| Hotline: 0983.970.780

Bứt phá bằng nội lực

Thứ Sáu 17/12/2010 , 09:54 (GMT+7)

Để giúp dân vươn lên làm giàu, điều đầu tiên chính quyền xã Xuân Hòa hướng tới là phải tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị canh tác.

Là xã thuần nông, Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An) hiện có 374 ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào gieo trồng nên năng suất, sản lượng lúa và ngô ở đây luôn đạt cao. Thế nhưng, nếu chỉ thâm canh hai loại cây lương thực này thì đời sống của người dân Xuân Hòa vẫn "dậm chân tại chỗ".

Phá thế độc canh

Để giúp dân vươn lên làm giàu, điều đầu tiên chính quyền hướng tới là phải tăng giá trị thu nhập trên từng một đơn vị diện tích canh tác. Bước đột phá của xã Xuân Hoà trong lĩnh vực này là đã tận dụng ưu thế của từng xứ đồng mạnh dạn phá thế độc canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo ra các vùng chuyên canh lúa, rau màu, nuôi trồng thuỷ sản... Trong đó Xuân Hòa quyết tâm đưa cây rau màu trở thành thế mạnh của địa phương.

Ông Trần Hồng Khuông, Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà cho biết: Trước đây, dân chỉ tập trung sản xuất 2 vụ lúa là chính. Vụ đông lại chưa được coi trọng nên chủ yếu sử dụng các loại cây rau màu địa phương nên hiệu quả kinh tế thấp. UBND xã đã quy hoạch lại diện tích đất, mạnh dạn chuyển trên 100 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại bằng việc xây dựng các mô hình vùng sản xuất rau sạch: Đưa cây dưa hấu vào trồng vụ hè thu, khuyến khích bà con trồng các loại hoa vụ đông để tiêu thụ trong dịp tết Nguyên Đán...

Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, khi thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng thu nhập cao của huyện, Xuân Hòa đã đi đầu trong việc xây dựng vùng chuyên canh rau. Nhờ đó, diện tích, chủng loại rau màu du nhập vào địa phương cứ tăng dần hàng năm. Chỉ một thời gian ngắn, cây rau đã trở thành cây chủ lực, mang lại thu nhập cao cho địa phương. Tại vùng rau chuyên canh, một năm dân Xuân Hòa luân canh từ 4 - 5 lứa rau, bởi thế 1 ha đất màu ở đây đã cho thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Gặp ông Nguyễn Ngọc Sang đang thu hoạch dưa chuột trên đồng, ông phấn khởi cho biết: Vùng này trước đây trồng lúa nước, nhưng do ở cuối kênh nên hạn hán thường xuyên đe dọa, năng suất lúa rất thấp và bấp bênh. Thực hiện chủ trương của địa phương chúng tôi chuyển sang trồng rau màu thì thu nhập tăng lên gấp 3 lần, từ đó vùng này trở thành vùng rau hàng hoá.

Bây giờ nhờ áp dụng biện pháp trồng xen canh, gối vụ trên cùng một thửa ruộng nhưng sản phẩm có bán quanh năm, thu nhập cũng khá. Vụ xuân bà con ở đây trồng các loại cây như hành, bí xanh, đậu côve, cây gia vị; vụ hè thu chuyển sang trồng ớt xuất khẩu, cà xanh, dưa chuột... Nhà ông Sang làm 3 sào rau màu, bình quân cho thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/năm.

Tại Xuân Hòa, để giúp dân thâm canh, tăng vụ có hiệu quả trên diện tích đất đã chuyển đổi, bên cạnh hệ thống kênh mương kiên cố, HTX đã cùng với bà con xã viên đầu tư hệ thống tưới cho rau màu bằng các đường ống dẫn nước, dùng giếng khoan, hồ chứa nước điện lưới được kéo ra tận đồng để bơm nước hàng ngày, đường giao thông nội đồng cũng được đầu tư nâng cấp tạo thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Mùa nào rau ấy, cánh đồng rau màu của xã Xuân Hoà bốn mùa xanh tươi.
Từ năm năm nay, vùng rau màu tập trung, chuyên canh ở Xuân Hòa chẳng những đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động (chủ yếu là phụ nữ) chuyên thu mua vận chuyển đi các vùng cận và thành phố Vinh để bán buôn, bán lẻ cho người tiêu dùng.

Rủng rỉnh từ nghề phụ

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, Xuân Hòa cũng biết phát huy lợi thế của mình là nằm trên các tuyến giao thông quan trọng: QL 46, đường Lê Hồng Sơn, đường du lịch ven sông Lam… UBND xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó nghề mộc dân dụng đã có cơ hội phát triển mạnh mang lại thu nhập cao cho người dân...

Chủ tịch UBND xã Trần Hồng Khuông khoe: Sự khéo léo của cánh thợ mộc Xuân Hoà được khẳng định trên thương hiệu nhà ở dân dụng bằng gỗ từ hàng chục năm qua. Chính tài năng của lớp người đi trước đã góp phần giúp người dân ở đây có cuộc sống ổn định.

Trước kia nghề mộc chỉ được xem là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Nhưng bây giờ, đối với cánh trai trẻ trong xã nghề mộc đã trở thành nguồn thu chủ lực của hàng trăm hộ gia đình. Trên ba chục người có tay nghề khá đã mạnh dạn bỏ vốn thành lập xưởng mộc tại nhà, đầu tư máy móc, tìm kiếm nguồn hàng, sáng tạo ra các mẫu mã mới, các mặt hàng nội thất cao cấp để vừa có thu nhập cao, vừa có thị trường tiêu thụ mạnh.

Điển hình như xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Sỹ (ở xóm 5), hay xưởng mộc Hoà Mạnh (xóm 12) thu hút 15 thợ chính, phụ; sản phẩm  là bàn ghế, giường, tủ cao cấp nên sản phẩm của họ đã đủ sức cạnh tranh với các cơ sở sản xuất đồ mộc có tiếng của cả nước ở thị trường trong ngoài tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có 32 xưởng mộc dân dụng, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Công lao động trả cho mỗi người thợ đều ở mức trên dưới 100.000 đồng/ngày. Đây là số tiền không nhỏ so với mức thu nhập bình quân ở nông thôn hiện nay.

Có thể nói, cây rau màu hàng hóa và nghề mộc dân dụng là hai yếu tố chính góp phần cho vùng quê Xuân Hoà ngày một khởi sắc.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.