| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:24 (GMT+7)

10:24 - 15/10/2013

Cải cách bắt đầu từ... chỗ ngồi

Kể từ khi có nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, việc cải cách tư pháp ở ta đã tiến được một bước khá dài. Nhưng việc xây dựng một nền tư pháp hiện đại, tiên tiến, thượng tôn pháp luật vẫn đang còn ở phía trước.

Trong một phiên tòa hình sự mới đây, việc ông chánh án TAND một thành phố ra lệnh bố trí bàn cho vị đại diện VKSND ở phía dưới, ngang với vành móng ngựa và bàn của luật sư ở phía đối diện chứ không ngang với bàn của HĐXX (ở trên cao), đã khiến lãnh đạo VKSND thành phố đó bất bình.

Thế nhưng những người quan tâm đến cải cách tư pháp thì lại rất hoan nghênh. Nhất là giới luật sư, nhiều người còn coi đó là một cú đột phá.

Điều 92 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt nếu không có một bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Theo quy định đó, thì khi phải ra một phiên tòa hình sự để chịu sự xét xử, bị cáo chưa bị coi là người có tội. Họ chưa mất quyền công dân mà chỉ bị hạn chế một số quyền công dân như bị bắt tạm giam hay bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra...

Theo quy định hiện hành, trong mỗi phiên tòa hình sự, đại diện VKSND có hai quyền, thứ nhất là kiểm sát việc xét xử và thứ hai, là quyền công tố, tức là buộc tội các bị cáo bằng cáo trạng.

Còn bị cáo có quyền được gỡ tội cho mình. Quyền gỡ tội đó, bị cáo có thể tự mình thực hiện hoặc nhờ luật sư, nhờ người bào chữa giúp đỡ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Với ý nghĩa đó, thì bên buộc tội và bên gỡ tội là ngang bằng nhau về quyền.

Thế nhưng từ trước đến nay, việc bố trí bàn của KSV từ trên cao, ngang với bàn của HĐXX, đã thể hiện sự bất bình đẳng về quyền trong quá trình tố tụng. Người buộc tội từ trên cao buộc tội người gỡ tội ở bên dưới, cứ như thể tội từ trên cao giáng xuống đầu kẻ bị buộc tội.

Quá trình tranh tụng (giữa bị cáo, luật sư của bị cáo với đại diện VKS), người bị buộc tội và luật sư của họ cứ phải ngước lên cao. Vì vậy, việc đặt bàn của KSV ngang bằng với vành móng ngựa và ngang với bàn của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo không chỉ là chuyện vị trí cao hay thấp của một cái bàn.

Điều đó thể hiện sự bình đẳng trong hoạt động tố tụng tại tòa (bình đẳng trước sự thực khách quan, bình đẳng trước chân lý và sự thượng tôn pháp luật chứ không phải bình đẳng về chức vụ), thể hiện việc tôn trọng quyền được gỡ tội, một quyền rất chính đáng của bị cáo.

Nhân việc thay đổi trên, nhiều luật sư đã nêu quan điểm của mình: Trong mỗi phiên tòa hình sự, quyền xét hỏi được dành cho HĐXX cũng là một vấn đề cần cải cách. Hiện tại, chỉ sau khi chủ tọa và các hội thẩm nhân dân xét hỏi xong, đại diện VKSND và luật sư của bị cáo mới được xét hỏi nếu được chủ tọa HĐXX cho phép.

Cách làm đó đã gây hậu quả là không ít vị chủ tọa phiên tòa ngay từ đầu đã có quan điểm bị cáo có tội, và xét hỏi bị cáo theo hướng đó để chứng minh quan điểm của mình, khiến nhiều bản án thiếu tính khách quan.

Theo nhiều luật sư, quyền xét hỏi bị cáo nên được dành cho đại diện VKS, cho luật sư của bị cáo và của bị hại. Bởi vì với tư cách là đại diện cho cơ quan buộc tội, đại diện VKS phải xét hỏi bị cáo tại tòa để làm sáng tỏ căn cứ buộc tội của mình, còn luật sư thì cần xét hỏi để làm sáng tỏ luận điểm gỡ tội cho bị cáo của mình. HĐXX sẽ làm nhiệm vụ của cơ quan tài phán nhân danh Nhà nước.

Từ kết quả xét hỏi và tranh tụng của 2 bên (đại diện VKS và bị cáo cùng luật sư của họ), HĐXX sẽ đánh giá sự thuyết phục trong luận điểm của mỗi bên, từ đó có thể kết luận bị cáo có tội hay vô tội, và lượng hình một cách chính xác, khách quan hơn.

Kể từ khi có nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, việc cải cách tư pháp ở ta đã tiến được một bước khá dài. Nhưng việc xây dựng một nền tư pháp hiện đại, tiên tiến, thượng tôn pháp luật vẫn đang còn ở phía trước. 

Bình luận mới nhất