| Hotline: 0983.970.780

Cá heo sông

Thứ Hai 04/10/2010 , 11:19 (GMT+7)

Vốn là động vật có vú sống trong môi trường sông-biển, loài cá heo này không chỉ xuất hiện trong các dòng sông như Irrawaddy hay Mekong mà chúng có mặt ở cả các bờ biển chấu Á.

Mới chỉ hơn 100 năm trước cá heo Đông Nam Á (H1) còn là thành viên của những làng chài ven sông. Vốn là động vật có vú sống trong môi trường sông-biển, loài cá heo này không chỉ xuất hiện trong các dòng sông như Irrawaddy hay Mekong mà chúng có mặt ở cả các bờ biển chấu Á, từ vịnh Bengal đến các đảo miền nam Philippines. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái và tận diệt với loài này đang rất cao.

Nguy cơ tận diệt

Cá heo không phải là một loài cá mà là động vật có vú (Mammalia) thuộc bộ cá voi (Cetacea) sinh sống dưới nước. Không biết từ bao giờ cá heo di cư vào sâu trong các dòng sông. Nhưng những biến thái trên cơ thể chứng tỏ chúng đã thích ứng với môi trường sống có nhiều đầm bùn hữu cơ và cả các cánh rừng ngập nước chằng chịt cỏ cây. Đầu con vật nhọn ra như biến thành mỏ. Cặp mắt trở nên nhỏ hơn và thị lực cũng kém đi vì chúng tự định vị bằng âm thanh ở tần số khoảng 60Hertz với những tiếng lách cách, cọt kẹt, vo vo. Con vật trở nên hiền lành, dễ cảm xúc và thường thân thiện với con người.

Hiện nay chỉ còn 4 nhóm cá heo sông phân bố giới hạn trong các sông Hằng, sông Amazon, sông Dương Tử và dọc vùng duyên hải đông nam Nam Mỹ. Loài cá heo sông Hằng có tên là Platanista gangetica gồm phụ loài sông Ấn var.minor gọi là Bhulan và phụ loài var.gangetica gọi là Susu sinh sống trong các sông Hằng ở Ấn Độ, sông Brahmaputra và Meghna ở Bangladesh và Karnali ở Nepal. Trái với cá heo sông Hằng, loài cá heo La Plata có tên khoa học là Pontoporia blainvillei có vẻ thích ứng trở lại được với môi trường nước mặn để có thể sinh sống dọc vùng duyên hải phía đông Argentina, Uruguay và Brazil.

Sâu vào bên trong các dòng sông Nam Mỹ, đặc biệt giữa vùng rừng ngập nước Amazon người ta tìm thấy 3 loài cá heo sông thuộc giống Inia, gồm I. geoffriensis, I. boliviensis ở Bolivia và I. humbotiana. Cả 3 loài đều đang có nguy cơ biến mất vì nước trong các dòng sông mỗi năm một cạn và nạn ô nhiễm thủy ngân càng nên trầm trọng bởi việc khai thác các mỏ vàng. Tình trạng bi đát đã xảy ra với sự tận diệt loài cá heo sông Dương Tử Lipotes vexillifer nổi tiếng ở Trung Quốc khi một loạt các đập thủy điện làm phân mảnh dòng sông và thoái hóa môi trường nghiêm trọng. Con cá thần cuối cùng của dòng sông Dương Tử đã chết ở Vũ Hán trong năm 2007. Trên thực tế, sự suy thoái của dòng cá heo sông không chỉ do việc đánh bắt của con người và sự suy thoái môi trường sống mà còn cả việc xâm lấn bởi dòng cá heo sông-biển.

Sự xâm lấn

Người ta chưa biết nhiều về cơ chế xâm lấn của dòng cá heo sông-biển (euryhalline) sống được cả nơi môi trường nước mặn ven bờ lẫn trong sông nước ngọt đối với dòng cá heo thuần túy của sông. Nhưng từ nhiều năm trước quá trình suy thoái của cá heo sông Dương Tử Lipotes vexillifer diễn ra song song với sự tăng trưởng của loài cá heo Nhật Bản Neophocaena phocaenoides đến từ cửa biển. Mặc dầu cũng gặp các điều kiện môi trường bất lợi, loài cá heo lưỡng cư không vây này đạt đến con số cá thể lên đến 1.600-1.800 con trong năm 2006. Trong khi đó một loài cá heo lưỡng cư khác có tên là Isotalia fluviatilis (H2) cũng đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông Amazon đe dọa các loài cá heo Inia nước ngọt.

