| Hotline: 0983.970.780

Cà phê, mắc ca - cặp đôi hoàn hảo

Thứ Ba 18/06/2013 , 09:59 (GMT+7)

Cây mắc ca đang trở thành một hiện tượng lạ trong ngành trồng trọt với biệt danh mỹ miều: Hoàng hậu của quả khô!

Trong khi người nông dân vùng Tây Nguyên không còn mặn mà với cây cà phê, điều, hồ tiêu bởi giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao, thì cây mắc ca đang trở thành một hiện tượng lạ trong ngành trồng trọt với biệt danh mỹ miều: Hoàng hậu của quả khô!

Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế - xã hội mà cây mắc ca đem lại là vô cùng to lớn. Nhưng việc triển khai trồng đại trà cần phải có bước đi phù hợp, với những tính toán chính xác để không xảy ra những hậu quả không mong muốn.

NNVN đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Công Tạn (ảnh), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - người đã dành nhiều tâm huyết để đưa cây mắc ca đến gần hơn với người nông dân - để tìm hiểu về triển vọng phát triển của loại cây này.

Thay cây bóng mát bằng mắc ca

Mắc ca có những giá trị gì mà được thị trường ưa chuộng như vậy, thưa ông?

Trên thế giới, mắc ca được coi là quả khô ngon nhất trong các loại quả khô. Hàm lượng axít béo không no rất cao (78%), nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu..., từ ngon thành đắt. Đặc biệt, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về nhân mắc ca để ép dầu ăn. Bã của nó dùng làm bánh, trộn khoảng 10% vào bột mỳ thì bánh mỳ rất ngon. Mặt khác, nó cũng là nguyên liệu vô cùng quý giá để SX mỹ phẩm. Vỏ hạt của mắc ca là nguyên liệu chế biến than hoạt tính rất tuyệt vời.

Thị trường cần rất lớn nhưng rất ít nước trồng được, chủ yếu là các nước cận nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Đông Nam Á chỉ có một diện tích nhỏ của Thái Lan, Bắc Myanmar và vùng Tây Nguyên, Tây Bắc của VN trồng được. 1 ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, đến thời điểm 7 năm tuổi thu 5 tấn. Với giá chỉ cần 120.000 đ/kg đã thu được trên dưới 600 triệu đồng. Như vậy nó đem lại giá trị siêu kinh tế.

Mặc dù cây mắc ca đã du nhập vào VN hàng chục năm, nhưng tại sao diện tích trồng lại hạn chế như vậy?

Hiện tại diện tích trồng mắc ca ít vì không đủ giống. Cả nước chỉ SX được khoảng 40 vạn cây mỗi năm, đủ để trồng 5.000 ha. Nếu mở rộng hơn nữa thì lại thiếu vì không có mắt ghép. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi diện tích mắc ca tăng lên thì khó khăn này sẽ được giải quyết. Nông dân VN cũng rất thông minh. Ở trong Tây Nguyên chúng tôi chứng kiến nhiều hộ đã bắt đầu tự ghép mắt để nhân gốc.

Thứ hai là họ còn chưa tin bởi chưa biết bán đi đâu. Khi nào thấy có người làm, có người mua (giả thử 100.000 đ/kg hạt) thì họ đổ xô vào trồng ngay. Vậy nên phải chờ đợi một thời.

Vùng sinh thái như thế nào sẽ phù hợp cho sự phát triển của cây mắc ca?

Ở nước ta, vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có khí hậu mát, đất phì nhiêu. 1 bên là đất đỏ bazan, 1 bên là đất đỏ đá vôi. Từ tháng 1 đến tháng 3 thời tiết mát mẻ, tạo điều kiện cho cây mắc ca phân hoá mầm hoa; lại có mùa xuân không có mưa phùn để hoa đậu quả.

Tôi cũng khuyến cáo luôn là cây mắc ca dứt khoát chỉ được trồng ở Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có thể trồng ở mọi độ cao) và Tây Nguyên (ở độ cao trên 500 m). Thực tế ở một số tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn cũng trồng một diện tích nhỏ mắc ca. Nhưng vì từ tháng 1 đến tháng 3 có mưa phùn nên gần như không cho đậu quả. Mỗi chùm chỉ có 1 - 2 quả. Ngay cả ở Tây Nguyên những vùng thấp dưới 500 m không thể trồng được vì nhiệt độ cao.

Ở đâu trồng được cây cà phê thì ở đó trồng được cây mắc ca. Vì thế người ta thường trồng xen mắc ca với cà phê để tạo bóng mát và tăng nguồn thu nhập.

Nói như ông thì cà phê và mắc ca là một “cặp đôi hoàn hảo”?

Đúng vậy, cà phê rất cần có bóng mát. Mà mắc ca lại đáp ứng được yêu cầu này. Với cà phê vối có thể trồng xen 120 cây mắc ca/ha. Cà phê chè có thể trồng 200 cây mà vẫn giữ được năng suất như thường.

Mặt khác, ở Tây Bắc thỉnh thoảng hay có sương muối, nhờ tán lá mắc ca mà cây cà phê không bị ảnh hưởng. Khi áp dụng mô hình nông nghiệp không gian: Trên tầng cao là cây mắc ca, tầng dưới là cây cà phê thì thế giới không có mô hình nông nghiệp nào có thể so sánh được về hiệu quả kinh tế như vậy. Tính khiêm tốn thì mô hình này có thể cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha, thậm chí còn cao hơn. Cho nên tôi gọi là “cặp đôi hoàn hảo” là vì thế.

Nếu trồng cây mắc ca xen với 600.000 ha cà phê của cả nước, thì nghiễm nhiên chúng ta có khoảng 200.000 ha mắc ca mà không cần khai hoang tốn kém. Cho nên, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là cần phải thay những cây bóng mát cũ bằng mắc ca.


Cây mắc ca ở Điện Biên phát triển tốt

Trồng xen thu nhập khủng

Xin ông cho biết qua về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca để đạt năng suất cao?

Mắc ca là cây trồng trẻ nhất của loài người, mới được phát hiện từ năm 1857 ở Úc. Sau đó một số nước như Mỹ, Trung Quốc nghiên cứu thuần hoá thành cây lâm nghiệp đa mục đích. Cho nên tính chụi đựng của nó cực kỳ tốt, chỉ có 1 kẻ thù là chuột. Mắc ca vừa không có sâu, bệnh hại, lại có thể chịu hạn, sương muối, giá rét…

Kỹ thuật trồng cực kỳ đơn giản. Chỉ cần đào hố rộng 50 cm, sâu 50 cm, cho 50 kg phân chuồng, 1 kg NPK. Từ đấy không phải bón gì, chỉ cần cắt tỉa cành hợp lý là được.

Hiện ở VN đã có bao nhiêu dòng mắc ca? Đánh giá về năng suất và chất lượng của từng dòng là như thế nào?

Ở VN đã có khoảng vài chục dòng mắc ca xuất xứ từ Úc, Mỹ, Trung Quốc. Cho đến bây giờ, thời gian thực nghiệm chỉ mới 10 năm. Nhưng kết quả cho thấy tất cả các dòng mắc ca ở VN đều tốt cả. Đến vài chục năm nữa, chúng ta sẽ chọn lọc dần để tìm ra những giống tối ưu nhất.

Đã có một số trường hợp trồng cây mắc ca ở khí hậu phù hợp nhưng không cho quả. Ông giải thích sao về điều này?

Cây không có quả bởi vì nhiều người dân lấy cây thực sinh trồng (tức là cây mọc từ hạt). Nên những đặc tính trội của cây mẹ truyền cho cây con rất ít do xảy ra hiện tượng biến dị. Còn cây ghép thì khả năng đi truyền 100%. Nếu cây đầu dòng sai quả thì cây ghép cũng sai quả.

Trước đây, cà phê cũng được coi là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội giúp người nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nhưng, theo năm tháng, giá hạt cà phê ngày càng giảm, đầu ra thất thường. Ai có thể dám chắc trong 10 nữa, người trồng cây mắc ca vẫn có thể nở những nụ cười hạnh phúc vì được mùa, được giá?

Đối với sản phẩm cà phê thì thế giới cần nhiều lắm. Còn thị trường lên xuống là chuyện bình thường. Năm mất mùa thì giá đẩy lên cao và ngược lại, chứ nhu cầu tiêu dùng của con người không hề giảm. Tôi đố ai tìm ra cây gì mà đem lại hiệu quả kinh tế 100 triệu đồng/ha như cây cà phê một cách đơn giản như thế. Bây giờ trồng xen cây mắc ca vào cà phê thì sẽ cho thu nhập siêu khủng. Dù giá cả mắc ca có biến động đi chăng nữa thì người nông dân cũng không phải chịu thiệt hại gì.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm