| Hotline: 0983.970.780

Cải cách, đổi mới cần mạnh mẽ, không nên làm nửa dơi, nửa chuột

Thứ Hai 24/11/2014 , 20:31 (GMT+7)

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) coi việc không tổ chức HĐND thời gian qua là một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài, "nên tuyên bố chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND và cũng không cần tổng kết gì nữa. Có tổng kết nữa các vị cũng sẽ đọc được kết quả y như kết quả hiện nay mà thôi".

“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều được học và biết rằng tỉnh, huyện mới gọi là địa phương, còn xã, phường là cơ sở. Liệu Luật tổ chức chính quyền địa phương có bao gồm xã không? Ở đây có vấn đề. Tôi đề nghị chúng ta phải làm rõ”. ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn như vậy ngay sau khi bấm nút thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, sáng 24/11.

“Ở Nhật Bản, thủ tướng có quyền giải tán hạ viện liệu chúng ta học được không? Nó không phù hợp với Việt Nam, thể chế, điều kiện chúng ta khác. Do đó tôi thấy cần phải nghiêm túc vấn đề này. Tôi ủng hộ tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ để làm sao cho người dân thực sự là chủ nhân của đất nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước” – ĐB Ngô Văn Minh nêu ý kiến.

Hiện dự án luật này còn nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn chính quyền địa phương có mấy cấp, có nên tồn tại HĐND cấp quận, thị xã, phường (xã) hay không?

Ngay nội hàm một số khái niệm cũng còn nhiều ý kiến khác nhau và ĐBQH đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại để làm rõ trước khi thống nhất trình Quốc hội biểu quyết.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng có những điểm chúng ta thể hiện chưa rõ, có lúng túng trong xây dựng các phương án trong dự thảo luật.

“Cho đến bây giờ ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có đề án thí điểm về chính quyền đô thị nhưng chưa thực hiện. Vậy mà chúng ta phải đưa vào luật những nội dung về chính quyền đô thị rất mới” – ĐB Châu băn khoăn.


ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Ngô Văn Minh phát biểu: “Trước khi thông qua Hiến pháp, đa số ĐBQH không ủng hộ chuyện bỏ HĐND. Tôi thấy đây là vấn đề hệ trọng, cái gì đã ổn định thì chúng ta nên giữ. Cái gì đổi mới thì phải thực sự đổi mới, cải cách thật mạnh mẽ, chứ không nên làm nửa dơi, nửa chuột thế này là không phù hợp”.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng dự án luật có quá nhiều nội dung đưa ra 2 đến 3 phương án. Nhất là mô hình chính quyền địa phương có đến 33/131 điều đưa ra phương án 2, phương án 3. Cho nên nói dự thảo có hay không là chưa có cơ sở. Mặt khác, có nội dung đã được Hiến pháp quy định như HĐND, nhưng vẫn hỏi chính quyền địa phương có cần có HĐND? Đề nghị tờ trình phải nói được ưu, nhược điểm của từng phương án để Quốc hội có cơ sở thảo luận.

Thể hiện quan điểm ủng hộ phương án 1 với việc không tổ chức HĐND quận, thị xã, phường, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) lập luận do đặc điểm dân cư ở đô thị đông, song chủ yếu là người nhập cư ở nhiều thành phần khác nhau với các phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống khác nhau. Các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng, xã ở vùng nông thôn.

Mặt khác, việc quản lý của chính quyền đô thị chủ yếu là quản lý ngành, lĩnh vực và điều tiết cung ứng các dịch vụ công cộng, xã hội. Nếu phân chia thẩm quyền cấp chính quyền quá nhỏ đến phường sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa cát cứ.

Trái với quan điểm này, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Luật cần quy định chính quyền gồm mấy cấp để đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Cấp chính quyền địa phương không thể nơi có, nơi không có HĐND.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) coi việc không tổ chức HĐND thời gian qua là một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài.

ĐB Sơn nói: “Tôi cho rằng lần này chúng ta nên tuyên bố chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND và cũng không cần tổng kết gì nữa. Có tổng kết nữa các vị cũng sẽ đọc được kết quả y như kết quả hiện nay mà thôi. Tôi mong rằng đến dự thảo lần sau trình Quốc hội chỉ có một phương án là chính quyền có HĐND và UBND”.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) thì đây là lần đầu tiên chúng ta hiến định định chế chính quyền địa phương mà luật pháp trước đây không có. Luật này giải quyết các vấn đề mà Hiến pháp đã mở ra, trong đó là 4 vấn đề tồn tại.

Một là địa vị pháp lý của chính quyền địa phương mà trước đây gọi là HĐND, UBND không rõ. Hai là, chưa phân định rõ công vụ, cái gì chính quyền Trung ương, cái gì chính quyền địa phương. Đây là tồn tại chồng chéo công vụ, không rõ trách nhiệm. Ba là, xu hướng chính quyền địa phương có tính tự quản. Quyền tự quản và tự chủ đó là quyền của HĐND. Bốn là, chúng ta tổ chức HĐND các cấp nhưng ai cũng thấy được hiệu quả rất thấp.

“Quý vị nói rất nhiều vấn đề về HĐND cấp huyện. Cử tri hỏi rằng một năm họp mấy ngày, một lần được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì HĐND huyện, ông Phó chủ tịch Thường trực HĐND giám sát được gì ông Chủ tịch huyện? Chúng ta nên thực tế và chúng ta xem chúng ta tồn tại hình thức gì, giải quyết vấn đề phải nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức” – ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt: Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho đến nay vẫn còn hai loại ý kiến cơ bản. Đa số các ĐBQH tán thành phương án 2, tức là giữ lại HĐND ở chính quyền địa phương như luật hiện hành. Có loại ý kiến tán thành với phương án 1, tức là tổ chức chính quyền địa phương có HĐND ở cấp thành phố trực thuộc trung ương và ở cấp cơ sở, tức là ở phường là có cả HĐND và UBND. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị nếu 2 cấp ở đô thị thì nên tổ chức ở cấp quận chứ không phải ở cấp phường. Cũng có ĐB đề nghị trong dự thảo luật cần phải nghiên cứu để quy định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương, ở các đơn vị hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất