| Hotline: 0983.970.780

Cá chết hàng loạt trên vịnh Nghi Sơn: Nguyên nhân không như dân đoán (?!)

Thứ Năm 20/10/2011 , 10:09 (GMT+7)

Người dân cho rằng nguyên nhân do việc nạo vét, khơi dòng nhưng các cơ quan chức năng kết luận cá chết là do bệnh?

Hơn 2 tháng qua, nhiều lồng cá nuôi trên vịnh Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia- Thanh Hóa) bị chết hàng loạt. Người dân cho rằng nguyên nhân do việc nạo vét, khơi dòng cho tàu vào cầu cảng của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn nhưng các cơ quan chức năng kết luận cá chết là do bệnh?

Dưới những cơn mưa phùn liên miên tháng 10, khu vực nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn càng thêm tiêu điều. Theo phản ánh của người dân, bắt đầu từ cuối tháng 7, cá lồng trên vịnh Ngọc (tên gọi khác của vịnh Nghi Sơn) nổi bụng, chết hàng loạt. Từ đó đến nay, cá vẫn chết rải rác trong sự bất lực và tiếc nuối của các chủ lồng.

Được biết, khu vực vịnh Ngọc đã được bà con xã Nghi Sơn tận dụng nuôi cá lồng từ hàng chục năm qua. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, thậm chí trở thành "đại gia" cũng nhờ những lồng cá đặc sản này. Trong hơn 1.000 lồng cá của 86 hộ nuôi thì đến nay, đã có 608 lồng có hiện tượng cá chết.

Thống kê từ UBND xã Nghi Sơn, đã có khoảng 83 tấn cá đặc sản gồm cá song mú, cá hồng mỹ, cá giò bị chết, thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng. Nhiều lồng cá chuẩn bị đến ngày thu hoạch bỗng nhiên chết trắng khiến chủ lồng thất thu hàng chục triệu đồng. Một số gia đình vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá đã trở thành con nợ.

Đến thôn Trung Sơn, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Trần Văn Luận, người có tiếng trong việc mạnh dạn đầu tư nuôi cá. "Những hôm trước, tôi nhiều phen thắt ruột mỗi khi nhìn đàn cá chết nổi kín lồng. 300 triệu đồng vay ngân hàng và 400 triệu đồng vay người thân để đầu tư nuôi cá, nay tiêu tan sạch sẽ theo xác đàn cá. Bây giờ chẳng biết bới đâu ra để trả nợ đây" - anh Luận chán nản. Không chỉ có anh Luận, nhiều gia đình trong xã cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Người dân xã Nghi Sơn khăng khăng cho rằng, việc nạo vét cảng Nghi Sơn của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn chính là nguyên nhân cá chết hàng loạt. Theo họ, việc nạo vét đã làm sục bùn và sục các chất độc ra nguồn nước. Ngay từ những ngày xảy ra hiện tượng cá chết, các ngành chức năng cũng đã vào cuộc để tìm nguyên nhân.

Tuy nhiên, trái với nhận định của người dân, một cán bộ ở Phòng Nuôi trồng Thuỷ sản thuộc Sở NN- PTNT cho biết: "Chúng tôi mới có kết luận về nguyên nhân, theo đó cá chết hàng loạt ở vịnh Ngọc là do bị bệnh. Sau khi có hiện tượng cá chết, huyện Tĩnh Gia đã có văn bản báo lên Sở NN-PTNT. Sở đã giao cho Chi cục Thú y xuống xem xét.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: "Chính quyền xã hoàn toàn đồng thuận với kết luận có tính khoa học của các ngành chức năng. Chúng tôi đã và đang tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguyên nhân cá chết. Đa phần họ đã thấy có lý và không có kiến nghị gì nữa" (!?).

Chi cục Thú y đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương về phân tích mẫu nước và mẫu cá chết. Các cơ quan chức năng đã có văn bản kết luận: Với cá giò, đã nhiễm một loại virút làm hoại tử thần kinh; cá hồng mỹ thì bị nhiễm loại vi trùng vibrio; còn cá mú thì bị sán lá đơn chủ”.

Cùng với đó, huyện Tĩnh Gia cũng đã chủ động mời các chuyên gia của Viện Kỹ thuật hoá sinh và Phòng Thí nghiệm hoá lý nghiệp vụ và phân tích môi trường của Bộ Công an về lấy mẫu nước để phân tích. Các kết luận gửi về cho thấy: 18 chỉ tiêu về nước gần vị trí nạo vét cảng Nghi Sơn vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép. Vừa qua, huyện Tĩnh Gia cũng đã triệu tập một cuộc họp, mời Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, xã Nghi Sơn, Bộ đội Biên phòng Nghi Sơn để kết luận nguyên nhân cá chết.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất