| Hotline: 0983.970.780

Cá lăng đuôi đỏ trên đà “phục sinh”

Thứ Tư 21/12/2011 , 11:20 (GMT+7)

Do giá trị đem lại khá cao nên từ nhiều năm nay loại cá này đang bị khai thác quá mức dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng...

Từ ngàn đời xưa, dòng sông Sêrêpôk hoang dã, huyền bí đã đem đến cho người dân Đăk Lăk nhiều sản phẩm ẩm thực nổi tiếng, trong đó có loài cá lăng đuôi đỏ.

Do giá trị đem lại khá cao nên từ nhiều năm nay loại cá này đang bị khai thác quá mức dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, hiện loài cá này đang có hy vọng mới là được “phục sinh” do được nhiều hộ dân mạnh dạn đưa cá “vượt sông Sêrêpôk” về nuôi ở ao, hồ.

Cá tự nhiên trên đà tuyệt chủng

Cá lăng là loài cá chỉ thích sống ở các khúc sông sâu, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trước đây, trên sông Sêrêpôk loại cá này nhiều vô kể, có con to gần bằng con bê, nặng mấy chục kg. Với hình thức đánh bắt truyền thống mà người dân bản địa sử dụng là dùng dây câu, phi lao… thì để bắt được cá là cả một cuộc vật lộn khắc nghiệt và đầy rủi ro.

Tuy nhiên, hiện nay loài cá lăng đuôi đỏ sinh sống tự nhiên trên sông Sêrêpôk đang ngày càng vắng bóng và có nguy cơ mất hẳn. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lợi từ loài cá này mang lại khá lớn, nhu cầu mua cá lăng sông Sêrêpôk của các nhà hàng, khách sạn trong, ngoài tỉnh cao, với giá từ 200.000- 300.000 đồng/kg, nghề săn cá lăng đuôi đỏ trở nên thịnh hành trong những năm gần đây.

Một ngư dân đang đánh bắt cá ở khúc sông thuộc xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho hay, anh hành nghề săn cá lăng đuôi đỏ khoảng 3 năm nay. “Việc bắt cá không còn vất vả như trước bởi có các công cụ đánh bắt hiện đại như dùng lưới điện, nên bắt được nhiều hơn. Hiện nay không còn cá to nữa, những loại nhỏ thường được các thương lái mua để mang ra chợ bán, lâu lâu gặp may mới bắt được cá to từ 2- 3 kg, bán cho các nhà hàng làm đặc sản luôn được trả giá cao" - ngư dân này cho hay.

Bên cạnh việc đánh bắt cá tận diệt thì những năm gần đây, dòng sông Sêrêpôk cũng phải gánh chịu nạn ô nhiễm nguồn nước từ cống nước thải của các nhà máy, xưởng sản xuất lân cận xả trực tiếp ra sông khiến nhiều loài thủy sinh chết hàng loạt. Nhớ lại, khoảng đầu tháng 5/2011, trên khúc sông Sêrêpôk từ xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột đến địa phận huyện Buôn Đôn, người dân nơi đây vẫn chưa quên hình ảnh cá chết từng đàn, loài nào cũng có, số lượng nhiều vô kể trắng cả một dòng sông.

Sau đó, nguyên nhân chính được các cơ quan chức năng phát hiện, Nhà máy Đường Đăk Nông đang xả nước thải trong quá trình hoạt động, với lưu lượng 24.000 m3/ngày đêm ra sông Sêrêpôk, vượt quá 5 lần tiêu chuẩn cho phép đã làm cá chết.

Phong trào nuôi cá lăng đuôi đỏ

Nhận thấy loài cá lăng đuôi đỏ ngoài tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều hộ dân Đăk Lăk đã mạnh dạn đưa cá vượt sông Sêrêpôk về nuôi ở ao, hồ. Hiệu quả bước đầu như mong đợi, đến nay, Đăk Lăk có khoảng trên 50 mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ (từ hộ gia đình, đến nuôi tập thể như thành lập câu lạc bộ, hay các mô hình của doanh nghiệp), góp phần nâng cao đời sống người dân và trở thành hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của vùng đất cao nguyên này.

Với nhu cầu của thị trường hiện nay, loài cá lăng đuôi đỏ được đánh giá là có đầu ra thương phẩm khá rộng và ổn định, không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh thành khác trong cả nước. Hiện nay, ngành thủy sản Đăk Lăk đã cho ra đời nhiều cơ sở ương nuôi giống cá lăng đuôi đỏ có chất lượng đảm bảo để phục vụ nhu cầu nuôi của bà con trong tỉnh.

Theo đánh giá của một số hộ nuôi cá nơi đây, cá lăng đuôi đỏ nuôi lồng được khách hàng ưa chuộng hơn vì thịt dai và thơm ngon hơn nuôi trong ao đất. Bên cạnh các mô hình nuôi nhỏ lẻ, từ tháng 7/ 2011, NM Thủy điện Sêrêpôk 4 đóng tại địa bàn huyện Buôn Đôn cũng đã thả nuôi 40.000 con giống cá lăng đuôi đỏ trong 44 lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện. Điều này đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm mô hình câu lạc bộ (CLB) nuôi cá lăng đuôi đỏ thương phẩm ở xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột mới thực sự ngỡ ngàng. Từ diện tích ao nuôi trên 3 sào, các hộ hội viên đã nuôi thả ổn định 3.000 con cá lăng. Ông Trần Văn Kiếm, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Việc nuôi cá lăng không khó, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là các loài cá, tôm nhỏ, cứ 2 đến 3 ngày mới cho ăn một lần. Cá lăng lớn khá nhanh, nuôi trung bình khoảng 18 tháng (từ cá giống đến lúc bán thịt) sẽ đạt trọng lượng khoảng 3 kg/con.

Với giá hiện nay thì đến khi thu hoạch, mỗi hội viên sẽ có lợi nhuận từ 30- 50 triệu đồng từ nuôi cá lăng. Không chỉ tham gia nuôi cá trong CLB, nhiều hộ khác còn mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi riêng trong diện tích ao, hồ của mình với số lượng lên đến hơn 1.000 con. Tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, cũng có nhiều hộ tư nhân thực hiện mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ trong lồng tại lòng hồ Ea Kao, nuôi theo kiểu cuốn chiếu (lứa này xen kẽ lứa khác), nên thường có cá thương phẩm bán quanh năm.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm