| Hotline: 0983.970.780

Trên đường nhung lụa

Ca ve vào cuộc

Thứ Tư 16/04/2014 , 08:57 (GMT+7)

Cả Trình và Minh đều bị ép buộc phải viết đơn từ chối luật sư. Đúng lúc luật sư Lê An chán nản thì ông gặp cô tiếp viên Linh Trang của nhà hàng Biển Hát./ Không được ra tòa

Một tuần trước khi phiên tòa xét xử vụ án “giết người” xảy ra ở Nhà hàng Biển Hát tối ngày 18/3 diễn ra, luật sư Lê An, Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Đức (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Xương) quyết định vào trại tạm giam thăm thân chủ của mình một lần nữa.

Người mà ông nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại tòa là bị cáo Ngô Văn Minh, bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Xương truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng là “giết người có tính chất côn đồ”.

Cùng bị truy tố một tội danh, theo cùng một điều khoản luật như Minh là Phạm Văn Trình. Gia đình của Trình cũng đã mời luật sư Trương Văn Kim của Văn phòng Luật sư Công Lý bảo vệ cho hắn. Do hai bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị truy tố theo điều luật có khung hình phạt cao nhất, nên ngoài hai luật sư do gia đình bị cáo mời, Tòa án đã chỉ định thêm hai luật sư khác bảo vệ cho hai bị cáo, theo đúng quy định của pháp luật.

Cách đây mười ngày, luật sư Lê An đã vào trại tạm giam gặp Ngô Văn Minh một lần. Từng bảo vệ cho hàng trăm bị cáo, và cũng đã hàng trăm lần vào trại tạm giam gặp họ, tuy thành phần khác nhau, phạm nhiều tội danh khác nhau nhưng tất cả đều có một thái độ chung khi gặp luật sư. Đó là sự kính trọng, niềm tin tưởng và lòng cảm kích.

Với họ, luật sư là ân nhân, là người hết lòng bảo vệ họ. Tại tòa, luật sư thay họ tranh tụng với người đại diện của cơ quan công tố buộc tội họ, để tránh cho họ khỏi phải chịu những hình phạt cao quá mức so với hành vi mà họ gây ra. Những điều mà họ biết rất rõ nhưng do trình độ có hạn, họ không thể diễn đạt một cách rành mạch, lô - gic được. Không chỉ thế, nhiều bản cáo trạng truy tố oan cho bị cáo đã bị luật sư lật tung tại tòa.

Đang ở trại tạm giam mà được gặp luật sư của mình, bị cáo nào cũng mừng rỡ. Bởi được gặp luật sư, họ được nói lên tất cả tâm tư, nguyện vọng, cả nỗi ăn năn, hối cải về hành vi mà họ đã gây ra mà không phải e dè, sợ hãi gì hết. Chỉ riêng bị cáo Ngô Văn Minh là khác hẳn. Gặp ông, hắn mang theo một bộ mặt vô cùng căng thẳng pha lẫn sợ hãi, lo âu. Với một số rất ít câu hỏi của ông, hắn trả lời nhát ngừng, kín bưng, còn thì đa số là “không biết”, “không nhớ”…

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, luật sư Lê An đoan chắc rằng thân chủ của ông đã phải chịu một sức ép, thậm chí là một sự đe dọa, khủng bố rất ghê gớm, nên anh ta mới có thái độ như vậy. Bộ hồ sơ vụ án mà ông sao chép từ tòa cũng có những điểm rất không bình thường. Từ bản tường trình tự viết đến những bản cung của Minh, của Trình và của Tuấn Anh, hết bản này đến bản khác đều rất chỉn chu, đều giống hệt nhau không sai một chữ, cứ y như thể cùng được chép lại từ một bản mẫu nào đó.

Trong vụ án này, cái tên Lai không họ, không địa chỉ… đã biến mất tăm mất tích ngay sau khi vụ án xảy ra, không biết bao giờ cơ quan công an mới bắt được. Bị can Trần Tuấn Anh chưa kịp trở thành bị cáo thì đã bị 4 bị can cùng phòng đánh chết, nên được đình chỉ điều tra.

Nhìn bản ảnh sau lúc hắn bị đánh chết, luật sư Lê An rùng mình: Khuôn mặt biến dạng, đôi mắt lồi hẳn ra, mở trừng trừng, thể hiện một sự đau đớn khủng khiếp và một sự sợ hãi khôn cùng. Thân thể bầm dập. Nhưng điều mà luật sư không bao giờ biết được là những bức ảnh này đã được đưa cho Trình, Minh xem, kèm theo lời đe dọa rằng đó cũng là số phận của hai tên, nếu nói ra sự thực của vụ án.

Truyện dài kỳ "Trên đường nhung lụa":

>>Không được ra tòa
>>Mặc cả IV
>>Mặc cả III
>>Mặc cả II
>>Mặc cả I
>>Đấu trường
>>Luân chuyển II
>>Bánh đúc bày sàng
>>Luân chuyển I
>>Định hướng
>>Gió xoay chiều
>>Trọng án

Với các tỉnh khác, khi luật sư đã có giấy chứng nhận bào chữa cho một bị cáo do tòa cấp là có thể vào trại tạm giam gặp thân chủ mà không phải xuất trình bất cứ giấy tờ nào khác ngoài tấm giấy chứng nhận trên.

Trại tạm giam Công an tỉnh Tây Xương có quy định riêng. Ngoài giấy chứng nhận bào chữa, chứng minh thư, giấy phép hành nghề, đơn của thân chủ hoặc thân nhân của thân chủ mời luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư còn phải có giấy giới thiệu của tòa án. Và mỗi giấy giới thiệu chỉ có giá trị gặp thân chủ một lần. Vì vậy lần này, luật sư Lê An lại phải lên tòa xin giấy giới thiệu.

Tiếp ông tại tòa, vị thẩm phán được phân công thụ lý, và sẽ là chủ tọa Hội đồng xét xử trong phiên tòa xét xử vụ án, trịnh trọng:

- Xin thông báo với luật sư. Bị cáo Ngô Văn Minh đã có đơn từ chối việc bào chữa của luật sư tại tòa. Vì vậy, chúng tôi đã có quyết định hủy giấy chứng nhận bào chữa đã cấp cho luật sư. Kể từ ngày hôm nay, luật sư không được tham gia tố tụng tại tòa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Ngô Văn Minh nữa.

Ông ta mở cặp hồ sơ, chìa cho luật sư Lê An xem tờ đơn của Ngô Văn Minh. Đơn có nội dung rằng vụ án đã quá rõ ràng, hắn đã khai nhận đầy đủ hành vi của mình tại cơ quan điều tra. Hắn cũng đã được nhận cáo trạng. Và bản cáo trạng truy tố hắn tội “Giết người” theo khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội. Không oan. Do đó hắn không cần luật sư nữa.

 Đơn có chữ ký xác nhận của giám thị trại giam. Tiếp theo, thẩm phán trao cho ông quyết định hủy giấy chứng nhận bào chữa của luật sư.

- Mời luật sư ngồi đây, để tôi gọi thư ký đến lập biên bản.

Luật sư Lê An buồn bã ra về. Thế là bao nhiêu trăn trở để hình thành luận cứ bảo vệ cho thân chủ, và những uẩn khúc của vụ án, dự định sẽ trình bày, sẽ yêu cầu làm rõ tại phiên tòa, đành phải hủy bỏ.

Gọi điện cho luật sư Trương Văn Kim, người bảo vệ cho Phạm Văn Trình, ông được biết Trình cũng đã có đơn từ chối sự bảo vệ của luật sư. Và luật sư Kim cũng mới nhận được quyết định hủy giấy chứng nhận bào chữa, do tòa án gửi đến. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả hai bị cáo Minh, Trình chắc chắn đã bị ép buộc phải viết đơn từ chối luật sư.

Hai vị luật sư do Tòa chỉ định kia, với mức thù lao mấy chục ngàn một buổi ngồi tòa, mà cũng phải qua những thủ tục rất phiền phức mới nhận được, chắc chắn sẽ có một bài bào chữa rất qua loa, cốt cho đủ lệ. Bị cáo thường chẳng trông chờ được gì nhiều ở những luật sư chỉ định ấy…

Một chuyên viên luật bước vào, khiến dòng suy tư của ông chững lại.

- Thưa luật sư. Có một cô gái xin gặp luật sư ạ.

- Cậu tiếp đi, hỏi cô ấy có việc gì, thì tư vấn cho cô ấy, rồi báo cáo tôi sau.

- Dạ thưa. Cháu đã mời cô ấy vào phòng khách, hỏi cô ấy có việc gì cứ cho biết. Nếu cần tư vấn việc gì thì cháu sẽ bố trí người đủ chuyên môn về việc ấy để tư vấn. Luật sư đang bận. Nhưng cô ấy không nghe, bảo không cần tư vấn việc gì. Và nhất định đòi gặp luật sư, vì có việc rất quan trọng, chỉ có thể nói riêng với luật sư được thôi.

- Vậy thì mời cô ấy vào.

Đó là một cô gái trạc hai mươi tuổi, khá xinh đẹp. Rót nước mời cô, luật sư Lê An niềm nở:

- Bác có thể giúp cháu được điều gì nào?

- Thưa bác. Tên khai sinh của cháu là Bùi Thị Tho. Nhưng khi đi làm tiếp viên ở nhà hàng, cháu lấy tên là Linh Trang.

- Linh Trang. Một cái tên thật đẹp.

- Vâng. Linh Trang là tên mà cháu lấy khi làm ở Nhà hàng Biển Hát. Buổi tối hôm 18/3 ấy, cháu đã chứng kiến từ đầu đến cuối vụ giết người ở phòng số 4 Nhà hàng Biển Hát. Cháu muốn cung cấp cho bác một bằng chứng. Để hôm ra tòa, bác nói lên sự thật. Rửa hận cho người chết oan.

- Bây giờ bác không còn là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngô Văn Minh nữa. Vì anh ta đã có đơn từ chối. Nhưng với tư cách là luật sư, bác vẫn có thể có văn bản kiến nghị, đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ những điều cháu cung cấp. Nếu những điều đó là sự thực, có căn cứ.

- Vâng. Vậy mời bác hãy xem đây.

Xem hết bằng chứng mà cô gái cung cấp, luật sư Lê An rất bàng hoàng. Lát sau, ông bấm máy gọi cho phóng viên Nguyễn Bích Hằng, người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong nhiều vụ án:

- Cô đến chỗ tôi ngay. Mang đầy đủ phương tiện tác nghiệp. (Còn nữa)

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Bảy
    Truyện dài kỳ 04/12/2021 - 07:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Sáu
    Truyện dài kỳ 26/11/2021 - 15:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Năm
    Truyện dài kỳ 22/11/2021 - 14:46

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ được độc giả để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Tư
    Truyện dài kỳ 21/11/2021 - 10:12

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Ba
    Truyện dài kỳ 19/11/2021 - 11:04

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’, đã khẳng định tấm lòng của nhà văn – nhà báo với những người nông dân cần cù và thua thiệt.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ hai
    Truyện dài kỳ 17/11/2021 - 20:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • 'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' và tiếng cười nâng đỡ kẻ nhẹ dạ
    Truyện dài kỳ 16/11/2021 - 16:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, từng khiến bạn đọc hào hứng và say mê.

  • Vỡ lẽ
    Truyện dài kỳ 19/08/2016 - 08:37

    Lên Thủ đô, hôm đầu Hải và Dung tá túc trong một nhà nghỉ. Hôm sau, họ tìm nhà, và thật may mắn, thuê được một căn hộ tập thể trên tầng 10 của một chung cư, với giá rất hợp lý, chỉ 5 triệu đồng một tháng.

  • Sát cánh
    Truyện dài kỳ 18/08/2016 - 08:55

    Vừa gặp nhau trong quán cà phê, Dung gục đầu vào vai Hải, khóc òa lên. Hải ôm lấy người yêu, vuốt ve, an ủi cô: Em đừng buồn. Sóng gió rồi sẽ qua thôi.

  • Chia rẽ
    Truyện dài kỳ 17/08/2016 - 09:57

    Ông Quỳnh gầm lên: "Hải. Thằng Hải đâu. Xuống gặp bố ngay". Nghe tiếng chồng, bà Hoa, vợ ông, hớt hải chạy ra: "Con nó ở trên phòng nó. Để tôi lên tôi gọi nó xuống."

  • Bão táp
    Truyện dài kỳ 16/08/2016 - 09:06

    Cả tỉnh như một chảo nước sôi sùng sục trước cơn “bão” dư luận. Báo chí đã “săn” được đích danh ông Quỳnh để phỏng vấn.

  • Tình yêu
    Truyện dài kỳ 15/08/2016 - 09:18

    18 giờ, Hải và Dung mới rời Thủ đô, dự định 22 giờ sẽ về đến nhà. Nhưng mới đi được chừng hơn 20 km, đến thị trấn Liên Khê thì bất ngờ trời nổi cơn dông, rồi mưa như trút.

Xem thêm
Nhà văn Đào Thắng vẫy tay chia biệt ‘dòng sông mía’

Nhà văn Đào Thắng, tác giả tiểu thuyết ‘Dòng sông mía' nổi tiếng viết về nông thôn Bắc bộ, vừa qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.