Ấn tượng nhất trong dòng sông-biển là loài cá heo Đông Nam Á Orcaella brevirostris thường được gọi là cá heo Irrawaddy hay cá heo Mekong. Loài này không chỉ tìm thấy từng bầy trên dưới 6 con nơi các dòng sông và còn tập trung thành đoàn đến cả 15 con nơi các cửa biển và vùng duyên hải ngập nước kéo dài từ vịnh Bengal đi qua các nước Đông Nam Á đến tận các đảo miền nam Philippines. Trong một phúc trình viết năm 1879 có nói tới luật buộc các làng chài trên sông phải chia phần ăn cho các chú cá heo sinh sống tại đó. Người ta cho biết chúng rất thân thiện, hiểu biết tiếng người, sẵn sàng ứng cứu khi thuyền gặp nạn và thường phát ra âm thanh đuổi các bầy cá về phía lưới cho các ngư phủ.

Orcaella brevirostris có màu xám xanh toàn thân, đậm ở phần lưng và nhạt hơn nơi phần bụng. Con vật đặc trưng bởi cái trán rất tròn, miệng nhọn không kéo dài thành mỏ, các mái chèo có đường viền tròn trịa. Cá thể trưởng thành có chiều dài trong khoảng 2,3 mét và cân nặng trên dưới 130kg. Tuổi thọ cá heo Đông Nam Á vào khoảng 30 năm, bắt đầu thời kỳ sinh sản kể từ năm thứ 7 hay thứ 9. Thời kỳ mang thai kéo dài 14 tháng, mỗi lứa chỉ đẻ một con và khoảng cách giữa các lứa từ 2 đến 3 năm. Thời kỳ giao phối kéo dài từ tháng 12 đến tháng 6 đối với những con sống nơi vùng biển phía bắc xích đạo. Kích thước cá con có khi dài đến 1 mét tuy trọng lượng chỉ khoảng 10kg. Trong các bầy di chuyển sâu vào dòng sông Mekong người ta không thấy cá con, chỉ có những con trưởng thành nặng từ 40 đến 160kg.

Báo động suy thoái

Quỹ Động vật hoang dã (WWF) cho biết số cá thể cá heo Đông Nam Á đã giảm đáng kể chỉ còn lại trong khoảng 7.000 con mà phần lớn tập trung trong vịnh Bengal. Những nơi trước đây có nhiều cá heo như rừng sác ven biển và vùng trung du hạ du dòng sông Cửu Long từ 190km trở ra cửa biển nay trở nên thưa thớt. Người dân ít khi nhìn thấy các bầy cá mới. Các bầy cũ cũng giảm số lượng trong khoảng 6 con xuống còn từ 3 đến 5. Các con vật trong sông tỏ ra yếu ớt dễ sa vào lưới mà chết vì không thể ngoi lên để thở. Thỉnh thoảng người ta tìm thấy từng bầy cá heo hốt hoảng bơi dạt vào bờ rồi chết ở đó như thể vừa bị tấn công bởi sóng âm thanh vốn là vũ khí lợi hại của các động vật có vú dưới nước.

Nhu cầu di trú cho mỗi mùa sinh đẻ đặt con vật trước tình trạng nguy hiểm. Các dòng sông nay không còn chỗ ẩn nấp và tiếng động cơ tàu thuyền làm cho con vật trở nên hoảng loạn. Việc đánh bắt cá heo đã không được ngăn chặn tuy rằng nhiều khi hết sức hãn hữu. Tháng 4/2002 ngư dân Vàm Nao bắt được một con nặng 130kg dài hơn 2,3 mét, đến tháng 11/2005 người ta bắt được con khác trên dòng sông Tiền ở khúc Vĩnh Xương cũng dài hơn 2 mét nặng hơn 100kg. Con vật có đuôi rất dày và cứng xòe ngang như thể đuôi tôm, đầu tròn, mõm nhọn và giữa trán có một mũi chếch theo hình chữ V.

Người ta nghĩ rằng cũng như ở sông Dương Tử và trong vùng sông Amazon, trước khi loài cá heo sông-biển Orcaella brevirostris này tiến vào dòng sông Mekong thì ở đó đã có loài cá heo sông. Nhưng nay đến lượt dòng cá lưỡng cư cũng gặp nguy hiểm cả từ phía sông lẫn từ phía biển.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.