| Hotline: 0983.970.780

Cảm động tấm lòng ân tình với người dưng, 'lá rách đùm lá nát'

Thứ Sáu 09/12/2016 , 14:15 (GMT+7)

Một mình, sống nhờ trên rẻo đất hẻo lánh ở cuối ngôi làng nằm sát những dãy núi thuộc xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ, Bình Định), cơ cực bủa vây, nhưng tấm lòng nhân hậu của cụ bà Nguyễn Thị Điệu (77 tuổi) từ lâu đã trở thành câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương.

Lá rách đùm lá nát

Đi đến đâu tôi cũng nghe người dân ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) kháo nhau câu chuyện: Có 1 cụ bà tuổi đã gần 80, nhà không có để ở, phải dựng tạm túp lều trên khoảnh đất trồng rừng sản xuất của 1 người dân địa phương tá túc qua ngày.

Nhưng suốt nhiều năm nay bà đã nuôi nấng, chăm sóc 1 cụ ông chẳng bà con họ hàng gì, là “người dưng nước lã” thực thụ, lại lang thang cơ nhỡ và tật nguyền “đeo” đầy người như nuôi chính cha ruột của mình. Trong khi bà chẳng có của ăn của để gì.

1172559106
Cụ Điệu nấu ăn trong căn bếp chật hẹp
 

Khi còn trẻ, bà làm thuê làm mướn kiếm từng đồng mua mắm mua gạo về lo cho người cha nuôi của mình. Khi già, không còn lao động được nữa, phải sống nhờ vào tấm lòng từ thiện của bà con chòm xóm, bà vẫn nuôi nấng chăm sóc người cha nuôi chu đáo.

Thú thật, nếu không có người địa phương dẫn đường chắc chắn tôi sẽ không tìm ra nơi bà Điệu đang ở. Chiếc xe máy quanh qua cua lại không biết bao nhiêu vòng tôi mới tìm đến nơi cần tìm. Căn nhà của bà dù đã được bà con chòm xóm gom góp xây cho vách gạch, mái ngói nhưng vẫn chật chội và thấp lè tè. Tuy nhiên, với bà như thế là “sang” lắm rồi.

Với giọng nói của người gốc Huế pha tiếng Bình Định, bà Điệu bộc bạch: “Không có chỗ để ở, tui làm liều dựng tạm mấy cây cột, lợp mấy tấm tranh trên mảnh đất trồng rừng của người ta để ở. Thấy cảnh khổ của tui, chủ đất không nỡ đuổi, họ cho tui ở đến khi chết thì lấy lại trồng trọt. Thấy căn nhà ọp ẹp có thể sập bất cứ lúc nào, bà con chòm xóm thương tình giúp cho ít gạch, ít ngói làm nên căn nhà này”.

Cụ Điệu nhớ lại, ngày xưa, lúc mới 14 tuổi, vì gia cảnh nghèo khó nên bà bỏ quê theo 1 đội xây lắp chuyên xây dựng công trình thủy lợi nấu ăn cho công nhân. Đội xây lắp làm công trình đến đâu bà theo đến đó.

2172559324
Căn nhà ọp ẹp của cụ Điệu trên rẻo đất trồng rừng của người địa phương
 

Đội xây lắp vào đến Bình Định, xây dựng đập Lồi nằm trên địa bàn thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, ở đây bà gặp người đàn ông tật nguyền, lang thang cơ nhỡ và bà đã nhận làm cha nuôi rồi đưa về nhà chăm sóc từ đó đến nay.

“Một hôm, đang nấu ăn cho anh em công nhân trong đội xây lắp thi công đập Lồi thì tui thấy 1 người đàn ông quần áo rách tả tơi đi từ trong rừng ra. Thấy tôi đang nấu cơm, ông xin ăn vì đói quá. Hỏi ra mới biết ông không biết mình có gia đình không.

Ông chỉ còn nhớ tên mình là Trần Văn Cầu, quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Ông lang thang xin ăn trong tình trạng bệnh tật đầy người. Dù còn trẻ, chỉ hơn tui 30-40 chục tuổi nhưng đầu thì ngoẹo, tay thì xụi, chân thì dẹo nên không làm lụng gì được, thấy thương lắm. Tui cũng lạc mất quê hương, đang sống một mình, chưa chồng con gì nên quyết định đưa ông về nuôi để đỡ nhớ cha nhớ mẹ”, bà Điệu nhớ lại.

Xa quê lâu đến nỗi bây giờ cụ Điệu không còn nhớ quê mình thuộc làng nào của huyện Phú Vang (Huế). Sau khi hoàn thành công trình đập Lồi, bà không đi theo đội xây lắp nữa mà “định cư” tại xã Mỹ Hòa, hết mua gánh bán bưng đến làm thuê làm mướn chăm sóc người cha nuôi tật nguyền.
 

Tấm lòng gặp tấm lòng

Thời điểm cụ bà Nguyễn Thị Điệu đã già, không còn sức chạy chợ và làm thuê làm mướn nữa, bà ở nhà nuôi vài chục con gà kiếm thu nhập để nuôi người cha nuôi tật nguyền đã yếu lắm rồi.

3172559511
Mỗi khi ai nhắc đến người cha nuôi là cụ Điệu khóc ồ
 

Xoay xở cuộc sống ngày nào được thì xoay, cụ Điệu không bao giờ dám nghĩ đến ngày mai, bởi 2 cha con bà có tương lai đâu mà nghĩ. Vậy nhưng trời thương, cách đây 9 năm, trong một dịp lên rừng hái cây rừng về làm thuốc Nam, chị Đoàn Thị Dung ở xóm 4, thôn Hội Khánh tình cờ chứng kiến cảnh sống cơ cực của cha con cụ Điệu.

Biết chuyện người đàn bà tha hương này đã bất chấp sự nghèo khổ nhận người đàn ông lang thang cơ nhỡ, tật nguyền làm cha và đưa về nuôi nấng tử tế, chị Dung thấy động lòng, muốn bảo bọc cuộc sống của họ. Về nhà kể chuyện với chồng, không ngờ người chồng cũng đồng điệu với tấm lòng vợ nên từ đó đến nay, vợ chồng chị Dung là người lo lắng mọi điều cho cuộc sống của cha con cụ Điệu.

Không kể mưa gió lụt lội, cứ cách 7 ngày là vợ chồng chị Dung lên thăm cha con cụ Điệu 1 lần. Khi thì bịch gạo, chai nước mắm, lúc thì thùng mì tôm, gói bánh ngọt. Khi cụ Điệu còn khỏe, chị Dung đưa tiền để cụ đi chợ hằng ngày. Đến lúc cụ Điệu già yếu, tiền chợ chị Dung gửi cho những người hàng xóm với cụ Điệu đi chợ dùm.

“Mùa hạn hán, các giếng nước trong làng đều cạn kiệt, anh Hưng (chồng chị Dung) phải vác bình đi xin nước, cách 3 ngày chở lên 1 lần để cha con cụ Điệu có dùng. Trời thương, cha con cụ Điệu không hề đau yếu, cảm xoàng mua vài liều thuốc uống là bớt ngay”, chị Dung kể.

4172559774
Chị Dung thường đến thăm hỏi cụ Điệu
 

Cha con cụ Điệu không chỉ được vợ chồng chị Dung chăm lo về miếng ăn, thức uống mà còn cả về đời sống tinh thần. Căn nhà của cụ Điệu được trang bị đầy đủ máy quạt, tivi, máy đài; dù chỉ là những chiếc máy cũ nhưng cha con cụ Điệu rất quý, nhất là khi 2 người đều đã già yếu không còn đi đâu được, chúng là cả thế giới trong nhà nghèo nàn.

 “Để kéo điện vào đến nhà cụ Điệu, tôi phải đi Quy Nhơn xin ông anh 6 triệu về mua dây, thuê thợ kéo điện vào nhà”, chị Dung nói.

Trong sự đùm bọc của vợ chồng chị Dung và sự chăm sóc tận tình của cụ Điệu, cụ Cầu sống đến 102 tuổi, được Chủ tịch nước tặng Thiếp mừng thọ 100 tuổi.

“Cụ Điệu luôn hết lòng chăm sóc cha nuôi, được bà con hàng xóm cho món gì ngon bà đều để dành cho cụ Cầu ăn. Có ai hỏi thì bà bảo đã ăn rồi, nhưng cả làng ai cũng biết bà luôn nhịn ăn để dành cho cha. Khi cụ Cầu mất, mỗi khi ai nhắc đến người cha nuôi là cụ Điệu khóc ồ”, chị Dung kể thêm.

Cụ Cầu tuy có cuộc sống yên bình với người con nuôi, nhưng trong lòng cụ luôn canh cánh về nơi chôn nhau cắt rốn. Có lần cụ Cầu kể chuyện đời mình cho vợ chồng chị Dung nghe: Ngày xưa cụ đi chăn bò cho 1 gia đình nhà giàu để kiếm cơm, khi chiến tranh xảy ra, cụ bị gia đình nhà giàu nọ bỏ rơi nên lâm cảnh lang thang.

Đã có lần vợ chồng chị Dung về tận xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) tìm người thân hộ cho cụ Cầu. Lần ấy vợ chồng chị Dung đưa về cho cụ Cầu mấy người cháu, buổi sum họp mừng mừng tủi tủi. Dịp ấy, những người cháu hứa sẽ đưa cụ Cầu về quê, nhưng rồi không thấy còn ai lên xuống thăm cụ Cầu lần nào nữa. Năm ngoái (2015), cụ Cầu mất trên mảnh đất ở nhờ và được người con nuôi an táng.

517260082
Cụ Điệu bên bàn thờ người cha nuôi
 

Những ngày cuối đời, cụ Điệu cũng bỗng dưng nhớ quê da diết. Mấy năm trước, có một bệnh nhân ở Huế vào bốc thuốc chữa bệnh thận do chị Dung làm, chị mở lời nhờ khi về Huế tìm dùm gia đình cụ Điệu. Dù từ TP Huế đi về huyện Phú Vang khá xa, nhưng người bệnh kia cũng tìm ra gốc tích của cụ Điệu, và hứa nếu cụ Điệu muốn về quê đích thân ông sẽ đưa về gặp người thân.

“Nhìn thấy cụ Điệu sống những ngày cuối đời trong nỗi nhớ quê, lòng tôi thấy xót xa lắm. Cụ hay bảo khi còn ở quê tên cụ là Diệu, khi vào định cư ở đây làm giấy khai sinh lại mới có cái tên Điệu. Tôi mong, nếu người thân muốn tìm cụ thì liên lạc qua số điện thoại của tôi là 0976467461”, chị Đoàn Thị Dung nói tha thiết.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất