| Hotline: 0983.970.780

Ca cao "kết duyên" điều

Thứ Tư 13/08/2014 , 10:07 (GMT+7)

Hộ anh Hà Thanh Phương ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai là một trong những hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn triển khai mô hình trồng ca cao dưới tán điều, giúp gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích…

Kỹ sư Nguyễn Trọng Toàn, Phòng Thông tin huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai sốt sắng dẫn tôi đến gặp anh Hà Thanh Phương. Mặc dù đã liên hệ điện thoại trước, nhưng khi đến nhà thì anh đang ở rẫy chưa về, chúng tôi đành lên xe đến rẫy.

Thấy chúng tôi, anh Phương từ rẫy điều đi ra. Thoạt nhìn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy tóc trên đầu anh hầu như bạc trắng và càng ngạc nhiên hơn khi biết anh mới chỉ 42 tuổi đời.

Như đọc được thắc mắc của tôi, Phương nói vui: “Tại cái máu tôi nó “xấu” nên tóc bạc sớm đấy!”, vừa nói Phương vừa hướng dẫn mọi người ngồi xuống gốc cây mát, rồi kể: “Có thể nói không ngoa, tôi đến với cây điều từ những năm đang học tiểu học, tức cách nay hơn 30 năm rồi!”.

Ngày ấy Phương mới lên 7 tuổi, một buổi đến trường, một buổi theo cha mẹ ra rẫy xem trồng điều. Đến nay, điều trồng từ ngày ấy vẫn còn chín cây. Bố mẹ Phương quê ở ngoài Bắc, di cư vào đây từ năm 1954.

Thường một vụ, rẫy điều của anh Phương bón từ 2 - 3 đợt phân NPK kết hợp với phân chuồng. Cũng như nhiều hộ khác, anh mua phân đơn về trộn theo tỷ lệ 16 - 16 - 8, cộng phân chuồng thường dùng là phân heo, phân chim cút. Thu hoạch xong, anh tỉa cành tạo tán và bón phân chuồng.
Phương khẳng định phải chịu khó đào rãnh sâu quanh gốc, cách gốc chừng hơn 1 m rồi mới bỏ phân lấp đất lại. Dưới tán điều trồng thêm cây ca cao, sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch để tăng thêm thu nhập.

Sau này khi tự mình trồng và chăm sóc điều, Phương vẫn còn nhớ lời khuyên của bố mẹ là nên đào hố bỏ phân chuồng xuống để khoảng 1 tháng mới trồng. Lúc đó phân đã hoai, cây bén rễ chắc và cho năng suất cao.

Những năm được mùa, vườn điều của Phương cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn/ha. Nhưng năm nay điều của Phương kém hơn, một phần vì sâu róm tấn công, phần do gặp thời tiết không thuận. Bù lại, Phương trồng thêm ca cao dưới tán điều để gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Đây là mô hình của khuyến nông tỉnh triển khai. Các hộ được chọn sẽ được Trung tâm hỗ trợ giống ca cao, hỗ trợ 30% chi phí phân bón trong 3 năm liên tiếp; hệ thống đường ống tưới tiết kiệm được kéo đến tận mỗi gốc cây, vừa có lợi cho ca cao vừa có lợi cho cây điều.

Phương cho biết thêm: "Trước đây khi chưa đặt đường ống tiết tiết kiệm thì phải bỏ ra từ 2 - 3 ngày kéo đường ống đến tận gốc, vừa tốn sức vừa tốn công, nay chỉ mất 1 ngày thôi. Đó là chưa tính đến việc tưới nước cho ca cao, cây điều cũng được hưởng lây.

Ca cao của tôi mới chỉ  3 năm tuổi nhưng đã cho trái bói, từ đầu vụ đến nay đã thu được 400 kg hạt khô, giá bán tại chỗ 5.200 đồng/kg".

Tuy nhiên, do ở địa phương, người trồng ca cao xen dưới tán điều chưa nhiều nên chưa có trạm thu mua của các công ty, Phương phải bán cho các lái. “Khi mô hình này có hiệu quả, tôi tin nhiều hộ dân sẽ làm theo. Đến lúc đó giá cả chắc cũng khá hơn. Từ mấy chục năm nay, với hơn 2 ha điều, vợ chồng tôi luôn đủ  sống, các cháu được học hành nên người. Giờ đây có thêm khoản tiền thu được từ trồng xen ca cao, gia đình sẽ dư dả hơn”, Phương nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mô hình trồng ca cao dưới tán điều đang được thử nghiệm, mục tiêu là tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho người trồng điều. Hiện việc cải tạo vườn điều có độ tuổi 15 - 20 năm đối với nông dân đang khá nan giải, nhất là đối với những người trồng điều từ hạt.

Chặt bỏ để trồng giống mới khi chưa có chính sách hỗ trợ vốn thì không phải người trồng điều nào cũng đủ khả năng. Vì thế, việc trồng xen ca cao được xem như một trong những biện pháp giúp giải bài toán thu nhập cho người trồng điều.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất