| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Việt Nam trước những vấn đề cốt tử

Thứ Ba 14/11/2017 , 13:55 (GMT+7)

XK gần 1,8 triệu tấn với kim ngạch khoảng 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, năng suất gần tiệm cận với mức kịch trần, trong khi đa số diện tích già cỗi do hết chu kỳ khai thác. 

Việc dựa vào lợi thế về sản lượng thông qua XK nhân thô đang đặt ra cho ngành cà phê Việt Nam yêu cầu phải khẩn cấp có cuộc “thay máu” để tự cứu mình.
 

Ngày càng lép vế

Cây cà phê được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ năm 1857. Tuy nhiên trước thập niên 80 của thế kỷ trước, tổng diện tích cà phê cả nước chỉ vào khoảng 20 nghìn ha. Diện tích cà phê Việt Nam chỉ thực sự phát triển vượt lên kể từ năm 1982 trở lại đây. Nếu như năm 1990, Việt Nam mới chỉ chiếm 1% sản lượng cà phê toàn cầu thì đến năm 2016, theo số liệu của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), thị phần sản lượng cà phê Việt Nam đã chiếm tới 19%. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

17-56-21_cp
Cà phê Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay gắt

Năng suất cà phê của Việt Nam đến nay vẫn vào hàng cao nhất thế giới, với mức bình quân từ 3-5 tấn/ha, có diện tích lên tới 12 tấn/ha, tiệm cận với kịch trần về năng suất của loại cây trồng này. Tuy nhiên với chu kỳ khai thác thường chỉ kéo dài từ 25-30 năm, đến nay, đại đa số diện tích cà phê của Việt Nam đã bước vào giai đoạn già cỗi, lợi thế cạnh tranh về năng suất đang dần mất đi.

Từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã triển khai chương trình Tái canh cà phê với mục tiêu duy trì năng suất cho cây cà phê cả nước. Đến nay, chương trình này đã tạo được những hiệu ứng khá tích cực, tuy nhiên, tổng diện tích cà phê tái canh đến nay mới chỉ đạt khoảng 44% do nhiều khó khăn trong công tác giải ngân nguồn vốn tín dụng (khoảng 120 nghìn ha tái canh với nguồn vốn ngân hàng giải ngân khoảng 12 nghìn tỉ đồng).

Việc tái canh cà phê diễn ra chậm, còn đến từ một nguy cơ khác của cây cà phê do sự cạnh tranh về giá trị SX và lợi nhuận của hàng loạt cây trồng khác đang cạnh tranh quyết liệt. Ông Đỗ Văn Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) lo lắng: Hiện nay, với năng suất bình quân từ 3-5 tấn/ha, cà phê chỉ cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, hàng loạt cây trồng khác đang ngày càng nổi lên tại các vùng cà phê, nhất là các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chanh leo... Điều này khiến cây cà phê không còn sức hút như trước.

“Nếu không tăng được giá trị, diện tích cà phê khó mà giữ được trong thời gian tới. Bởi ngay như hồ tiêu, cây cạnh tranh trực tiếp lâu nay với cà phê cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/ha, còn cây ăn quả thì có loại hàng tỉ đồng/ha/năm. Điều này khiến nông dân không mặn mà với tái canh cà phê” – ông Nam nêu thực tế.

Trong bối cảnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây cũng đang khiến cây cà phê ngày càng gánh chịu thiệt hại nặng nề. Hạn hán nghiêm trọng trong năm 2015, đầu năm 2016 chưa dứt thì từ cuối năm 2016 đến nay, bão lũ liên tục càn quét đang khiến cho nhiều diện tích cà phê thiệt hại và giảm chất lượng. Mới đây nhất, cơn bão số 12 đã khiến cho nhiều diện tích cà phê Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bị thiệt hại khá nặng nề.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, niên vụ 2016 và ước cả niên vụ năm nay, tỉ lệ cà phê bị nâu hạt, đen hạt do mưa kéo dài và khó khăn trong phơi sấy lên tới 10-15%. Trong khi đó tại vựa cà phê Tây Nguyên, việc đầu tư cho công nghệ sấy chủ động hiện nay về cơ bản đang trống rỗng.

“Tỉ lệ hộ dân có sân phơi xi măng thôi cũng rất thấp, chỉ có khoảng 50%, còn đa số dân trồng cà phê vẫn phơi bằng bạt. Khi gặp mưa kéo dài như niên vụ 2016 và cả năm nay cũng vậy, nhiều hộ vẫn phải sấy theo kiểu... lò sấy chuồng bò. Nghĩa là kê sàn rồi đốt củi ở dưới, khiến cà phê sấy xong vừa đen, vừa hôi mùi khói, chất lượng cà phê không còn gì tệ hơn!” – một lãnh đạo VICOFA ngán ngẩm.
 

Muốn tồn tại, phải thay đổi

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, không chỉ đối mặt với hàng loạt khó khăn trong nước, thị trường cà phê thế giới trong vài năm trở lại đây đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nước SX cà phê lớn như Colombia, Brazil, Indonesia... Giá cà phê thế giới thời gian qua cũng liên tục trồi sụt do sự chi phối các sàn giao dịch của các ông trùm tài chính lớn trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam thường phải chịu cảnh bán cà phê với giá thấp hơn mặt bằng quốc tế do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dựa vào các sản giao dịch. Ở trong nước, hiện đã có 3 sàn giao dịch cà phê do Bộ Công thương quản lí, nhưng hiện tại không hoạt động gì do chưa kết nối với các sàn giao dịch ICE và London... Điều này khiến thị trường cà phê trong nước đang phụ thuộc trong tay hệ thống thương lái.

“Cà phê cùng với hồ tiêu là những mặt hàng toàn cầu hiếm hoi mà Việt Nam có thể chi phối được giá, đã khẳng định được tên tuổi. Nhưng với tình hình hiện nay, nếu không giữ được diện tích và đổi mới toàn diện để nâng giá trị gia tăng theo hướng chế biến sâu, ngành cà phê sẽ sớm đối diện với nguy cơ tuột dốc, khó mà vực dậy trở lại được” – ông Tự lo lắng.

Trước tình hình đáng ngại này, VICOFA hiện đã gửi Bộ NN-PTNT hàng loạt kiến nghị nhằm “thay máu” cho ngành cà phê, theo đó mục tiêu phải bằng mọi giá giữ cho được vị trí thứ 2 thế giới về SX cà phê nhân của Việt Nam với diện tích duy 645 nghìn ha, khai thác thường xuyên 600 nghìn ha. Trong đó, tái canh cà phê phải được xem là công tác thường xuyên, liên tục hàng năm.

Theo VICOFA, giải pháp để giữ được nguy cơ suy giảm diện tích cà phê hiện nay, không còn cách nào khác là phải gia tăng giá trị SX/đơn vị diện tích để tăng tính cạnh tranh của cà phê trước cơn lốc của nhiều loại cây trồng khác. Trong đó, lấy định hướng chế biến sâu, chuyển từ XK nhân thô sang XK cà phê rang xay và hòa tan để tăng kim ngạch XK lên khoảng 6 tỉ USD (thay vì 3,5 tỉ USD như hiện tại).

Tại buổi làm việc với VICOFA về những vấn đề cần tháo gỡ khẩn trương của ngành cà phê Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong khuôn khổ loạt sự kiện của Ngày hội Cà phê Việt Nam lần thứ Nhất (dự kiến diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng vào giữa tháng 12/2017, Bộ NN-PTNT phối hợp với các đơn vị sẽ tổ chức các hội thảo, diễn đàn lớn nhằm có chiến lược, kế hoạch cụ thể, căn cơ cho ngành cà phê Việt Nam. Theo Bộ trưởng, cà phê là ngành hàng đặc biệt quan trọng, có bề dày và đã khẳng định được tên tuổi cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, quan điểm của Bộ sẽ nỗ lực hết sức để có giải pháp đồng bộ để giữ và khai thác dư địa giá trị cho ngành hàng này.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất