| Hotline: 0983.970.780

Cám gạo... thân thiện môi trường

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:09 (GMT+7)

Là học sinh lớp 11 nhưng Đạt đã chế tạo thành công nước rửa chén, bát thân thiện với môi trường và con người từ cám gạo...

Em Đạt thực hành pha chế nước cám gạo để rửa bát

Đam mê nghiên cứu khoa học, em Đặng Quốc Đạt, học sinh lớp 11 A1, Trường THPT Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã thành công với đề tài chế tạo nước rửa chén, bát thân thiện với môi trường và con người từ cám gạo. Với đề tài này, cậu học trò quê sông Lục núi Huyền đã ẵm liền 3 giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Chúng tôi tìm đến nhà Đạt đúng lúc em vừa tan trường về. Cất chiếc cặp vào góc học tập, em rót nước mời khách. Cách nói chuyện dí dỏm, thông minh, hoà đồng với đôi mắt to sáng đã nhanh chóng chiếm cảm tình của người đối diện. “Từ đâu mà em có ý tưởng dùng cám gạo để chế thành nước rửa chén, bát?”, tôi hỏi.

Vẻ trầm ngâm, em kể: Không ít lần em chứng kiến nhiều nhà hàng xóm sau khi lo xong đám cưới hoặc đám tang thì gà, lợn, cá chết hàng loạt. Thấy vậy, mọi người nghĩ là do vật nuôi ăn quá nhiều thức ăn nên bị bệnh đường ruột mà chết. Nhưng em nghĩ, gà thì chúng chỉ ăn cơm sao cũng chết. Sau những lần lên mạng và nghiền ngẫm kiến thức học được trong trường, em biết rằng chính nước rửa chén bát là “sát thủ giữa thanh thiên bạch nhật” giết hại vật nuôi bởi trong đó có chứa những thành phần độc hại.

Từ đó, em âm thầm nuôi ý tưởng sẽ chế ra loại nước rửa chén không độc hại mà hiệu quả tẩy rửa vẫn cao. Sau một lần quan sát những chậu nhôm mà mẹ để thức ăn chăn gà, vịt đều trắng sáng mà không phải rửa bằng bất cứ loại nước xà phòng nào. Ý nghĩ chắc chắn trong cám gạo có chất gì đó thì mới có hiện tượng như vậy thôi thúc Đạt cất công tìm hiểu.

“Sau bữa trưa hôm đó, em lấy một nhúm cám hoà vào nước để rửa bát thì thấy bát sạch dầu mỡ, sáng bóng. Ngay lập tức em hỏi mẹ, giá 1 kg cám có đắt không? Thấy em tự dưng lại quan tâm đến cám gạo, mẹ rất ngạc nhiên và em đã chia sẻ ý tưởng này với mẹ. Mẹ bảo “con nên hỏi cô giáo, cô có kiến thức sẽ giúp con hiểu rõ.”- Đạt kể.

Tinh thần ham học hỏi của em đã được cô giáo dạy môn sinh học khích lệ và hướng dẫn tận tình. Sau mỗi buổi học hai cô trò lại vào phòng thí nghiệm của trường phân tích thành phần cám gạo. Qua đó, em phát hiện ra nhiều điều thú vị. Đó là cám gạo còn có tên gọi là gạo mịn, gạo bóng có chứa thành phần và chất dinh dưỡng như: Lysine, Protein, Trytophan, Sodium... Trong buổi sinh hoạt lớp, cậu học trò đã phổ biến cho các bạn về tác dụng tốt của nước rửa bát từ cám gạo và thu thập ý kiến của các thành viên sau 10 ngày sử dụng. Hầu hết các bạn đều cho rằng hỗn hợp này rửa sạch dầu mỡ trên bát đĩa.

Để cho người nghe dễ hiểu, Đạt vừa nói vừa pha dung dịch cho chúng tôi xem. Lấy 3 thìa cám có sẵn trong nhà, em pha vào chai đựng 250 ml nước, lắc đều thành dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng. Đạt nói: “Lượng hỗn hợp này đủ dùng trong 3 ngày đối với gia đình khoảng 3- 4 nhân khẩu".

Để tìm ra lượng cám thích hợp khi pha với nước được dung dịch tẩy rửa hiệu quả cao, Đạt phải làm rất nhiều thí nghiệm khác nhau. Nếu lượng cám ít thì tẩy rửa không hiệu quả mà nhiều sẽ gây lãng phí nguyên liệu. Mày mò, em thấy liều lượng thích hợp nhất là 12 g cám gạo hòa với 100 ml nước. Cậu học trò này trầm ngâm tính toán: Cám gạo hiện có giá 6.000 đ/kg. Cứ 1 kg cám sẽ pha được hơn 8 lít hỗn hợp và rửa được số lượng lớn bát đĩa.

Cô Nguyễn Thị Hồng Liên, giáo viên bộ môn hóa sinh Trường THPT Cẩm Lý cho biết: “Khi em bày tỏ về vấn đề này tôi cũng bất ngờ. Thấy đây là ý tưởng hay, tôi hướng dẫn em cách nghiên cứu, viết đề tài. Khi được nhà trường cho sử dụng phòng thí nghiệm, em đã say sưa nghiên cứu. Mỗi ngày, em tiến hành hàng chục thí nghiệm để tìm ra thành phần có trong cám gạo, rồi liều lượng, tỷ lệ ra sao. Kiên trì như vậy, sau 1 tháng, Đạt đã thành công với ý tưởng của mình".

Tuy nhiên, điều khiến Đạt trăn trở là khả năng tẩy rửa dầu mỡ chưa cao bằng các loại nước rửa chén bát thông thường. Thời gian tới, cùng với việc học tập, em tiếp tục nghiên cứu xác định rõ chất thực sự có tác dụng làm sạch các vết dầu mỡ, vết ố trà, chất làm đẹp da tay, mùi hương đặc trưng của nước rửa chén này và cách giữ dung dịch lâu hơn để tiện cho sử dụng.

Đạt hy vọng sẽ được sự giúp sức của các nhà chuyên môn để một ngày không xa loại nước rửa chén do em “sáng chế” sẽ có mặt trên thị trường.

Đặc điểm của loại nước này là khi rửa chén bát sạch hoàn toàn mỡ, khô ráo. Ngoài ra, hỗn hợp có khả năng tẩy sạch vết ố của trà, cà phê trên chén đĩa nhanh, không có mùi tanh khó chịu như khi dùng nước rửa bát không rõ nguồn gốc. Không chỉ trên những đồ bằng gốm sứ, trên vật dụng làm bằng nhựa thì hiệu quả tẩy rửa cũng cho kết quả tương tự. Hơn nữa, sử dụng nước rửa bát chế từ cám gạo có thể thải trực tiếp xuống ao hồ mà không gây nguy hại cho cá hay các loài thuỷ sinh.

"Khi đổ nước rửa chén bát ra ao thả cá nhỏ, em quan sát liên tục trong 10 ngày thì hoạt động của các vi sinh vật trong ao đều bình thường. Ngoài ra, em còn dùng thức ăn thừa có lẫn hỗn hợp nước rửa bát từ cám gạo cho vật nuôi ăn. Theo dõi sau một tuần thấy chúng vẫn khoẻ mạnh"- em khẳng định.

Để kiểm tra ảnh hưởng của nước rửa bát đến da tay, Đạt đã đưa sản phẩm này cho 48 bạn học sinh lớp 10 A1 trong trường dùng trong 15 ngày. Kết quả 100% các bạn đều không bị dị ứng và nói sẽ sử dụng sản phẩm này thay cho nước rửa bát trước đây do không chứa một số chất gây dị ứng, không phải đeo găng tay khi rửa bát.

Với việc phát hiện những tác dụng hữu ích đó, đề tài “chế tạo nước rửa chén, bát thân thiện với môi trường và con người từ cám gạo” của Đạt đã đạt được liền 3 giải thưởng. Đó là giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, giải Ba cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” do Bộ GD- ĐT, Bộ TN-MT, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam đồng tổ chức, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.