| Hotline: 0983.970.780

Cá chết trắng đầm

Thứ Ba 18/06/2013 , 10:24 (GMT+7)

Người dân xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, TT-Huế) lại một phen khốn đốn khi hàng trăm ha nuôi xen ghép cá dìa, kình… bị bệnh chết nổi trắng đầm.

Sau vụ tôm thất bát, nợ nần chồng chất, người dân xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, TT-Huế) lại một phen khốn đốn khi hàng trăm ha mặt nước chắn sáo và nuôi xen ghép cá dìa, kình… bị bệnh chết nổi trắng đầm.

Chết không kịp vớt

Men theo triền đê ra vùng “chuyên canh” chắn sáo nuôi thủy sản của ngư dân trên đầm Sam thấy cá nổi trắng cả một vuông lưới, vứt ngổn ngang thối rữa bên đường. Cá chết nhiều đến nỗi bà con không kịp vớt, bỏ hoang cả vùng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Vụ nuôi 2013, địa phương đưa vào thả nuôi 334 ha cá dìa theo hình thức chắn sáo và 273 ha nuôi xen ghép các loại cá với khoảng 60 vạn con giống. Vừa thả được 2 tháng thì có đến 80% số cá, cua nhiễm bệnh chết hàng loạt, ước thiệt hại chỉ riêng tiền giống khoảng 2,5 tỷ đồng. Số diện tích nuôi xen ghép cũng đang bị dịch bệnh, chết hàng loạt”.


Cá chết đẩy người nuôi vào thế khó khăn

Diện tích nuôi bị dịch bệnh chủ yếu là cá dìa, vốn là loài thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Theo nhiều hộ, chưa năm nào cá nuôi chết bất thường và nhiều như thế. Ông Hà Dũng (thôn Thủy Diện) cho biết: “Vụ nuôi năm nay tui thả 4 vạn con giống cá dìa trên diện tích 5 ha mặt nước. Qua 3 tháng nuôi, cá chết trắng hồ, thiệt hại đến hơn 80%. Giá cá giống hiện khoảng 5.000 đ/con, chỉ tính riêng tiền giống tui đã mất gần 200 triệu, chưa tính chi phí thức ăn, vuông lưới, sáo và công chăm sóc”.

Cùng rơi vào hoàn cảnh như ông Dũng là gần 500 hộ dân ở xã Phú Xuân, mỗi hộ dân bình quân thua lỗ 60 - 70 triệu đ. “Nguồn vốn đầu tư nuôi cá chủ yếu là vay từ bên ngoài nên lãi suất khá cao. Cá chết làm ngư dân chúng tôi “cụt vốn”, không lấy đâu ra đầu tư cho vụ sau nên hiện tại rất khó khăn”, ông Trần Khá, một hộ dân than thở.

Hộ gia đình ông Khá thả nuôi 1 vạn cá dìa trên diện tích 1,6 ha. Mới nuôi được 1 tháng thì cá đổ bệnh chết, không thu được đồng nào. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào đầm phá, nuôi trồng thủy sản nên khi dịch bệnh xảy ra đã trắng tay, nợ nần chồng chất.

Ông Hà Xuân Vạch, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá thôn Thủy Diện cho biết: “Tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra từ cuối tháng 4 DL đến nay. Nguyên nhân vẫn chưa xác định được nhưng theo bà con phản ánh do môi trường nước thay đổi, cá bị bệnh chủ yếu là do ký sinh trùng ở mang. Nguồn giống mua lại của thương lái không đảm bảo. Như mọi năm tình trạng cá chết vẫn diễn ra nhưng với diện tích nhỏ, chưa năm nào thấy dịch bệnh nặng nề như năm nay”.

Chưa có giải pháp

Theo ông Hà Xuân Vạch, cá chết hàng loạt ở khu vực nuôi theo hình thức chắn sáo trên đầm Sam là một hiện tượng bất thường bởi đây là khu vực nuôi truyền thống của ngư dân, chưa năm nào dịch bệnh xảy ra trên diện rộng với diện tích bị thiệt hại lớn như thế. Ngư dân đang rất lo lắng, tiến thoái lưỡng nan bởi đây là nguồn sinh kế chính, trong khi mùa vụ nuôi tiếp theo đang cận kề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng bức xúc: “Tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra đã hơn tháng qua. Khi bà con phản ánh dịch bệnh, xã đã cử cán bộ khuyến nông về kiểm tra và có kiến nghị nhiều lần lên Trung tâm Khuyến nông lâm ngư TT- Huế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Vấn đề là phải xác định nguyên nhân bị bệnh để có giải pháp cho bà con, không chỉ vụ này mà còn các vụ nuôi sau nữa. Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của địa phương, dịch bệnh trên cá gây thiệt hại khá lớn nên bà con ngư dân đang rất khó khăn”.

Hiện, số diện tích cá nuôi còn lại vẫn đang chết, bà con vớt vứt trắng cả triền đê. Nhiều vuông sáo nuôi bỏ hoang cả tháng nay. Bà con ngồi “nghe ngóng” tình hình dịch bệnh chứ dám thả nuôi lại vụ khác.

Ông Nguyễn Toản, một hộ dân kiến nghị: “Đến nay chưa xác định được nguyên nhân cũng như chưa có cán bộ kỹ thuật nào ở trên về hướng dẫn, tìm biện pháp xử lý nên các hộ nuôi rất hoang mang. Một số hộ có điều kiện vẫn không dám đầu tư vì sợ bị thua lỗ, cá chết cho cũng không lấy chứ đừng nói ai mua”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất