, một chủ vựa mít ở ngã ba Chơn Thành, Bình Phước: “Trưa nay bơm “thuốc” thì chiều mai phải lột, bởi nếu không mít sẽ nhanh thối”

“Bên đại lý ở TX Đồng Xoài có người bên Trung Quốc sang đứng giám sát kiểm tra mít kỹ lắm nên tụi này phải chọn kỹ, mít loại 1 tức trái phải già, cân nặng 7-8 kg/trái, đặc biệt là không được nhúng thuốc, không được cho thuốc thúc trái chín ép thì họ mới nhận. Còn mít loại 2, loại 3 thì lột giao cho công ty Vinamit ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương mà loại này mình xử lý kiểu nào cũng được, bởi khi vào nhà máy họ sấy mít khô hóa chất cỡ nào cũng phải tan hết!” - bà Loan lý giải.

Bà Loan cho biết thêm, hiện người ở TP xuống chào hàng cơ sở bà một loại thuốc thúc trái chín dạng viên của Trung Quốc giá 18 ngàn đồng/viên. Khi bỏ vào nước, thuốc sẽ sủi bọt như viên vitamin C sủi. “Họ quảng cáo là dùng loại này trái cây xanh cỡ nào cũng chín ngay chỉ sau 1-2 ngày.

“Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 1.500-1.800 tấn trái cây các loại, trong nước có cam, bưởi, ổi, mít, mảng cầu, măng cụt.. ngoài nước chủ yếu từ Trung Quốc gồm hồng giòn, táo, lê, nho, lựu, đào tiên.. Sau đó phân phối cho các vựa đầu mối. Bình quân mỗi vựa tiếp nhận 400-500 kg/ngày.

Kinh nghiệm cho thấy, loại trái cây nào chưa “ngậm” thuốc thì ăn vào thấy chát, còn đã xử lý thuốc thì có cảm giác ngọt ở cổ, còn vỏ bên ngoài bóng, ửng màu”- (Một đại diện BQL chợ đầu mối Thủ Đức-TPHCM)

Tuy nhiên, chị đang suy nghĩ vì hiện tại đang sử dụng loại thuốc ống chích vào trái, mít chín đều, không bị úng thối. Nhưng bơm không đúng liều lượng cũng không tốt cho trái và cả người ăn (?!). Bơm nhiều, mít chín nhanh quá không lột kịp sẽ bị hư.

Còn bơm ít, mít chín không đều cũng sẽ bị đắng và sượng. Phải canh đúng thời điểm. Trưa nay bơm “thuốc” thì chiều mai phải lột. Nếu không, cả đống mít phải đổ đi vì khi có hóa chất thì mít nhanh chín mà cũng nhanh thối”.

Ông Lê Thế Tài, trưởng ấp 6 cho hay, nhà vườn trồng mít chủ yếu dùng thuốc xịt rầy, rệp. Ngại nhất là mấy anh lái vườn lọt cọt, vì hám lợi nên mít cỡ nào cũng mua, mua mít non 1 kg có 1.000 đồng mang về cho “ngậm” thuốc mau chín để bán ra chợ giá 3.000-4.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, loại này không nhiều vì người mua bây giờ thông minh lắm, chỉ cần vỗ vào trái mít nghe kêu “bộp bộp” là biết mít chín cây hay chín ép ngay. “Mấy ông, bà thương lái vườn này tuy chỉ cá biệt nhưng có khi do một con sâu mà đã làm rầu nồi canh” - ôTài nói.

Ổi ngâm “thuốc”…, ai biết?

Chúng tôi tiếp tục tìm đến vùng trồng ổi xá lỵ nổi tiếng ở xã Bảo Quang, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tại đây có 150 ha ổi với hàng trăm hộ trồng. Trông trái ổi xá lỵ to, da xanh mơn mởn, ăn lại giòn ngây nên dễ tưởng “ngậm” thuốc.

Ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch HĐND xã lý giải, do nhiều người không tận mắt thấy kỹ thuật của người trồng, nên ngỡ trái to chắc là nông dân phun thuốc “kích phọt” nhiều lắm mới đạt như vậy. “Khi trái ổi lớn bằng ngón chân cái là người ta đã bao 2 lớp, lớp trong bằng giấy báo, lớp ngoài bằng bao ny lon để chống rầy, bọ xít chích hút thì phun thuốc cỡ nào sẽ không làm ảnh hưởng trái” - ông Long khẳng định.

Ông Doãn Quốc Định ở ấp Lạc Chiếu, xã Bảo Quang cho biết, gia đình ông trồng 2,5 sào ổi (450 cây), cứ 1 tháng thu hoạch 3 đợt, 1 đợt được 6 tạ, giá bán 7.000 đ/kg, mỗi tháng bán cho thương lái thu nhập hơn 12 triệu.


Nông dân Doãn Quốc Định nói: “Ổi trước lúc thu hoạch đã được bao kín thì hoàn toàn sạch. Còn việc có tẩm thuốc hay không là chuyện của thương lái”

“Cứ tới vụ có trái đợt nào là thương lái vào tận vườn mua hết, mình chỉ hái và cân đo. Chúng tôi nghe nói trái cây tẩm thuốc để kéo dài tuổi thọ nhưng đó là việc của thương lái, họ mua ở vườn mang về nhà chọn lọc trái, sau đó vận chuyển bán cho các chủ vựa, từ chủ vựa đem bán sỉ các chợ đầu mối, tại đây qua thêm tay bán lẻ mới đến người tiêu dùng. Quá trình này kéo dài ít nhất 3-5 ngày. Do vậy, chắc là thương lái phải có bí quyết bảo quản riêng của họ”.

Ông Thành, một thương lái chuyên mua ổi ở xã Bảo Hòa (kế bên xã Bảo Quang) tiết lộ, sau khi thu hoạch thì trái ổi chỉ giữ “độ” cứng, giòn trong vòng 5 ngày trở lại. Sau thời gian đó nếu không có bí quyết bảo quản thì ổi sẽ mau héo, không còn cứng giòn như trước.

Bí quyết “bảo quản” của ông Thành là sau khi mua từ các nhà vườn thì nhúng vào vôi công nghiệp trong thời gian khoảng 30 phút, sau đó vớt ra để cho khô ráo chừng 1 ngày là giao cho các đầu mối bán sỉ. “Tuy nhiên nếu vận chuyển đi xa, lên Tây Nguyên hoặc ra miền Bắc thì cũng phải xử lý thuốc”.

Theo bà Nguyễn Thị Dịu, Trưởng trạm BVTV TX Long Khánh, mới đây cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu trái ổi xá lỵ ngay tại vườn của một số nông dân ở xã Bảo Quang đi phân tích xem dư lượng thuốc BVTV nhưng kết quả là không phát hiện điều gì bất thường. Tuy nhiên, việc thương lái có dùng thuốc để bảo quản trái ổi đi xa hay không thì bà Dịu cho rằng “không thể biết được”. (Hết) 

"Hiện nay trên thị trường có quá nhiều hóa chất làm trái chín và bảo quản trái cây, nằm trong danh mục chẳng hạn có chất rửa trái cây Chlorine 100-150 ppm cùng nước Ozon; thuốc xử lý nấm bệnh thường dùng là “màng bao” có nguồn gốc từ chất hữu cơ Chitosan, tên thương mại là Freshcare, Semperfresh.., tác dụng làm trái cây tươi lâu, hạn chế hư hỏng do nấm bệnh, còn thuốc ngoài luồng thì tôi không rõ.

Nhưng dù thuốc trong hay ngoài danh mục, việc sử dụng cũng phải tuân thủ tuyệt đối đúng qui trình và liều lượng. Thế nên, chỉ khi lấy mẫu phân tích mới biết nó có độc hại hay không” - ThS Lâm Thanh Hiền- GĐ Trung tâm nghiên cứu Bảo quản và Chế biến rau quả- Trường ĐHNL TPHCM.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.