| Hotline: 0983.970.780

Các vị thuốc từ ngựa và mang tên ngựa

Thứ Ba 28/01/2014 , 15:00 (GMT+7)

Đa số các bộ phận từ cơ thể ngựa đều có tác dụng y dược tích cực, chế được thành thuốc chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.

Đa số các bộ phận từ cơ thể ngựa đều có tác dụng y dược tích cực, chế được thành thuốc chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người. Hơn nữa, do ảnh hưởng sâu rộng, phổ biến trong đời sống và ngôn ngữ nên hình tượng ngựa (mã) còn thấy trong tên những vị thuốc quý từ các loài thực vật và động vật khác

NHỮNG VỊ THUỐC TỪ NGỰA

* THỊT NGỰA: Thịt ngựa khá ngon, lại có các tác dụng y dược hiệu quả nên nhiều người ưa thích. Nó mang vị ấm nóng, hơi cay, ăn vào sẽ làm khỏe gân, mạnh xương (đặc biệt làm cứng xương sống) và là thuốc chữa nhiệt khí, đau lưng, tê bại, rụng tóc, lở hói đầu...

* CAO XƯƠNG NGỰA: Được nấu từ toàn bộ xương ngựa (nhưng giá trị nhất vẫn là xương sọ và xương chân), cao có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, chữa mệt mỏi, làm khỏe xương. Cao bạch mã (ngựa trắng) còn là thứ thuốc trị chứng phong thấp và bệnh khí hư cho phụ nữ rất hữu hiệu.

* SỮA NGỰA: Do hàm lượng chất béo chỉ chứa chưa bằng một nửa trong sữa bò, nên sữa ngựa mang vị thanh mát, dễ uống hơn. Nó có tác dụng tiêu nhiệt, giải độc, lợi tiểu và chữa các bệnh đường ruột.

* TUYẾN GIÁP TRẠNG NGỰA: Y học hiện đại dùng tuyến giáp trạng ngựa để chế ra một loại bột chứa iodine dưới dạng hữu cơ. Bột này sử dụng để điều trị chứng suy tuyến giáp, bệnh phù viêm, béo bệu và một số rối loạn về phát triển cơ thể.

* TUYẾN THƯỢNG THẬN NGỰA: Bột tuyến thượng thận làm từ tuyến thượng thận của ngựa, có hoạt chất chính là adrenalin tả tuyền. Thuốc này dùng để chữa bệnh suy thận, chứng mệt mỏi và những trường hợp ngộ độc do thức ăn.

* TUYẾN YÊN NGỰA: Bột tuyến yên toàn phần chế từ tuyến yên ngựa. Nó được dùng chữa các chứng còi cọc, chậm lớn, bệnh thiểu năng sinh dục...

 VÀ MANG TÊN NGỰA

* CÁ NGỰA: Còn mang các tên khác là hải mã, hải long, thủy mã. Sống ở vùng biển nước ta, đầu có dạng giống đầu ngựa, thân dài trung bình 15-20 cm, màu trắng, vàng hoặc xanh đen.  Trong y học cổ truyền, nó là thứ thuốc vị ngọt, hơi mặn, ấm, tính bình, có tác dụng giảm đau, hưng phấn, kích thích sinh dục, chữa thần kinh suy nhược, cơ thể mệt yếu (nhất là ở người cao tuổi), nam giới liệt dương, phụ nữ đau bụng đẻ khó hoặc chậm có thai.

* BỌ NGỰA: Còn mang tên khác là ngựa trời, đường lang. Loài sâu bọ này màu xanh vàng, đầu nhỏ hình tam giác, hai càng dạng lưỡi liềm gấp, bụng to, cánh dài. Được sấy khô, tán bột, nó trở thành vị thuốc hơi ngọt, tính bình, dùng chữa trẻ con kinh phong, co giật.

* TỔ BỌ NGỰA TRÊN CÂY DÂU: Còn có tên khác là tang phiêu diêu. Loại tổ đó do bọ ngựa làm, úp dính chặt vào cành dâu, màu nâu trắng, hình mũ dài với các khía ngang, hơi xốp, rất dai, bên trong thường chứa trứng bọ ngựa. Được bóc tách, sấy khô, tán bột, nó cũng mang vị ngọt, tính bình, dùng chữa nam giới liệt dương, di tinh, mộng tinh, phụ nữ bế kinh.

* KÉ ĐẦU NGỰA: Còn mang các tên khác là thương nhĩ, xương nhĩ. Cây cao chừng 1,4- 2m, thân có khía rãnh. Lá mọc so le, phiến lá dạng tam giác cong, mép răng cưa, có chỗ khía hơi sâu thành 3-5 thùy, phủ lông ngắn cứng. Quả già hình thoi, có móc, trẻ em đùa nghịch tung bỏ vào tóc nhau rất khó gỡ ra. Cành, lá, quả đem chế thành thuốc mang vị ngọt, hơi đắng, ấm, tính bình, tác dụng tiêu độc, sát trùng, chữa bướu cổ (do chứa nhiều chất iodine), trị tê bại, phong hàn, mẩn ngứa, mụn nhọt, viêm mủ...

* CỎ ROI NGỰA: Còn gọi tên gốc là mã tiên thảo. Cỏ dài, thẳng, có đốt như roi ngựa. Sống rất dai, cao 0,1-1 m, thân có 4 cạnh, lá mọc đối, xẻ thùy hình lông chim. Đem chế thành thuốc, nó mang vị đắng, hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, phá huyết thông kinh, trị những bệnh tích tụ trĩ, trùng, bế kinh, mụn xương và các chứng lở.

* MÃ ĐỀ: Còn có các tên khác là đề thảo, xa tiền. Loài cỏ này xưa hay mọc ở vết chân ngựa kéo xe nên thành tên gọi (mã là ngựa, đề là móng chân). Thân ngắn, lá quy thành cụm ở gốc, cuống dài, phiến lá hình trứng với gân dọc. Cây sống lâu năm, mọc hoang và cũng được trồng ở một số nơi, đem chế thành thuốc mang vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa trị sốt, ho, bỏng, đau mắt đỏ, mụn nhọt, phù thũng, viêm nhiễm đường tiết niệu, đái dắt, kiết lỵ...

* MÃ ĐỀ NƯỚC: Còn mang các tên khác là le, hẹ nước, trạch tả, thủy xa tiền. Cỏ mọc hoang trong nước, thân rất ngắn hoặc không có thân, lá tập trung thành cụm, hoa màu trắng với cuống dài nổi trên nước. Sấy khô hoặc giã, ép lấy nước, nó là thứ thuốc vị ngọt, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, chữa bỏng, sưng đau, lở loét, tê bại, bí tiểu tiện...

* MÃ LIỄU: Còn có tên khác là nghể răm. Cây thân ngắn, mềm, lá hình thoi dài, cuống lá săn chắc. Nó mọc hoang ở những vùng trũng hoặc ẩm, đem chế thành thuốc mang vị hơi đắng, cay, ấm, tác dụng giải độc thức ăn, chữa sưng, lở, mụn nhọt, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, đau bụng.

* MÃ LIÊN AN: Còn mang các tên khác là hà thủ ô trắng, dây sữa bò. Cây có củ, thân dây, lá to mỏng, mọc leo hoặc lan trên đất phổ biến ở miền trung du và ven bờ ruộng một số vùng đồng bằng. Tương truyền, ngày xưa một ông tướng đang cưỡi ngựa đi đường thì bị trúng cảm, ngã bất tỉnh, nhưng may được thầy thuốc gần đó dùng một loại cây cứu chữa khỏi, ông tướng đã biếu thầy thuốc cả ngựa lẫn yên để tạ ơn, từ đấy loài cây này mang tên mã liên an (nghĩa là “ngựa liền yên”).

Thuốc được dùng tươi hoặc sấy khô, toàn bộ lá, dây, củ của nó đều có thể làm thuốc, mang vị đắng, mát, tính bình, trị chứng suy nhược thần kinh, thiếu máu, bệnh phong thấp, tê bại, đau xương, mỏi gối, bạch đới, khí hư, kinh nguyệt không đều và chữa rắn cắn.

* MÃ THẦY: Còn có các tên khác là củ năn, bột tể. Cây mọc dưới nước, củ khá to, thân không lá, tròn dài gần như chia đốt vì ngoài mặt mang khía dọc nhưng phía trong lại nhiều vách ngang. Củ mã thầy giàu chất dinh dưỡng, là thức ăn rất mát, bổ và là vị thuốc tiêu khát, chữa bệnh về gan, tả, thương hàn...

* MÃ TIỀN: Còn mang tên khác là củ chi. Có 2 loài: Thân gỗ và thân dây leo. Cây thân gỗ mọc ở các tỉnh miền Nam, cao tới 5-12 m, thân thẳng đứng, vỏ xám, khi non có gai, lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá dạng bầu dục với hai đầu hơi nhọn, gân lá hình lông chim. Còn cây thân dây leo lại chỉ thấy ở các tỉnh phía Bắc, thân leo ngoằn ngoèo với đường kính 10-15 cm, chiều dài 30-40 m. Cả hai loài đều cho quả có nhiều công dụng y dược nhưng lại chứa chất strychnin rất độc.

 Vì vậy, khi quả chín, người ta thu nhặt, lấy hạt, phải khử bỏ hết chất độc rồi phơi khô, đem chế mới thành được thứ thuốc vị hơi đắng, tính lạnh, tác dụng mạnh gân cốt, thông kinh lạc, trị phong thấp, tê bại. Y học hiện đại còn dùng hạt mã tiền điều chế được nhiều loại thuốc kích thích hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu hóa... rất công hiệu.

* MÃ SĨ HIỆN: Còn có tên khác là rau sam. Cây mọc lan trên mặt đất, thân mọng màu tím đỏ, lá dày hình thìa xanh sẫm. Được nấu canh hoặc giã, ép lấy nước, nó trở thành thứ thuốc mang vị chua, nhớt, mát, tác dụng nhuận tràng, giải độc, tiêu viêm, sát trùng, thanh nhiệt, chữa bệnh về gan, đường ruột, trị mụn nhọt, khô da...

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bình luận mới nhất