| Hotline: 0983.970.780

Cái xứ thiệt kỳ!

Chủ Nhật 26/01/2014 , 10:30 (GMT+7)

Lần đầu tiên dự lễ hội làng tre, ăn bánh dân gian, nghe hát quan họ giữa Bình Dương mới thấy giang sơn yên bình thì đời còn biết bao nhiêu điều đẹp hơn nữa…

Tháng mười một không có dịp về làng tre Phú An, huyện Bến Cát khi các họa sĩ khoa học từ Pháp về đây vẽ tranh, bán lấy tiền hỗ trợ trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á này. Lần đầu tiên dự lễ hội làng tre, ăn bánh dân gian, nghe hát quan họ giữa Bình Dương mới thấy giang sơn yên bình thì đời còn biết bao nhiêu điều đẹp hơn nữa…

Thong thả đếm bước trong khu bảo tồn, thực ra không thể nào đếm hết 350 giống tre, nhiều giống chưa nghe bao giờ: Tre vuông, mai ống, tre vàng sọc (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), hóp lớn, tre mét (Hà Tĩnh), tre bông (An Giang)... TS Diệp Mỹ Hạnh, người sáng lập làng tre bạc tóc vì khu bảo tồn này. Nhưng phải thừa nhận lũy tre làm sống dậy biết bao suy nghĩ.


TS Diệp Mỹ Hạnh (không đội khăn), người sáng lập làng tre Phú An

Những nhà thiết kế nội thất nhìn tre theo hướng khai thác vật liệu để tạo việc làm và sản phẩm độc đáo, những nhà chế biến nước hoa của nước Pháp cũng vào cuộc với sản phẩm nước hoa từ tre. Sức sống làng tre đã có nhiều màu sắc hơn.

Những dân làng nói 12 năm trước, trên mảnh đất Phú An, ban đầu mọi người cứ nhìn TS Hạnh cùng các học trò mày mò sưu tập, phân loại giống, loài tre. Đến khi biết người phụ nữ này phải đi dạy trong và ngoài nước lấy tiền trang trải mọi thứ để khu sinh thái tre ra đời, và các tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán một số nước còn tài trợ ý tưởng này thì tại sao mình đứng ngoài?

Năm 2004, chính quyền vùng Rhones Alpes, Pháp hỗ trợ 600.000 euro để làng tre ra đời, tỉnh Bình Dương tuyên bố cấp 10 ha đất để Phú An có trung tâm bảo tồn tre. “Làng Phú An hoàn toàn có thể phát triển lên tầm cỡ như trung tâm bên Pháp để trở thành một khu bảo tồn lớn về tre của châu Á. So với Bogor (Indonesia) và Singapore thì đây là trung tâm bảo tồn về tre lớn nhất ở Đông Nam Á”, TS Gabriel de Taffin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về nông nghiệp CIRAD ở khu vực Đông Nam Á, nhận xét.

Thế giới bắt đầu biết làng tre qua giải thưởng Xích đạo Equatorial 2010 về những sáng kiến biến khu “Tam giác sắt” với hình ảnh khốc liệt của chiến tranh thành “Tam giác xanh”, công lớn trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng của TS Hạnh.

Bà Hạnh nhìn GS Bouakhaykhone Svengsuksa hay ông giáo Jacques Gurgand, với đôi mắt biết ơn, nói: Nếu không có những người này sẽ không có làng tre Phú An. Thầy có mặt từ đầu ở làng tre giúp làm dự án hợp tác, lần theo những khu rừng để sưu tập, nghiên cứu định danh tre và thiết kế hệ thống tưới nuôi dưỡng từng mụt măng để chúng trưởng thành.


Đường vào làng tre Phú An

Nghiên cứu cách dùng tre để lọc kim loại nặng (cây Lantana camara), nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ tre, dùng tre làm vật dụng thay thế hàng nhựa, nilông gây hại cho môi trường... TS Hạnh vừa nghiên cứu vừa chia sẻ, hướng dẫn các sinh viên cao học nghiên cứu các đề tài về tre. Bà chứng minh trồng tre không hư đất.

Đã có những lần làng tre tơi tả sau cơn bão, TS Hạnh nói có những lúc gần như tuyệt vọng vì kinh phí eo hẹp, thiếu thốn phương tiện; nhưng lạ thay từ đó mọi người lại tự tìm đến, đưa phương tiện để cùng cứu làng tre. Một ông Trung “tre”, rồi vài nhà hảo tâm, tới những người dân trong làng… hỗ trợ bên cạnh sự chia sẻ của Trường Đại học Paris XI, Grenoble, bảo tàng Thiên nhiên quốc gia (Pháp) để thế giới cảm nhận một Việt Nam hồn hậu qua lũy tre làng.

Cây tre – biểu tượng của Quân tử trong câu chuyện làng tre và người phụ nữ từ Pháp về nặng gánh lo toan để có một ngôi làng sinh thái ra đời. Sự đam mê đang nhen nhóm, truyền lửa tới những lớp học để tiếp tục gieo ước mơ xanh cho học sinh tiểu học, ươm mầm suy nghĩ về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, kỹ năng sống thích ứng với biến đổi khí hậu...

* * *

Cũng từ Pháp, năm nay ông Henri về Việt Nam hai lần để trợ giúp 4 bạn nhỏ - con nhà nghèo hiếu học và dành thời gian lắng nghe những trải nghiệm của người chấp nhận “nằm gai nếm mật” này.

Một gia đình 6 người ở Lấp Vò, Đồng Tháp, hình ảnh người cha tay phải làm ruộng, tay trái thợ hồ, mẹ bán rau ở chợ xã, nuôi bà nội 82 tuổi và 3 đứa con học xa nhà… Cố gắng hết sức để gửi cho các con 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại lam lũ và một tương lai chưa biết hên – xui! Nhưng đó là mái ấm ươm mầm cho một dược sĩ, 2 bác sĩ tương lai.

Nhật Hoàng, anh cả học năm cuối ngành dược, tự nguyện nhường suất trợ giúp cho em nếu trong 3 Henri chọn 1. Cậu sinh viên con nhà nghèo, điềm đạm và chịu đựng nói rằng hai công ty mà cậu hướng đến là Imexpharm và Domesco, nếu được một việc làm ở bộ phận sản xuất hoặc hóa nghiệm là may mắn rồi.

Nhưng người ta nói có khi xin vào công ty sẽ khó hơn xin vào bệnh viện huyện. Nhật Huỳnh, Như Ý đang theo học năm thứ 4 và năm thứ 2 chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, nhìn anh và lo nghĩ nhiều về việc làm để sớm giảm áp lực đè nén lên người cha. Cô gái út Như Ý nói: “Em theo học ngành Tai – Mũi – Họng, vì chính em biết nếu bị bệnh thì khổ sở tới mức nào!”.

Cùng nhận món quà nhỏ hàng năm từ ông Henri, Thảo cũng ở Lấp Vò, có một gia đình lận đận khi cha mất sớm, mẹ một thân cò lặn lội nuôi con. Ngoài giờ học, 5.000 đồng trả công 1 giờ phụ việc ngoài chợ, Thảo xem đó là may mắn để giảm gánh nặng cho mẹ đang nặng trĩu để 3 chị em đến trường. “Bên Pháp, có những ngày hội, những người Việt xa xứ, quyên góp để trở về”, ông Henri nói.

Henri sang Pháp du học từ trước 1975, lấy bằng tiến sĩ tại Pháp, làm việc trong ngành hạt nhân một thời gian dài. Điều ông quan tâm, cũng giống như mọi người trên trái đất này khi nói về phản ứng hạch tâm - đó là sự an toàn và những giá trị của công việc xử lý chất thải.

Đối với một người làm việc trong những lò phản ứng hạt nhân không biết nghiêm ngặt thế nào mà ông Henri nói rằng “Bây giờ được ngồi giữa trời nói chuyện đời là sướng lắm rồi”.


Những người sống bằng nghề truyền thống gắn bó với tre

Tôi kể cho Henri nghe những công việc tổ chức tuần văn hóa và hội chợ EXPO tại Nhà Tròn và gửi bài về cho NNVN. Hình ảnh “Ông Tây nước mắm” Didier Corlou, lúc đó là bếp trưởng khách sạn Sofitel Metropole (Hà Nội), người Bretagne (Pháp), gây bất ngờ với nước mắm cục và tinh dầu ngò gai.

Người mang nước mắm lên máy bay “danh chánh ngôn thuận” cũng chính là Corlou. Con người tinh tế và hóm hỉnh này học cách làm nước mắm nhà thùng và phát hiện những hột muối trải qua giai đoạn tan chảy rồi kết tinh khi cá ướp trở thành nước mắm.

Hàng Việt Nam có ở Pháp không? Công bằng mà nói là có nhưng chưa đủ ấn tượng. Ông Henri trăn trở: “Tôi đã mua đôi giày đẹp cho tới bây giờ. Hôm đó tôi nhìn thấy nó trong tiệm, đang khuyến mãi, coi lại thấy làm tại Việt Nam. Tại sao mình làm theo mục tiêu của Nike, Converse..., của những nhãn hàng khác mà không làm cho mình được?".

“Đối với người Pháp, trước đây tất cả những gì từ châu Á qua đều có ấn tượng tốt. Nhật, Hàn Quốc là điển hình. Còn người Việt mình có sức sáng tạo”, ông Henri lên dây cót cho hàng Việt: “Chúng ta dư sức cạnh tranh, tại sao lại mặc cảm, tại sao sợ thua kém”.

Lúc đầu người Pháp nói xe của Hàn Quốc là xe nhà nghèo, dành cho dân cày bừa nhưng 4 năm sau, sơ ri thứ ba có nhiều cải tiến. Người tiêu thụ thấy giá rẻ, đẹp mắt, đúng sở thích và không phải thêm tiền mới có đủ trang bị như mua xe Pháp, Đức, Nhật. 20 năm sau, châu Âu phải thừa nhận Hàn Quốc đã đạt tiêu chuẩn xe Nhật, vượt qua xe Pháp và bán bằng giá xe Pháp. Tại sao họ làm được? Henri (Trần Chương), người “mỏng dánh” hào hứng nói về vị thế hàng Việt.

* * *

Câu chuyện của những người đã bạc đầu sống đời viễn xứ trở về, có khi là ước mơ xanh như TS Mỹ hạnh hay những món quà khuyến học, là lời khuyên doanh nhân đầu tư và chịu đựng kham khổ trong mấy năm đầu của Henri. Những câu chuyện va chạm vô tình vào nỗi lo việc làm đang canh cánh như nhà anh em Nhật Hoàng.

Đó là chuyện thường ngày ở một nơi luôn được tưới mát bằng ngôn ngữ “Quốc gia thu nhập trung bình”!

Tôi hỏi một người bạn về cơ hội tìm việc ở một trong hai nơi mà Nhật Hoàng đang ước ao được làm việc sau khi ra trường. Người này đi ngược về xuôi để tìm chỗ đứng cho hàng hóa của công ty mình tại Myanmar và mục tiêu mong đợi 1 triệu USD/ năm. Cũng chừng ấy kim ngạch xuất khẩu khi tiến vào Indonesia - thị trường triển vọng. Câu trả lời thực tế nhất là “Nộp đơn, chờ đợi và sẵn sàng chấp nhận câu trả lời YES/NO, đồng nghĩa với hên – xui".

Cái xứ thiệt kỳ, chất chứa, rơi vãi những nghịch lý và không thiếu chuyện phiền lòng, nhưng sao nó vẫn khiến người viễn xứ trở về. Ngày Tết lại càng nôn nao.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.