| Hotline: 0983.970.780

"Cái duyên” đưa tôi đến Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:39 (GMT+7)

Tôi vào nghề báo rất muộn, và cũng chẳng được học ở trường báo chí ngày nào. Trong 20 năm làm báo (tính đến ngày hôm nay), có 14 năm tôi ở NNVN. Và cái duyên đưa tôi đến với NNVN, tôi sẽ nhớ suốt đời.

Tôi sinh ngày 18/4/1954. Nếu tính tuổi từ cái ngày mà bố tôi đi “rờ tờ cờ”, ngà ngà say về ngã vào giường mẹ tôi, để từ đó tôi được làm người (các cụ gọi là “tuổi ta”), thì đã quá sáu mươi năm được hai tháng. Còn nếu tính theo “tuổi tây” (Tháng một đứng trên đầu tháng chạp/Ngày ta nằm dưới đít ngày tây - Phan Bội Châu), thì phải đến 18/4/2014, tôi mới tròn một hoa giáp.

Tôi vào nghề báo rất muộn, và cũng chẳng được học ở trường báo chí ngày nào. Tức là khác với các đồng nghiệp cùng cơ quan, nếu họ làm báo bằng những gì họ học được ở trường báo chí một cách bài bản, thì tôi làm báo bằng những gì tôi nhặt nhạnh được ở đời. Trong 20 năm làm báo (tính đến ngày hôm nay), có 14 năm tôi ở NNVN. Và cái duyên đưa tôi đến với NNVN, tôi sẽ nhớ suốt đời.

Năm 1990, tôi đang học ở trường Viết văn Nguyễn Du thì một hôm nhà văn Văn Chinh (lúc đó đã làm việc ở NNVN) tìm đến, bảo:

- Ông có cái gì gửi cho báo tôi với. Hay là ông viết đi rồi đưa tôi.

- Biết viết cái gì bây giờ?

- Thích cái gì thì ông viết cái đó, cứ hay là đăng được.

Viết thì viết. Đêm đó tôi nằm suy nghĩ và gần sáng, tôi vục dậy viết một bài phóng sự, đặt tên là “Gái lỡ thì nhà quê”. Hồi ấy NNVN mỗi tuần mới có một số. Đưa cho Văn Chinh tuần trước, tuần sau báo đăng ngay. Tuần sau nữa, Văn Chinh mang đến cho tôi 60 ngàn tiền nhuận bút khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. 60 ngàn hồi ấy to lắm, bằng đúng một phần ba tháng lương của tôi (ở trường, tôi ăn cơm quán bà Ngà mỗi bữa hết có trên 2 ngàn, chén rượu ở quán bà Dung cổng trường giá 200 đồng).

Nhuận bút thế này thì viết báo kiếm ăn được. Nghĩ vậy, tôi đến NNVN chơi, biết thêm ông Trịnh Bá Ninh và một vài anh chị em khác nữa như Tiến Thắng, Hà Xuyên, Đỗ Bảo Châu... Cũng từ đó, tôi rất chăm viết cho NNVN và dần dần viết cho cả một số báo khác nữa.

Tích cóp tiền nhuận bút, chỉ mấy tháng tôi mua được cái xe đạp “Thống Nhất” mới toanh. Ở trường Nguyễn Du lúc đó mới có nhà thơ Lê Mạnh Tuấn có cái “Cúp 67” và nhà văn Tạ Duy Anh có cái “Ba bét ta”, nên hai ông thuộc “đẳng cấp” trên, cánh xe đạp là “đẳng cấp” dưới, những anh chẳng có thứ xe nào lại dưới nữa.

Cái xe đạp đã nâng tôi từ “đẳng cấp” cuối cùng lên một bậc. Không chỉ mua được xe đạp mà đến năm 1992, trước khi ra trường, tôi còn đủ tiền “nâng cấp” cái nhà nát ở quê lên thành ngôi nhà hai tầng, dù mỗi tầng chỉ có 16 thước vuông (công xây thô hồi ấy chỉ hết 1,2 triệu), nhưng nó là cái nhà 2 tầng đầu tiên trong làng.


Nhà văn, nhà báo Vũ Hữu Sự

Ra trường, tôi đi làm cho một báo khác nhưng vẫn gửi bài cho NNVN. Năm 1994, vì một lý do rất tế nhị, tôi bị kẹt ở Quảng Ngãi khi trong túi chỉ còn vài chục ngàn. Đất lạ, chưa kịp quen ai. Có cái xe “Cup” 50 cũ đấy nhưng không thể phóng ra Hà Nội hay vào Sài Gòn, vì xăng đâu mà chạy.

Đi ô tô khách cũng không đủ tiền cho cả người lẫn xe, ra ngẩn vào ngơ chẳng khác gì kiến bò miệng chảo nóng mà không biết tính sao. Số tiền vài chục ngàn cứ mỗi ngày một vơi đi, dù mỗi bữa chỉ dám ăn vài ngàn cơm bụi. Vốn hay rượu, nên mỗi khi nhìn thiên hạ nâng cốc ào ào trong các quán nhậu la liệt bên đường, tôi chỉ biết dậm chân kêu khổ.

Một buổi chiều, lang thang gần nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi, thấy hai người giông giống như ông Văn Chinh và ông Trịnh Bá Ninh từ quầy lễ tân vào một phòng, tôi lập tức đi theo, thì ra hai ông thật. Mừng không bút nào tả xiết, tôi nghĩ ngay việc phải “xoay” hai lão này một mẻ. Nghĩ là làm. Sau vài câu hàn huyên, tôi giục:

- Hai ông tắm rửa đi rồi theo tôi. Tôi mời các ông đặc sản Quảng Ngãi.

Lát sau cả ba đến một quán thịt dê. Tôi gọi một bộ “xí quách”, tức là một bộ xương dê luộc, đủ từ đầu đến chân, món này được coi là đặc sản của dân Quảng Ngãi, được dân nhậu rất khoái. Rượu rót tràn ly. Đến lúc phải thanh toán, thấy tôi bảo tôi không có tiền, hai ông phải lo. Văn Chinh cáu:

- Sao ông không nói ngay từ đầu, làm chúng tôi cứ đinh ninh là ông đãi, chẳng thằng nào mang tiền theo.

Trịnh Bá Ninh chỉ cười. Văn Chinh phải đi bộ về nhà khách lấy tiền trả. 5 giờ 30 sáng hôm sau tôi đến gõ cửa phòng hai ông (phải đến sớm vì sợ họ đi mất), bảo Trịnh Bá Ninh:

- Ông cho tôi vay 200 ngàn, rồi tôi sẽ viết bài giả nợ.

Trịnh Bá Ninh đưa cho tôi 1 tập 100 tờ tiền có mệnh giá 2.000 đồng 1 tờ. Có tiền ăn và tiền mua xăng, tôi dông cái “cúp” rách từ Quảng Ngãi ra Hà Nội, tìm đến cơ quan trong bộ dạng gần như thằng ăn mày.

Mấy ngày sau, tôi viết 3 bài phóng sự để trả nợ NNVN, giờ chỉ nhớ được 1 bài có tên là “Vốn tự có”, còn 2 bài kia quên mất .Sau đó tôi viết liền mấy truyện dài kỳ gửi NNVN, mỗi truyện từ 10 đến 12 kỳ. Truyện nào cũng thế, chỉ cần đăng kỳ đầu là tôi đến gặp chị Chè (vợ nhà thơ Hoàng Trần Cương, thủ quỹ của báo) xin vay hết những kỳ còn lại. Nhuận bút hồi ấy đã được nâng lên, thường từ 100 đến 120 ngàn/kỳ. Tiền bạc lại rủng rỉnh.

Năm 1996-1997, sự kiện Thái Bình nổ ra. Một hôm vợ tôi gọi điện lên, khóc lóc:

- Họ viết lên tường nhà ta rằng anh tham nhũng. Em sợ lắm. Anh về xem thế nào.

Tôi vội phi về. Xã tôi là 1 trong 3 xã trên cả tỉnh “không có chuyện”, nhưng không khí trong xã cũng đang nóng sôi sùng sục. Trên tường nhà tôi quả có mấy chữ viết bằng than nguệch ngoạc: “Nhà thằng tham nhũng”. Điên tiết, tôi lấy than viết luôn một dòng bên dưới: “Bố mày mà tham nhũng được thì bố mày đã đ. xây cái nhà bé thế này”.

Rồi mọi chuyện cũng qua. Bây giờ, cạnh những ngôi nhà chất ngất trong làng, nhà tôi trông chỉ như một cái chuồng gà không hơn không kém.

Khoảng giữa năm 1998, Tổng Biên tập báo NNVN Lê Nam Sơn gọi tôi đến:

- Bây giờ trên yêu cầu viết về sự kiện Thái Bình như một bài học. Chú có viết được không?

Lặn ngụp ở tỉnh lúa 1 tuần, tôi hoàn thành thiên phóng sự 5 kỳ, mang lên đưa trực tiếp cho ông Lê Nam Sơn. Chờ cả tuần tiếp không thấy đăng, lên hỏi, ông bảo rằng bài viết rất được, lại kín kẽ, ông đã đưa cho một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp đọc để xin ý kiến. Nhưng đọc xong, vị lãnh đạo bảo: “Tôi không biết, các cậu đăng thì các cậu chịu trách nhiệm”.

Lại một tuần nữa thấy báo vẫn im ắng. Dò hỏi, tôi mới biết khi được ông Tổng Biên tập đưa đọc để cho ý kiến, một vị trong Ban Văn hoá-Tư tưởng giữ luôn. Tiếc công, tôi nhất định đòi Lê tiên sinh phải trả tiền. Không ngần ngừ, ông Lê Nam Sơn duyệt trả luôn cho tôi 1.250.000 đồng, dù bài báo không bao giờ đến được với bạn đọc. Cầm số tiền trên, tôi đi uống một bữa rượu bí tỉ, cũng chẳng biết mình vui hay buồn nữa.

Cuối năm ấy, tôi quyết định xin chuyển hẳn về NNVN. Đọc đơn của tôi xong, Tổng Biên tập Lê Nam Sơn bảo đưa sang cho ông Trịnh Bá Ninh, Phó Tổng biên tập ký tiếp nhận.

Và chính ở tờ báo này, tôi mới có điều kiện để phát huy hết được những gì mình có.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất