| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/02/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 22/02/2017

Cách chức hiệu trưởng, hiệu phó, xứng đáng cho một hành vi gian dối

Sau bao nhiêu là bức xúc của dư luận, sau 3 lần nhắc nhở của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chiều 20/2, những hành vi gian dối của hai cô hiệu trưởng, hiệu phó...

Sau bao nhiêu là bức xúc của dư luận, sau 3 lần nhắc nhở của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chiều 20/2, những hành vi gian dối của hai cô hiệu trưởng, hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) Tạ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương, đã chính thức được phơi bày.


 

Công an TP Hà Nội đã kết luận: Việc hai cô Ngọc, Hương ngồi trên chiếc xe taxi đi vào sân trường ngày 1/12/2016, và chiếc xe đã va vào, làm gãy chân cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2 của trường, là có thật. Từ kết luận trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy cách chức hiệu trưởng, hiệu phó đối với hai cô Ngọc và Hương theo thẩm quyền.

Hình thức kỷ luật cách chức này, hoàn toàn không phải xuất phát từ khuyết điểm là hai cô ngồi taxi vào trường, khiến chiếc xe va vào làm gẫy chân học sinh. Bởi nếu ngay sau tai nạn đó xảy ra, hai cô lập tức tổ chức đưa cháu Kiên vào bệnh viện, và thẳng thắn nhận lỗi, nhận trách nhiệm của mình, nghiêm túc và thành khẩn kiểm điểm, thì có thể hai cô cũng sẽ bị kỷ luật, nhưng không đến mức cách chức. Và hai cô không hề bị “mất uy tín” khi bị kỷ luật, bởi gia đình cháu Kiên và xã hội, không những ai cũng tha thứ cho sai sót đó, mà còn bội phục sự trung thực và thái độ thẳng thắn nhận lỗi, nhận trách nhiệm của hai cô.

Kỷ luật này chính là hình thức kỷ luật về tính không trung thực và vô cảm của hai cô. Nhìn thấy học sinh bị tai nạn, nhưng cô Ngọc không đoái hoài mà đi thẳng vào phòng. Sau đó, cô thông báo đến gia đình cháu Kiên rằng cháu gẫy chân do chạy chơi và tự ngã.

Tiếp sau, cô còn dùng cả loạt biện pháp để bưng bít sự thật, như chỉ đạo cô Hương phát “phiếu điều tra” cho toàn thể giáo viên và học sinh trong trường, rồi “đạo diễn” để 100% giáo viên và học sinh trong trường khẳng định trong phiếu rằng ngày 1/12/2016 không có chiếc xe ô tô nào đi vào sân trường.

Bị báo chí phát hiện, bị UBND quận Cầu Giấy tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng, cô còn ép buộc một số giáo viên là đảng viên viết đơn lên quận ủy, UBND quận “xin giữ cô Ngọc lại làm hiệu trưởng, nếu không, thì (chúng tôi) sẽ làm đơn xin ra khỏi đảng”.

Khổ thay, một bàn tay không che nổi mặt trời. Chính 18 giáo viên trong trường đã có đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí, vạch trần hành vi gian dối của hai cô. Và cuối cùng, chính người lái chiếc taxi chở hai cô vào sân trường hôm đó, đã lên tiếng xác nhận sự việc, và nhận trách nhiệm của mình.

Cháu Kiên là một học sinh tiểu học. Cháu đã nói thật về nguyên nhân tai nạn của mình. Thế mà tại sao hai cô giáo, những người hàng ngày vẫn dạy cháu về tính trung thực, lòng dũng cảm... lại tìm mọi cách để phủ nhận lời nói thực của cháu? Xét về nhân cách, hai cô rõ ràng là không bằng một cháu bé lớp 2. Và chính những hành vi gian dối, phản giáo dục đó đã khiến hai cô không còn đủ tư cách đứng trên bục giảng nữa.

Hình thức kỷ luật của UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy, hoàn toàn xứng với hai cô.