| Hotline: 0983.970.780

Các cụ già trò chuyện

Thứ Sáu 17/12/2010 , 10:06 (GMT+7)

“Khi người ta già lão, để củng cố bản thân mà tồn tại thêm, người ta buộc phải xài đồ giả và dùng nhiều thứ phụ tùng lặt vặt. Ví như họ phải xài răng giả để nhai thức ăn. Ví như họ phải dùng thêm gậy để đi đứng khỏi té. Bất tiện quá chừng!”. Trong cuộc uống trà, một ông bạn già đã than phiền như vậy.

Nghe thế, một ông bạn già khác liền sờ vào hàm răng của mình như một phản xạ, rồi nói: 

- Đúng thế, tôi tán thành nhận xét chí lý chua chát này của ông. Cho nên, những người già lão khi họ chết, họ cũng chết rất ít mà thôi.

Tôi cũng già nên nghe nói tới “chết” liền quan tâm, ngạc nhiên hỏi: 

- Chết là chết. Tại sao lại có việc chết nhiều và chết ít?

Ông bạn kia cười sặc sặc, giải thích: 

- Ví như lúc lão ta chết, thì khi ấy răng giả của lão đâu có chết. Và, cũng khi ấy con mắt lão cũng chết ít vì nó đã quá yếu rồi, đã chết một nửa rồi. Nói chung cả cơ thể lão hầu như đã chết một nửa rồi. Lúc ấy lão chỉ chết tiếp nửa kia cho hoàn tất cái chết của lão. Thế thì lão ta chết ít. Đấy, lão ta chết rất ít. Người còn trẻ chết là họ chết rất nhiều. Giản dị dễ hiểu quá mà. Có gì khó hiểu đâu.

Tôi cười vui vẻ khi nghe lão ta lập luận rất khoa học và chặt chẽ như vậy. Ông bạn già này suy luận rất có phương pháp hiện thực. Quả vậy, người già chết là họ chỉ chết những phần còn lại mà thôi. Đúng thế, họ chết ít. Tôi nói:

- Nếu vậy, việc người già chết đâu có gì mà phải buồn. Họ chết ít nên cái chết ấy cũng đâu có gì khủng khiếp. Đấy cũng là việc “ra đi” nhẹ nhàng.

Lão bạn nói đầu tiên, phản đối ngay:

- Chết không bao giờ là việc nhẹ nhàng được. Con người luôn luôn và mãi mãi bất lực trước cái chết. Gánh vác sự bất lực tuyệt vọng ấy, đối với con người, bao giờ cũng là một nỗi khủng khiếp.

Mấy ông bạn già đều nín thinh. Có lẽ cái chết, cho dù chết ít hoặc chết nhiều, đều gây sự khủng khiếp. Thực tế này rất hiển nhiên. Hiển nhiên đến mức làm chúng ta phải kinh ngạc.

Tôi nhớ một truyện ngụ ngôn, dường như của La Fontaine thì phải, truyện “Lão tiều phu và thần chết”. Lão tiều phu nghèo khổ quá, già rồi mà vẫn cứ gánh củi nặng nhọc trên vai. Lão ta cầu khẩn thần chết đến rước đi cho khoẻ xác thân cực nhọc. Đúng là lão ta rất thành thật khi cầu khẩn như vậy.

 Nhưng khi thần chết xoà đôi cánh đen ngòm đáp xuống trước mặt, lập tức lão tiều phu hốt hoảng quì lạy như cần cối, xin thần chết tha chết. Lão chấp nhận sống khổ hơn thế nữa cũng được, miễn là được sống và đừng chết. Xem thế, đủ biết cái chết là kinh khủng dường nào, không dễ gì được con người chấp nhận.

Nhưng sau một hồi đăm chiêu, ông bạn già kia đột ngột cười lớn và nói:

- Mỗi người có sinh ra thì phải có chết đi. Sống một quãng thời gian dài ngắn tuy có khác nhau, rồi cũng buộc phải chết đi. Đó là luật tự nhiên. Còn sợ chết hay không sợ chết đó là quyền tự do của mỗi người. Cũng như hễ tới tháng chín, tháng mười là vào mùa đông. Mùa đông thì phải lạnh, phải rét, phải mưa dầm, còn việc có mặc áo ấm, áo mưa hay không là quyền tự do của mỗi người. Quyền tự do của mỗi người không ảnh hưởng gì đến luật của tự nhiên.

Ông bạn này hễ nói năng ra là khoa học chính xác ghê gớm. Tôi cũng thích một tinh thần sáng suốt như thế. Một tinh thần nhiều lý trí và rất khách quan. Và, như thế ảo tưởng sẽ không còn, càng già lão càng sáng suốt hơn lên.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất