| Hotline: 0983.970.780

Cảm động về tình bạn, tình người tốt đến mức khó tin

Thứ Ba 03/10/2017 , 15:10 (GMT+7)

Chữa chạy mấy năm ròng từ tây y sang đông y rồi lại phục hồi chức năng đến ông lang này, bà lang nọ, ai mách gì người nhà đều chở em đi cầu may nhưng cuối cùng cũng không thể cứu được đôi chân...

Tình bạn cao cả

Phạm Thị Lý (thôn Đỗ Xá, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là con út trong một gia đình có ba chị em. Mồ côi cha từ năm mới 5 tuổi nhưng em vẫn nuôi ước mơ được bước vào giảng đường Đại học Sư phạm cho đến khi một tai nạn giao thông cướp nốt đi người mẹ, lúc ấy Lý mới 18 tuổi.

Vốn bị bệnh tim từ nhỏ nên cú sốc này khiến cho cơ thể Lý suy nhược, mắt em bị mờ đi. Tình cờ đi khám mắt em mới hay rằng mình bị bệnh tim nặng đến mức phải mổ ngay lập tức. Sau ca phẫu thuật được đánh giá sống được đã là may rồi ấy Lý bị biến chứng, tắc mạch máu từ thắt lưng trở xuống khiến cho cả hai chân đều bị bại liệt.

Chữa chạy mấy năm ròng từ tây y sang đông y rồi lại phục hồi chức năng đến ông lang này, bà lang nọ, ai mách gì người nhà đều chở em đi cầu may nhưng cuối cùng cũng không thể cứu được đôi chân. Hai năm đầu bị liệt Lý không ngồi được đã đành mà còn không thể tự chủ nổi cả công việc vệ sinh. Chị gái rồi bà ngoại trở thành những người ngày đêm chăm sóc em. Đến khi bà ngoại mất đi, chị gái lấy chồng thì Lý trở thành một người vừa tàn tật vừa đơn côi. Khi ấy, Đỗ Thị Thu - cô hàng xóm tốt bụng nhà kế bên kém mấy tuổi thấy hoàn cảnh Lý đáng thương quá liền xin bố mẹ sang ở cùng suốt mấy năm học cấp ba để đỡ đần cơm nước.

10-12-28_dsc_9553
Thu đang cõng chị Lý trên lưng

Lúc Thu đi học may 2 năm trên Hà Nội thì lại có nhiều người đến với em, cả họ hàng lẫn bạn bè mà nhất là một chị ở trọ tại ngay nhà để giúp Lý. Từ nấu ăn, bưng bô đến tắm rửa, giặt giũ cho em họ cũng không nề hà. Sau 2 năm học trên Hà Nội, Thu lại trở về với Lý và trở thành đôi chân của em.

Thu cõng chị hàng xóm trên lưng trong các sinh hoạt đời thường hay buộc chân chị vào hai cái gác chân của xe máy rồi đi theo đến những trung tâm phục hồi chức năng, hết ở Hà Nội đến các tỉnh để cơm nước, thuốc thang chuyên cần sớm tối. Mỗi dịp như thế, ngắn thì cũng mất 1 tuần còn dài khi nhiều cả tháng. Thu lại động viên để Lý tập ngồi, tập đi lại bằng hai thanh tre. Hàng chục năm ròng rã như thế cho đến mấy năm gần đây thì Lý mới thôi nuôi hi vọng rằng mình có thể đi lại được, chấp nhận thân phận bị bại liệt.

Cũng có một hai chàng trai vì cảm mến nghị lực mà tìm đến nhưng Lý luôn lảng tránh, thu mình vào trong cái vỏ ốc đơn côi do chính mình tạo ra. Cánh cửa tình yêu đóng sập nhưng em lại mở ra cho mình một cánh cửa hạnh phúc khác bằng cách giúp đỡ cho mọi người.

Tuy không thể đi lại được nhưng Lý có thể làm được tất cả mọi việc như người bình thường.

Lúc này Thu lại cùng Lý đi xuống Bắc Ninh để xin việc trong một công ty may dành cho người khuyết tật nhưng bị từ chối vì không có hộ khẩu đành lủi thủi về nhà dán hộp thuốc hay trông quán internet.

Tình cờ chị Nguyễn Thị Lan người đến nhà Lý trọ ngày nào nay lại gửi con là Trịnh Thị Quỳnh Anh cho em trông. Quỳnh Anh năm ấy vừa vào lớp 1, thỉnh thoảng gặp phải bài khó vẫn cậy Lý chỉ bảo.

Nhờ những chỉ dẫn ân cần mà cháu tiến bộ nhanh trông thấy, trở thành người học trò đầu tiên cũng là người con nuôi đầu tiên của mẹ Lý.

Thấy Lý dạy kèm học sinh có chuyển biến tốt nên nhiều người trong làng, trong xã liền dẫn con, dắt cháu đến nhờ em dạy. Người nọ mách người kia, lớp học của cô giáo Lý lúc đầu chỉ có 1-2 học sinh về sau đông tới 20 cháu.

Cô dạy cả 5 lớp của cấp 1 chung một phòng. Học lớp 1, lớp 2 thì tập viết chữ còn lớp 3, 4, 5 thì tập làm toán, làm tiếng Việt. Lúc thì cô lết người để giảng toán cho nhóm này, khi lại lết người bày tiếng Việt cho nhóm kia.

10-12-28_dsc_9516
Chị Lý dạy học cho các em nhỏ

Vất vả là thế nhưng cô không lấy tiền học phí của bất cứ ai nên phụ huynh chỉ tự giác đóng thêm chút tiền điện, tiền giấy phụ cô, người nào đưa quá là cô tự ái bảo: “Em đã có tiền trợ cấp cho người tàn tật tháng được 1 triệu đồng rồi, anh chị cất tiền đi để mua sách vở cho cháu”.
 

Người không con mà có 7 con

Trong số hơn 100 học sinh được rèn rũa qua bàn tay cô giáo Lý từ trước đến nay có 7 cháu đã trở thành con gọi Lý là mẹ. Đó là những đứa trẻ mà Lý vừa chăm sóc tắm giặt vừa cho ăn dạy dỗ gồm Lương, Nhi, Trang, Sơn, Thiện, Linh, Tân. Phần đa chúng là con của hàng xóm láng giềng trong đó có cả cô bạn kém tuổi tên Thu.

Lúc tôi đến bé Thiện và bé Linh đang được Lý tắm chung trong một cái chậu. Chúng không ngừng nô đùa, vẩy nước vào nhau, vẩy vào cả người mẹ nuôi rồi nắc nẻ cười. Thiện được Lý chăm từ trong trứng chăm đi, thân thiết đến nỗi mẹ đẻ không cho ăn, không dỗ ngủ được nhưng mẹ Lý bảo lại răm rắp nghe theo. 30 Tết nó về nhà mẹ đẻ nhưng sáng 1 đã tót sang với Lý rồi bởi: “Hôm qua ăn cơm ở nhà mẹ Phàn hôm nay phải ăn cơm ở nhà mẹ Lý chứ?”.

10-12-28_dsc_9538
Lý đang tắm cho Thiện và Linh

Trong nhà Lý một tủ quần áo, một giá sách trẻ con luôn đầy ăm ắp để dành sẵn cho 7 đứa con nuôi. Buổi trưa thường có 8 mẹ con ăn với nhau, buổi tối chỉ còn 6 nhưng lại có thêm 2 người lớn là vợ chồng của cô hàng xóm tên Thu. Ngày nào cũng thế trong suốt nhiều tháng, nhiều năm họ đều góp gạo thổi cơm chung dưới một mái nhà như vậy…

Hôm nay Lý mới bị bỏng một vệt do nước sôi bắn vào chân nên cả 7 đứa con thương mẹ lắm. Lớn hơn nên Trang đã biết giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo còn Lương thì giúp trợ giảng cho các em. Buổi tối chúng cũng ngủ luôn ở nhà mẹ, không chịu về. Lương đã ở nhà mẹ Lý được 6 năm còn Trang cũng ở được 2 năm nay và đều là những học sinh giỏi của trường.

Khi tôi hỏi người mẹ có 7 đứa con nuôi về chuyện thiện nguyện của mình thì Lý cười và xua tay: “Nhiều người làm được những việc còn to tát hơn nhiều chứ việc của em nào có đáng gì đâu anh?”.

Trong đàn con 7 đứa ấy Thiện bé bỏng, út ít gần nhất nhà nên bình thường cũng hay nhõng nhẽo lắm! Ngày nào không thơm, không ôm được mẹ Lý một cái là nó cứ ngọ nguậy không chịu ngồi yên. Có lắm bận đi chơi nhà ông ngoại, được ăn cỗ nhưng cứ chốc chốc Thiện lại giật áo mẹ: “Mẹ Phàn (mẹ đẻ của cháu) ơi cho con về, con nhớ mẹ Lý lắm rồi!”.

Nhiều tối ở với mẹ đẻ nó cũng đòi phải gọi điện sang để nghe giọng mẹ Lý mới chịu ngủ. Nhưng mấy hôm nay thì Thiện đã ra dáng đàn anh lắm, nó luôn miệng hỏi: “Mẹ ơi, mẹ đã hết đau chưa? Con xoa chân cho mẹ nhé!”. Mồm nói, bàn tay nhỏ xíu của nó day day vào đùi rồi cái miệng xinh xắn như một nụ hồng hàm tiếu của nó hát cho mẹ nghe những bài mà mẹ vẫn hát ru nó mọi khi như "Con cò mà đi ăn đêm", "ABC song"…

Nhìn cảnh tượng âu yếm đó, chị Nguyễn Thị Phàn mẹ ruột của ba người con nuôi gồm Lương, Trang, Thiện nở nụ cười thật tươi, luôn miệng khen con hiếu thảo. Chị bảo chồng làm lái xe, còn bản thân làm công nhân nên bận rộn cả ngày. Trước đây mỗi khi về nhà là thấy đàn con nheo nhóc, mặt mũi tèm lem, ngủ vạ ngủ vật nên gửi hai đứa đầu sang cho mẹ Lý trông giúp.

Thấy chúng ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, người ngợm thơm tho, học hành tiến bộ nên chị mừng lắm, xin được góp gạo thổi cơm để cả nhà ăn cùng với mẹ Lý. Đó cũng là thời điểm mà Phàn đang bụng mang dạ chửa được 6 tháng. Thằng Thiện ở nhà mẹ Lý từ trong trứng nước là như vậy đó.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm