| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Việt Nam: Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn

Thứ Năm 12/03/2015 , 09:28 (GMT+7)

Do điều kiện tự nhiên thích hợp, kết hợp với chuyển giao giống mới, trình độ thâm canh được nâng cao nên năng suất, sản lượng cà phê luôn có chiều hướng tăng, tạo yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành cà phê Việt Nam.

Sáng 11/3, tại thủ phủ cà phê - TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Hội nghị "Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam" được long trọng tổ chức. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.

11-38-21_img_0981
Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị

100 năm và thực trạng cà phê Việt Nam

Đến nay, tròn 100 năm cây cà phê có mặt trên vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Cây cà phê đã tạo việc làm, tạo thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho hàng trăm ngàn hộ dân là cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Từ sau năm 1975 đến nay, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc về diện tích, năng suất, sản lượng; hình thành các vùng chuyên canh cà phê tập trung ở vùng Tây Nguyên, cà phê chè ở Tây Bắc; từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê đa dạng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Cho đến năm 2000, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới (trong đó dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối).

Tính đến năm 2014, cả nước đã có trên 641 ngàn ha cà phê, tập trung ở 5 vùng là Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc.

Do điều kiện tự nhiên thích hợp, kết hợp với chuyển giao giống mới, trình độ thâm canh được nâng cao nên năng suất, sản lượng luôn có chiều hướng tăng, tạo yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành cà phê Việt Nam.

Niên vụ 2013-2014, năng suất bình quân 22,3 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân năm 2014 khoảng 1.395 ngàn tấn, đạt 101% so với năm 2013 (1.381 ngàn tấn). Giá trị xuất khẩu đạt 3,55 tỷ USD, đạt 130,9% so với năm 2013 (2,71 tỷ USD).

Được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sự phối hợp của các địa phương, ngành cà phê Việt Nam không ngừng áp dụng và nâng cao tiến bộ trong sản xuất, chế biến cà phê.

Điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cà phê theo hướng tiến bộ; tạo điều kiện gắn bó giữa người sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu; góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cà phê, thúc đẩy phát triển cà phê bền vững...

Tuy nhiên, sự phát triển nhảy vọt về diện tích và sản lượng đã đưa ngành cà phê Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức: Vấn đề tổ chức ngành hàng chưa chặt chẽ, phát triển ngoài vùng quy hoạch, thâm canh cà phê chưa đồng đều, tái canh cà phê gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn nước tưới.

Hơn nữa, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế...

Tham gia Hội nghị này, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành cà phê Việt Nam để tìm hướng tháo gỡ.

Một số tồn tại, hạn chế lớn được nêu ra như: Quy mô phát triển chưa ổn định; diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao (cà phê trên 20 năm tuổi có trên 86 ngàn ha, chiếm 15% tổng diện tích cà phê), cà phê 15-20 năm tuổi có trên 140 ngàn ha (chiếm 25%).

Tổng diện tích cà phê già cỗi, cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140-160 ngàn ha, trong khi công tác tái canh cần thời gian khá dài (1-1,5 năm chuẩn bị đất, 3 năm sau mới cho thu hoạch).

Về công tác qản lý chất lượng cà phê còn hạn chế; chưa có sự gắn kết chặt chẽ của chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Công nghiệp chế biến cà phê nhân trong nước còn phân tán và khá tùy tiện.

Công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử phạt các cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây cà phê kém chất lượng còn nhiều bất cập. Sử dụng phân bón (nhất là phân bón vô cơ) còn ở mức cao.

Nguồn nước tưới ngày càng khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, trong khi công nghệ tưới chưa tiết kiệm, gây lãng phí tài nguyên nước.

Thêm nữa, chi phí vật tư đầu vào, công lao động và nước tưới lớn dẫn đến giá thành cà phê cao; việc thu hái của nông dân còn nhiều bất cập...

11-45-32_img_8376
Vườn cà phê tái canh phát triển tốt tại vùng chuyên canh cà phê Đăk Lăk

Thực trạng trên khiến chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao, khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam còn hạn chế.

Ổn định diện tích và áp dụng khoa học

Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị. Theo đó, nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành cà phê đến năm 2020 đã được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi.

Trước tiên, cần rà soát quy hoạch sản xuất cà phê theo hướng thích hợp với điều kiện tự nhiên, nhất là nguồn nước tưới; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường vốn đã rất khó tính.

Định hướng đến năm 2020, cả nước giữ ổn định diện tích cà phê khoảng 600 ngàn ha. Trong đó vùng trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh Tây Nguyên khoảng 530 ngàn ha (Đăk Lăk 190 ngàn ha, Lâm Đồng 150 ngàn ha, Gia Lai 75 ngàn ha và Đăk Nông 115 ngàn ha).

Ngoài ra, cần quy hoạch một số vùng cà phê chè chất lượng cao (gồm cà phê nuôi chồn và cà phê hữu cơ); phấn đấu có khoảng 25% diện tích cà phê chè tại Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La và Điện Biên.

Ngoài việc quy hoạch diện tích, công tác tái canh cây cà phê cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Cụ thể trồng tái canh đến năm 2020 khoảng 90 ngàn ha (thực hiện trồng tái canh mỗi năm 15- 20% diện tích nói trên), ghép cải tạo đến năm 2020 khoảng 30 ngàn ha (tập trung ở Lâm Đồng, Gia Lai và một số vùng có điều kiện tương tự).

Chuyển đổi cơ cấu giống cũng hết sức quan trọng. Cần phải sự dụng 100% giống cà phê mới trong việc tái canh, ghép cải tạo và trồng mới.

Loại giống này phải cho năng suất, chất lượng cao, chín đều. Phấn đấu đưa tỷ lệ diện tích cà phê giống mới lên 40% diện tích cà phê cả nước.

Ngoài ra, nhất thiết phải phổ biến và áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho người sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 80% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (có chứng nhận như UTZ Certify, 4C, Rainforest Aliance, VietGAP...).

Phấn đấu có 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728- 2012. Bên cạnh đó, nâng diện tích cà phê có tưới lên 95% ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, trong đó diện tích cà phê áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm khoảng 180 ngàn ha.

Ngoài những định hướng trên, các đại biểu còn tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến nhiều vấn đề quan trọng khác như: Vấn đề thu mua, chế biến cà phê cần quản lý tốt hệ thống thu mua; giảm tổn thất khâu phơi, sấy cà phê, đảm bảo 100% sản lượng cà phê được phơi, sấy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt lên 30% vào năm 2020 (riêng cà phê chè chế biến ướt đạt 100% sản lượng); phát triển công nghiệp chế biến gồm chế biến cà phê nhân, chế biến cà phê bột, chế biến cà phê hòa tan, cà phê 3 trong 1 và cà phê lon...

Đối với vấn đề thương mại cà phê, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020, có 80% sản lượng xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay quốc tế không qua khâu trung gian.

Vấn đề xây dựng hệ thống tiêu thụ cà phê hiện đại cũng được đặt ra, cụ thể phải đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 2 sàn giao dịch cà phê tại Tây Nguyên và TP.Hồ Chí Minh...

Tại Hội nghị, hàng loạt giải pháp nhằm phát triển ngành cà phê bền vững cũng được các đại biểu là các chuyên gia, các doanh nghiệp tham gia thảo luận và đi đến nhất trí cao, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả chương trình tái canh cà phê trong thời gian tới.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.