| Hotline: 0983.970.780

Cá chết trắng sông Đồng Nai

Thứ Năm 16/12/2010 , 10:04 (GMT+7)

Từ chiều tối 14/12 đến trưa ngày 15/12, hàng trăm bè cá tại cù lao Phố (TP.Biên Hòa) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt…

* Do NM Giấy Tân Mai và KCN Biên Hòa 1 xả thải?

Từ chiều tối 14/12 đến trưa ngày 15/12, hàng trăm bè cá tại cù lao Phố (TP.Biên Hòa) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt…

Theo ghi nhận của PV, hơn 700 bè cá của các ngư dân ở khu vực cù lao Phố đều xảy ra tình trạng cá chết nổi trắng bè, bốc mùi thối rữa. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khu vực tả ngạn sông Đồng Nai thuộc các phường Thống Nhất, Tân Mai, An Bình… có cá chết với số lượng lớn.

Anh Phạm Văn Nhân, có bè cá nuôi trên sông Đồng Nai (khu vực phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa) cho biết: “Nhà tôi có 37 ô thả cá, nhưng hơn nửa đã bị chết, số còn lại cũng bắt đầu có dấu hiệu nổi lờ đờ. Nuôi cá gần 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh cá chết nhiều như vậy. Chỉ qua một đêm, số cá chết đã lên đến hơn 5 tạ, còn một số cá chết chưa vớt lên nữa”.

Ngay sát bè cá anh Nhân, gần 22 ô thả cá chép thịt, cá diêu hồng của anh Phạm Văn Ký cũng chung cảnh ngộ. “Đầu vụ vừa rồi tôi đầu tư gần 100 triệu đồng mua cá giống, chỉ khoảng một tháng nữa là cho thu hoạch, nhưng giờ thì trôi sông, trôi biển cả rồi. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi ô cá chết khoảng 1 tạ, thiệt hại không dưới 70 triệu đồng” anh Ký chán nản nói.

Dẫn chúng tôi đến khu vực bè cá của anh Trần Văn Cải, người sở hữu số bè cá lớn nhất của xã Hiệp Hòa, anh Bồ Trọng Hiếu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa không khỏi xót xa: “Mấy năm trước, bè cá anh Cải là một trong những đầu mối cung cấp cá cảnh lớn nhất Đồng Nai. Nhưng 2 năm gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt, kinh doanh thua lỗ. Hiện anh Cải đang làm đơn xin Hội Nông dân vay vốn để khôi phục sản xuất”.

Nhiều người dân cho rằng, cá chết là do Nhà máy Giấy Tân Mai và KCN Biên Hòa 1. Để đề phòng NM Giấy Tân Mai xả thải, ngư dân vùng cù lao đã cắt cử người túc trực thường xuyên ở ống cống xả nước thải của NM. Với dụng cụ là cái lộp (ngư cụ bắt cá) đặt ở ống nước xả, nếu sáng ra phát hiện cá trong lộp chết thì biết NM đang xả nước thải. “NM thường xả nước thải ban đêm nên rất khó phát hiện. Mặc dù biết trước nguồn nước bị ô nhiễm, bốc mùi nhưng ngư dân không có cách gì phòng tránh”- một ngư dân nói.

Theo quy hoạch mới nhất của tỉnh Đồng Nai thì những bè cá đạt tiêu chuẩn ở cù lao Phố sẽ được tập trung ở hữu ngạn sông Đồng Nai (phía xã Hiệp Hòa). Những bè cá không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm buộc phải giải tán và chính quyền sẽ có chính sách hỗ trợ tái định cư (hỗ trợ 40%).
Trong khi các hộ dân nuôi cá đang điêu đứng vì nước thải thì các bên liên quan là NM Giấy Tân Mai và KCN Biên Hòa 1 vẫn chưa có biện pháp đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. “Kể từ năm 2001 trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra một vài đợt cá chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm. Năm 2007, cá chết nhiều quá nên dân gửi đơn kiện. NM chấp nhận hỗ trợ, khắc phục thiệt hại cho người dân, nhưng không thấm vào đâu. Hộ nào nhiều nhất cũng được 30 – 40 triệu, không đủ để khôi phục sản xuất”- ông Nguyễn Văn Chính (xã Hiệp Hòa) cho biết.

Theo ông Chính, vào tháng 7/2010, hai cơ sở trên lại tiếp tục xả thải, khiến nhiều chủ bè cá lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành thì cá chết hàng loạt do ô nhiễm hữu cơ, làm hàm lượng oxy giảm dần. Nhưng từ đó đến nay, công tác khắc phục thiệt hại vẫn “dậm chân” do chưa xác định được chất thải gây chết cá từ đâu đổ ra nên chưa thể tính chính xác mức độ thiệt hại của từng hộ nuôi cá.

Ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ nhiệm HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Biên Hòa cho biết: “HTX đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân. Nhưng gần 5 tháng nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt để báo cáo lên UBND TP”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm