| Hotline: 0983.970.780

Các cháu đều là giáo viên mà không có ý thức độc lập

Thứ Tư 09/04/2014 , 13:43 (GMT+7)

Không ai dọn đường cho mình cả, không có chiếc cầu nào sẵn cả. Phải bắt tay vào mà làm ra lối đi, không gian và cái tổ của chính mình. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là một cô giáo cấp III, từng tư vấn cho bạn bè và nhiều em nữ sinh nhưng trong chuyện của mình thì cháu không làm sao cho hết rối cô ơi.

Cháu là con gái út và cũng là gái một của ba má. Cháu có tới bốn anh trai, vì vậy mà cháu rất được cưng chiều. Học đại học xong, do không có thần thế, cháu bị đưa về một huyện nhỏ, xa nhà.

Khủng hoảng lần thứ nhất là thời điểm này. Ở đây cháu đã quen và yêu một đồng nghiệp, giờ là chồng của cháu. Đúng ra là cháu tìm một chỗ dựa tinh thần và D là một nơi như vậy.

Nhà D cực kỳ khá giả và thành công về mặt học vấn. D cũng là con út và là con một trong gia đình có ba chị gái đều ở nước ngoài. Nhưng D có một đời vợ, chị ấy cũng đã mang đứa con trai D đi Mỹ. Chắc cô cũng hình dung được rắc rồi của cháu rồi, phải không cô?

Trai tự do, gái chưa chồng, chúng cháu đến với nhau không có lỗi gì. Nhưng nhà cháu bị sốc dữ vì cháu là gái một mà yêu người đã có vợ và có con riêng. Má của cháu buồn chán đến nỗi phải đổ bệnh và nhập viện đó cô.

Bắt đầu những luồng dư luận, bên nội rồi bên ngoại, ai cũng nhè má cháu mà trách, nói không dạy được con, không lo được cho con một tấm chồng lành lặn. Có người còn nói nhà cháu ham giàu, nghĩ trước sau gì cháu cũng được các chị D bảo lãnh đi Mỹ.

Đến lúc nhà D phản ứng. Người ta chê cháu bằng cấp thấp, vị trí giáo viên huyện xa bèo, nếu D lấy cháu thì cả hai không ai kéo được ai về thị xã hết. Lúc đầu họ tính cho D một đám môn đăng hộ đối ở gần nhà, để D về được, họ nghĩ cháu như một cái neo giữ D lại dưới này.

Một kế hoạch tách rời hai đứa được vạch ra chi li, bằng tiền. Cuối cùng, D được Sở điều về, như ý nguyện của gia đình, đứng lớp ở một trường có tiếng của thị xã.

Nhưng D không bỏ cháu. Chúng cháu đã vượt qua mọi trở ngại, cưới nhau và sau đó, cháu theo chồng về lại thị xã. Nhà D thấy “bị thua” nhưng công khai từ mặt cháu thì không thể. Ba má cháu giữ lấy tự trọng, không cho cháu về sống bên D. Vậy là, từ hồi về thị xã và sinh con đến giờ, con gái của cháu đã 5 tuổi mà hai vợ chồng nhà ba má ai nấy ở, cô xem có nghịch lý không?

Cháu biết D khó xử, ba má chỉ còn anh ấy, các chị lại lo hết cho ông bà nhà cửa, tiền bạc nên tiếng nói của các chị rất quan trọng. Bên ấy các cô lại có con trai của D rồi, con của cháu như đứa cháu thừa vậy cô ơi.

Ba má cháu, ngoài mâu thuẫn với sui gia, còn vì thương cháu là vợ sau, hẩm hiu (mà nhà người ta lại treo đầy ảnh của D với cô vợ cũ và đứa con cháu nội trai của họ nữa) nên nhất quyết không để cháu về ở bên nhà ba má D.

Càng ngày cháu càng buồn. Chẳng lẽ chúng cháu sống mãi trong cảnh vợ chồng ngưu vậy sao cô? Cô khuyên cháu nên như thế nào đây cô?

Giữ kín email của cháu nhá cô.

------------------

Cháu thân mến!

Cô chưa thấy hai gia đình thông gia nào mà lại có thu xếp kỳ cục như vậy. Đúng là "khúc mắc" của người lớn hại bọn trẻ đây mà.

Nhưng, trước hết, nói về nguyên do mà không nói thì chắc cháu cũng đã biết. Ấy là vì cháu là con gái rượu của ba má mình. Nếu con gái đầu thì có thể đã khác. Vì con gái đầu, là chị cả của các em trai thì lấy chồng phải “biến” đi chứ, đúng không?

Ở đây cháu là út, được cưng chiều, ba má cộng với bốn anh trai thì có tới 6 người trong sự cưng chiều này. Đó là áp lực, ban đầu là cái kén, cái kén vàng, nhưng rồi nó sẽ trói buộc và giờ thì cháu chết cứng trong cái lý bảo bọc của họ.

Cùng tình cảnh ấy, D cũng có áp lực của mình, nhà giàu, các chị đều là Việt kiều, người ta đã có cháu nội trai rồi nên người ta muốn cấm vận hay mở cửa gì cũng được. Có cảm giác hai nhà đang chơi trò chính trị, trò chiến tranh chứ không nghĩ đến quan hệ thông gia thông thường.

D không thất thế trong nhà cháu nhưng xem ra, cháu giống người thừa thật. Cô cũng lấy làm lạ sao D đã ly dị một lần, sao D không được nhà mình cho cậu ấy cái quyền hạnh phúc kia chứ?

Nói gì thì cũng phải nói rằng, các cháu ít tự do quá, các cháu đều là giáo viên mà không có ý thức về độc lập của mình. Hay là tình yêu ở các cháu cũng trung bình, không có khát vọng, không sâu sắc, không sống chết cùng nhau. Làm sao chấp nhận nổi cảnh nhà ai nấy ở, vậy con gái cháu có cha có mẹ vào lúc nào trong tuần? Sống như vậy chỉ là một nửa mà thôi.

Nếu yêu nhau thì phải đấu tranh để tách ra, thuê nhà, sống trong cái kén của chính mình, như bao người. Còn như D muốn cháu về một bên thì phải đấu tranh với ba má D, ít nhất là cũng phải hạ những tấm ảnh có thể gợi cho cháu sự tủi thân của cô vợ sau đi chứ.

Không ai dọn đường cho mình cả, không có chiếc cầu nào sẵn cả. Phải bắt tay vào mà làm ra lối đi, không gian và cái tổ của chính mình. Ba má cháu đã có các anh lo, ba má D chỉ có mình D, cháu phải đấu tranh với ba má của mình để được theo chồng chứ.

Ai rồi cũng phải xem nhà chồng là nhà của mình. Ai rồi cũng con gái là ngoại, là nhà ngoài. Ai rồi cũng chồng đâu vợ đó, để con của mình có cuộc sống bình thường cháu ơi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất