| Hotline: 0983.970.780

Cả hệ thống chính trị ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Tư 19/02/2014 , 11:17 (GMT+7)

Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, ở Việt Nam không chỉ còn là nhận thức của người dân hay chủ trương của Đảng, mà cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hành động.

Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, ở Việt Nam không chỉ còn là nhận thức của người dân hay chủ trương của Đảng, mà cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hành động.

Nhanh hơn dự báo

Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC), BĐKH là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài.

Báo cáo năm 2013 của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (International on Climate Change - IPCC) nhận định, BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Báo cáo cũng chứng minh được rằng, nhiệt độ bề mặt trái đất và mặt nước biển tăng lên hơn 0,48 độ C so với thời kỳ 1961-1990; mực nước biển toàn cầu cũng dâng cao kỷ lục, đạt mức 3,2 mm/năm, cao gấp đôi so với 1,6 mm/năm của thế kỷ XX.

Song song với những diễn biến “nhanh hơn” đó là do những tác nhân của BĐKH cũng mạnh hơn. Cũng theo IPCC, lượng phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu (hơn 50 tỷ tấn CO2 tương đương) đã vượt mức dự báo cho năm 2030, lớn hơn 15% so với dự báo cho năm 2020, bỏ xa mốc kịch bản dự báo xấu nhất từng đưa ra.

Theo Tổ chức Năng lượng thế giới (International Energy Agency - IEA), phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hoá thạch đã đạt mức kỷ lục (31,6 tỷ tấn) trong năm 2011, tăng 3,2% so với năm 2010.

Rõ ràng, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, sẽ tác động nghiêm trọng đến SX, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Theo đó là các hệ lụy đến an ninh toàn cầu trên các mặt như năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, đời sống, sức khỏe con người...


Đồng chí Nguyễn Xuân Cường (đứng), Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ GTVT về vấn đề BĐKH

Điều đáng báo động là những tác động nghiêm trọng đó diễn ra trong bối cảnh loài người đã nỗ lực rất lớn để ứng phó với nó ngay từ khi nó hiện hữu gần 20 năm qua. Bắt đầu từ năm 1992, nguyên thủ quốc gia đến từ hơn 150 nước đã ký một Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, gọi tắt là UNFCCC. Từ đó, đã gần 20 năm qua, hằng năm, hàng trăm quốc gia lại tham gia hội nghị của UNFCCC để bàn thảo, thống nhất các cam kết về nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là dường như nỗ lực của Liên Hợp Quốc cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới phần nào đó bị định trệ vì những bất đồng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia ký kết các văn kiện UNFCCC.

Đầu tiên là sự bất phê chuẩn Nghị định thư Kyoto 1997 của Mỹ (nước có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc) đã khiến Nghị định này bị đình trệ - kéo dài không hiệu lực trong suốt 8 năm sau đó.

Mặc dù được ký kết có hiệu lực từ năm 2008, nhưng cho đến thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực năm 2012, nó vẫn chưa được thực thi vì tiếp tục có một số bất đồng căn bản, sự nhìn nhau của các nước phát thải lớn, điển hình như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khó khăn đó, nỗ lực của các nước được tiếp tục được ghi nhận, đạt được những bước tiến khả quan. Hội nghị gần đây tại Doha (Qatar) năm 2012, Nghị định thư Kyoto được tất cả các nước trên thế giới đồng thuận gia hạn thêm đến năm 2020. Mặc dù hội nghị này chưa có tính khả thi cao, khi chưa đưa ra được mức cam kết cụ thể của từng quốc gia, song nó cũng đã cho thấy về nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu của loài người.

Đứng mũi chịu sào

VN xếp trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ hậu quả của BĐKH vì có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp và khí hậu nằm ở vùng nhiệt đới (tropical). Theo một nghiên cứu năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), gần 16% diện tích, 35% dân số và 35% GDP của VN có thể bị thiệt hại nghiêm trọng nếu mực nước biển dâng lên 5 m.

Thực tế, những năm gần đây, BĐKH càng hiện hữu khi mà tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Theo báo cáo năm 2011 của Bộ TN-MT, trong chu kỳ 10 năm, từ 2001-2010, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Với đặc thù là nước nông nghiệp, với hai vựa lúa là ĐBSH và ĐBSCL, BĐKH đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, thể hiện trên các mặt như thu hẹp diện tích đất nông nghiệp; tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Với tốc độ BĐKH ngày càng tăng, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và trên diện rộng, kịch bản cho VN có thể diễn biến ở mức độ cao nhất, theo kịch bản cao nhất.

 Theo WB, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ có thể tăng khoảng 4 độ C, nước biển dâng cao trong khoảng 1 m. Với kịch bản này, theo các mô hình nghiên cứu, sẽ ngập khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích ĐBSH, 3% diện tích các tỉnh khác vùng ven biển bị ngập, 20% diện tích TPHCM và khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp.

Từ nhận thức, chủ trương đến hành động

Cũng như một số nước nổi lên trên diễn đàn quốc tế về vấn đề BĐKH trong gần 20 năm qua như như Na Uy và Indonesia, BĐKH là vấn đề còn mới đối với VN. Tuy nhiên, VN đã sớm có những đánh giá, nhận định và chiến lược ứng phó phù hợp.

Không chỉ dừng lại ở nhận thức của người dân, về mặt chủ trương, Đảng Cộng sản VN với vai trò lãnh đạo duy nhất của đất nước đã có những văn kiện rất căn bản và kịp thời đối với vấn đề ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Ngay từ năm 1991, Đảng đã sớm có những chủ trương tại Quyết định số 187-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng liên quan đến “môi trường” và “sự phát triển bền vững” khi nền kinh tế chuẩn bị bước vào kế hoạch 10 năm cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến giai đoạn cuối của việc thực hiện Quyết định số 187-CT, năm 1998, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”.

Đến Đại hội IX (2011), Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW - chuyên đề về bảo vệ môi trường và đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển bền vững, gìn giữ cảnh quan tự nhiên.

Sang Đại hội X, rút kinh nghiệm “về phát triển nhanh và bền vững”, Bộ Chính trị ra lại nghị quyết chuyên đề đặc biệt về “Tam nông” - Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm xây dựng nông thôn mới.

Điển hình nhất là gần đây, BCH Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết chuyên đề số 24-NQ/TW - về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Kịp thời

Ở cấp độ chiến lược - kế hoạch cụ thể, Chính phủ đã kịp thời từ đề cập đến có chiến lược chuyên đề để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về vấn đề biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 nêu rõ quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH”.

Gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 với kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH.

Ở cấp độ chính sách - hành động để cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, VN đã sớm xây dựng, ban hành các văn bản chính sách, quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH như Luật Đê điều; Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo vệ & phát triển rừng…

Song song với các hoạt động trong nước, Chính phủ đã chủ động để có vai trò ngày càng tích cực trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế, xây dựng được hình ảnh VN tích cực ứng phó với BĐKH trên trường quốc tế. Điển hình như VN luôn tích cực tham gia tất cả các hội nghị thường niên của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (Conference of Parties - CoP), từ CoP 1 năm 1995 đến CoP 19 năm 2013.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các tổ chức chuyên đề trong khu vực cũng như toàn cầu như Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADRC), Trung tâm Phòng ngừa thiên tai Châu Á (ADPC); Ủy ban Quản lý thiên tai ASEAN (ACDM); Ủy ban bão (TC); Đối tác giảm nhẹ thiên tai (NDM-P)…

Cần quyết liệt hơn

Chủ trương mới đây (Nghị quyết số 24-NQ/TW) đã xác định quan điểm rất rõ ràng, BĐKH là thách thức nghiêm trọng, phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng là ưu tiên, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

Tuy nhiên, hành động cụ thể là cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ là đầu mối.

Về nội dung cơ bản, cần hành động nhanh hơn và mạnh hơn với các nội dung cơ bản như:

- Chính phủ cần nhanh chóng đưa Chương trình hành động theo Quyết định số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 vào thực tiễn;

- Về mặt thể chế, Chính phủ cần có sự điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH.

- Trên tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó với BĐKH, nguồn vốn đầu tư cần được tăng cường và đa dạng hóa.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm