| Hotline: 0983.970.780

Cà phê chè Hướng hóa chính thức được bảo hộ thương hiệu 'cà phê Khe Sanh'

Thứ Hai 11/12/2017 , 08:52 (GMT+7)

Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở NN-PTNT và huyện Hướng Hóa vừa công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cà phê chè Arabica Khe Sanh của huyện Hướng Hóa. Song muốn giữ vững thương hiệu thì lập tức phải thực hiện tái canh cây cà phê để nâng cao chất lượng.

Tái canh để giữ chất lượng, thương hiệu

Ông Trần Ngọc Lân - GĐ Sở KH-CN Quảng Trị khẳng định xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể cà phê chè Khe Sanh là việc làm hết sức cần thiết cho một nông sản nổi tiếng, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Giám đốc Sở KH-CN Quảng Trị Trần Ngọc Lân (giữa) trao bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Khe Sanh cho sản phẩm cà phê Arabica của huyện Hướng Hóa

Sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cùng việc xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm là tiền đề quản lý, phát triển cho thương hiệu sản phẩm bền vững. Từ đó, danh tiếng, uy tín của các sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh Quảng Trị có gần 4.700ha cà phê, chủ yếu là cà phê chè, nhưng trong số đó có đến 2.400ha cà phê do trồng đã quá lâu nên già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh. Để nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cà phê Khe Sanh, tỉnh quyết định từ nay đến năm 2025, mỗi năm tái cánh 200ha cà phê chè. Cải tạo và trồng tái canh cà phê là vấn đề cấp thiết nhất lúc này với cây cà phê ở Hướng Hóa.

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, Hướng Hóa là địa bàn trọng điểm phát triển cà phê của Quảng Trị và vùng Bắc Trung Bộ. Hướng Hóa có độ cao địa hình từ 450 - 550m với khí hậu ôn hòa nên rất phù hợp phát triển cây cà phê chè. Cây cà phê của Hướng Hóa chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê cả nước, 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của tỉnh. Giá trị sản lượng cà phê Hướng Hóa hàng năm mang lại khoảng 300 tỷ đồng. Tổng số hộ nông dân tham gia trồng cà phê có hơn 8.000 hộ, phần lớn là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Cây cà phê Quảng Trị có chất lượng cao được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành trồng và xuất khẩu cà phê.
 

Phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Võ Văn Hưng, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, việc tái canh cà phê giai đoạn 2017 - 2025 là cơ hội thay thế các giống cà phê mới, có đặc tính vượt trội, năng suất cao, khả năng kháng bệnh lớn. Cụ thể trung bình từ nay đến 2025 mỗi năm thực hiện tái canh 200ha.

Kiểm tra giống cà phê trước khi tái canh

Ngoài ra, mỗi năm cưa đốn, cải tạo thêm 50ha cà phê để vườn cho năng suất cao hơn. Dự kiến đến năm 2020 năng suất cà phê chè đạt từ 14 đến 16 tấn/ha quả tươi. Sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 10 ngàn tấn/năm. Điều đặc biệt quan trọng là tái canh sẽ tăng thu nhập cho người trồng cà phê lên 1,5 lần so với hiện tại.

Nguồn vốn phục vụ tái canh được xác định cần gần 300 tỷ đồng, tính theo định mức khuyến cáo cho mỗi ha tái cánh hơn 152 triệu đồng. Nguồn vốn này gồm vay ngân hàng, vốn tự có và vốn của nhà nước. Cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh là nhà nước hỗ trợ tối đa 80% giá giống cà phê và giống cây ngắn ngày trồng xen kẻ phục vụ tái canh. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện hỗ trợ 50%.

Theo ông Trần Ngọc Lân, GĐ Sở KH-CN Quảng Trị, một yếu tố quan trọng đó là giống cà phê tái canh phải là giống cà phê chè thuần chủng.

Có thể lựa chọn mua hạt giống thuần chủng của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hoặc tuyển chọn cây cà phê đầu dòng trên địa bàn để lấy hạt giống. Trong đó việc chọn nhân giống cà phê thuần chủng được xem là khâu quyết định để đảm bảo tái canh cà phê bền vững.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao Sở KH-CN Quảng Trị trong việc tập trung đăng ký kịp thời nhãn hiệu tập thể Khe Sanh cho cà phê Hướng Hóa.

Ông Đồng phân tích, cà phê là cây lâu năm song để giữ vững được thương hiệu thì phải tái canh.

Ngoài việc chọn được những giống tốt, chất lượng cao thì phát triển cà phê phải luôn thích ứng với biến đổi khí hậu, chú ý đến vấn đề môi trường, nước tưới.

Sử dụng phương án tưới nước phù hợp và tiết kiệm cho cà phê, không thể làm theo kiểu nhờ trời như bấy lâu nay.

Chú trọng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân phục vụ xuất khẩu.

Các biện pháp trên không ngừng đưa thương hiệu "Khe Sanh” của cà phê Hướng Hóa lên ngang tầm quốc tế.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.