| Hotline: 0983.970.780

Cá sấu loay hoay tìm đầu ra

Thứ Năm 13/09/2012 , 10:43 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, dân nuôi cá sấu ở Nam bộ kêu trời vì cá sấu ế ẩm tồn đọng nhiều trong chuồng mà không bán được.

Từ đầu năm đến nay, dân nuôi cá sấu ở Nam bộ kêu trời vì cá sấu ế ẩm tồn đọng nhiều trong chuồng mà không bán được.


Chế biến da cá sấu ở Trại cá sấu Hoa Cà (TP HCM)

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Xuân Lộc (Q12, TP HCM), cá sấu tồn đọng quá nhiều, chủ yếu là do đường sang Trung Quốc đã gần như bị chặn lại. Ông Thành nói: “90% cá sấu nguyên con Việt Nam được XK sang Trung Quốc. Những năm trước đây, cơ quan chức năng Trung Quốc không kiểm soát chặt mặt hàng cá sấu nguyên con từ Việt Nam đưa sang. Do đó, cá sấu từ Nam bộ được vận chuyển lên biên giới phía Bắc rồi sang xe đi qua Trung Quốc một cách khá dễ dàng. Nhưng trong năm nay, các lực lượng chức năng của Trung Quốc như kiểm lâm, sảnh sát … cứ thấy cá sấu nguyên con từ Việt Nam đưa qua là thu giữ liền. Vì thế lượng cá sấu bán sang Trung Quốc đã giảm rất mạnh”. Tôi hỏi giảm thế nào, ông Thành than “Nếu như trước đây đi được 20 xe cá sấu, thì bây giờ chỉ còn 1 xe lọt qua thôi”.

Ông Tăng Tô, chủ trại cá sấu Phước Hiệp (Củ Chi, TP HCM), không dấu nổi sự ngán ngẩm khi nhắc tới việc tiêu thụ cá sấu: “Trong trại của tôi đang còn tồn tới mấy trăm con cá sấu vì bán không được. Hầu hết các trang trại khác ở TP HCM cũng chẳng bán được con cá sấu nào sang Trung Quốc kể từ đầu năm tới giờ. Trại nào cũng tồn nhiều cá sấu đã tới kỳ xuất bán. Cứ đà này, sang năm dân nuôi cá sấu sẽ còn khốn đốn hơn nữa vì khi ấy số cá sấu đang tồn đọng hiện nay sẽ trở nên quá lứa. Mà lúc thị trường bình thường, cá sấu quá lứa đã chẳng mấy ai muốn mua”.

Đầu ra bế tắc, cá sấu còn tồn đọng nhiều trong các trang trại, đã khiến cho giá cá sấu thương phẩm giảm xuống rất mạnh. Ông Thành cho hay, nếu như trước đây, giá mỗi kg cá sấu thương phẩm là 130.000-140.000 đ/kg, thì hiện nay chỉ còn bình quân 90.000 đ/kg. Còn theo ông Tăng Tô, giá cá sấu loại 1 bây giờ chỉ còn 110.000 đ/kg. Nhưng cái giá này chỉ để treo lên chơi cho vui vì chẳng ai mua. Bởi thế, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng bán tháo cá sấu với giá rẻ mạt. Ông Tô cho biết mới đây, đã có trại cá sấu xuất bán cá sấu loại 20 kg/con với giá chỉ có 1 triệu đ/con, tức là mỗi kg cá sấu được bán phá giá với giá bèo 50.000 đ/kg.

Với giá cá sấu hiện nay, dân nuôi cá sấu người nào người nấy mặt mày đang như “mất sổ gạo”. Bởi giá con giống, thức ăn để nuôi một con cá sấu loại 20 kg/con, đã lên tới 60.000-70.000 đ/kg. Nếu tính cả giá nhân công, chi phí điện, nước, người nào nuôi giỏi thì chỉ còn lời chút ít. Còn lại chỉ hòa hoặc lỗ. Mà lỗ là thực, còn hòa hay lãi ít chỉ là lý thuyết. Vì như đã nói ở trên, dù giá cá sấu thương phẩm đã giảm mạnh nhưng hầu hết các trại cá đều không bán được sản phẩm. Thành ra các chủ trại đang phải cắn răng “nuôi báo cô” từ hàng trăm đến hàng ngàn con cá sấu đã bắt đầu quá lứa lỡ thì. Như ở trang trại của ông Tăng Tô, riêng chi phí tiền thức ăn cho mấy trăm con cá sấu tồn đọng, mỗi tuần đã hết bay 5 triệu đồng. Một tháng coi như ném xuống ao hồ trên 20 triệu đồng tiền thức ăn, mà chẳng biết đến khi nào mới “gả bán” được mấy trăm cái tàu há mồm ấy. Bởi thế, dù đã gắn bó với đàn cá sấu từ nhiều năm nay, đã phất lên nhờ cá sấu, nhưng hiện giờ ông Tô cũng đang nản tới mức muốn bán tống bán tháo hết cả đàn cá sấu trong trang trại.

Cá sấu thương phẩm không tiêu thụ được, cá sấu giống cũng ế nhăn răng theo. Năm ngoái, mỗi con cá sấu giống loại 30-35 cm/con, có giá tới 480.000 đ/con, nay đã tụt giá xuống chỉ còn khoảng 300.000 đ/con. Song, cũng chẳng có "ma" nào mua, vì bây giờ dân nuôi cá sấu chỉ mong đẩy được đàn cá sấu thương phẩm đi càng nhanh càng tốt, chứ ai dám nghĩ tới việc mua cá sấu giống về thả nuôi?

Trong tình thế hiện nay, chỉ những trang trại, cơ sở đã tổ chức chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá sấu như thịt cá sấu, đồ da cá sấu …, thì vẫn còn gắng trụ được. Nhưng “trụ” ở đây chỉ mang tính tồn tại, còn phát triển là rất khó. Như HTX Nông nghiệp Xuân Lộc, từ nhiều năm nay đã chế biến thịt, đồ da cá sấu để bán trên thị trường nội địa. Nhưng thịt cá sấu tiêu thụ không được nhiều lắm, vì dân mình chưa quen dùng... Còn đô da cá sấu, chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài. Mùa nắng, khách du lịch tới Việt Nam nhiều, lượng sản phẩm tiêu thụ cũng khá. Nhưng mùa mưa khách vắng, doanh thu chỉ đủ trả lương cho đội ngũ nhân viên bán hàng.

Dù sao, việc đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá sấu, vẫn được coi là lối thoát, là con đường để phát triển ngành hàng cá sấu một cách ổn định, bền vững. Bởi thế, trong những ngày tới, HTX Nông nghiệp Xuân Lộc sẽ tổ chức các đoàn xuống ĐBSCL (nơi vẫn chủ yếu xuất bán cá sấu nguyên con), để gặp gỡ, bàn bạc, hội thảo với những trại nuôi cá sấu ở đây về hướng chuyển nghề nuôi cá sấu từ xuất bán nguyên con sang chế biến đồ da, thịt và các sản phẩm khác.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm