| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 21/06/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 21/06/2017

Cảm hứng lặn lội

Làm báo mà chưa một lần đi vùng mỏ thì thật là không phải lẽ với thực tế của Việt Nam. Nghĩ vậy có cực đoan không các bạn?

1. Khoáng sản than cũng như cây lúa của châu thổ, như rừng đại ngàn của Tây Nguyên, như nông thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long… Đâu chỉ là tài nguyên mà còn là vì những con người chết sống với vùng đất ấy, từ đó ta nhận ra số phận và tiểu vùng văn hóa từ họ.

Lần đầu năm 1985 ấy đi Quảng Ninh là đi dạo Hạ Long cùng với Nguyễn Quang Thân, cưỡi ngựa xem mỏ lộ thiên có tên là mỏ Cọc Sáu. Ấn tượng Hạ Long mê hồn đối trọng với thứ khoáng sản đen nhẻm vừa cho thấy lầm than vừa cho thấy tiềm lực tiền bạc. Nhất định phải quay lại, tôi nhủ thầm và 15 năm sau tôi y hẹn. Đoàn của Báo Văn nghệ gồm vài ba nhà văn, những người kia bảo “mình đã nhẵn mặt vùng than”, riêng tôi là nguyên háo hức. Ai chán đi hầm lò, xin mời ngồi trên cạn bia bọt với cánh công đoàn mỏ, tôi nhất quyết chui hầm.

Vùng than Quảng Ninh

Được phát ủng, đèn trán, chai nước, ổ bánh mì như công nhân kèm theo lời dặn: nhớ đuổi kịp người dẫn đường. Bốn ngàn bậc xuống, có nghĩa là bốn ngàn bậc lên mỗi ngày của mỗi công nhân đi ca. Cũng có nghĩa là mình đang đi xuống hàng ngàn mét dưới lòng sâu. Mỏ có từ thời thuộc Pháp, đường hầm được mở rộng và gia cố mãi, có phần thênh thang, dễ dàng. Nhưng khi đi vào các đường rẽ thì đôi ủng đẫm thứ nước trần hầm rỏ xuống trộn với than bùn, sền sệt, khó khăn. Liên tục phải tránh xe goòng, tránh những kíp thợ công trình, ai cũng lấm láp, căng thẳng. Người dẫn đường đứng lại cân nhắc: Chưa thấm gì, nhưng chị đã muốn lên chưa?

Mùi hầm lò ngột ngạt, rất đặc trưng. Nhưng những người trực tiếp làm ra từng xẻng than còn ở tận đẩu đâu nữa chứ. Vậy là đi tiếp, đi vào âm ti bạn ạ. Còn đường hầm có cáp điện trên đầu nghĩa là còn chuyên chở được bằng xe goòng, chưa thấy trần ai. Các toán công nhân đang nép bên vách hầm tranh thủ ăn trưa trong thứ nước ngập ngụa quanh ủng. Tiếng nổ khoan sâu vào lòng đất thi thoảng vọng tới từ ngách nào, như thể đang có chiến tranh. Như là chiến tranh thật, toàn những người đàn ông tác phong như lính tráng và những mệnh lệnh ngắn, gãy gọn.

Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua. Người dẫn đường dừng lại ở một đường cùng. Bên trong là một cửa hầm chữ A như công sự thời chống bom bừa B52. Những cáng than được chuyển ra và từ đây hai người thợ phải khiêng chúng một quãng khá xa mới tới goòng. Mỗi tốp bốn thợ thay nhau, hai người nạo xẻng hất lên cáng thì hai người cáng than đi. Tôi chùi người vào để nhìn tận mắt người thợ và cây xẻng ở “tuyến đầu trận địa”. Chỉ có mắt họ sáng lên trong hầm tối nói với tôi rằng họ thanh tân và trẻ khỏe nhất. Những đoạn gỗ chống trần, ở nơi cái xẻng tiến vào còn chưa có gỗ chống nữa. Người thợ trẻ khẽ nhắc “Cô lên đi cô, ở đây không an toàn!”. Thở dài quay ra, người dẫn đường nói thêm: “Cả họ xếp hàng để làm thợ, mà rất hay đẻ con trai, nhà có con trai đi lò, lương cao nhưng cũng quá nhiều rủi ro!”
 

2. Có lẽ tôi là phụ nữ duy nhất đi giàn khoan mà đi giàn lẻ, “giàn nhỏ nhoi” chứ không chịu đi giàn Trung tâm, giàn gần, nơi các vị quan chúc ưa tham quan. Cũng cái tính thích khám phá, thích lặn lội.

Lãnh đạo ngành dầu khí chỉ cho cái Giàn 5, xa tít tắp. Mừng rơn. Chị là người phóng viên đầu tiên và chắc cũng sẽ là duy nhất đặt chân lên Giàn 5, chị nhé. Chao ơi, ai biết một gram dầu thô được đào lên từ lòng biển như thế nào. Lại háo hức như lần đi hầm lò, nói thật háo hức hơn vì chuyến đi cần quá nhiều tình cảm.

Áo phao, cáp chống ồn và tâm trạng không mặt đất cùng với nỗi lo máy bay có thể gãy cánh. Nhìn thấy những chiếc trực thăng đi ca khác ở vài giàn khác, chúng mong manh như cánh chuồn chuồn trên biển. May sao, không sự cố gì, bước xuống thang, người rạp thấp, như lính trận đổ quân chiếm lĩnh mục tiêu. Nói Giàn nghe oách, thật ra là một “túp nhà” bằng vật liệu siêu bền chừng hai trăm mét vuông vừa nhà bếp, phòng máy, các phòng kỹ thuật bé tí và gian công cộng có cả ti-vi. Phân biệt Giàn dầu với Nhà giàn lính là đuôi pha-ken để hơi dầu thoát lên cháy sáng ngày đêm.

Một kỹ sư trưởng kíp khoan người nhỏ nhắn gợi nhớ nhà viết kịch Hồng Phi cùng Báo Văn nghệ. Nhưng anh ấy dày dạn đến nỗi “khét tiếng” về nghề khoan. Bốn ngàn, rồi năm ngàn mét dưới biển sâu để cho ống dầu chui theo, đưa dầu thô vào ống tập kết ở giàn Trung tâm, từ đó dầu thô được tàu chở đi lọc tách. Những người thợ lặn còn phi thường hơn, họ lặn sâu mấy ngàn mét dưới mặt nước để kiểm tra và xử lý các đường ống. Lấy được mẻ dầu gian nan gấp mấy lần một mẻ than? Không đo được nhưng sự đánh đổi rủi ro là như nhau bằng tính mạng con người.

Dân đi ca 10 ngày trên Giàn chỉ thèm rau muống luộc. Vợ con, người thân ở nhà chờ nhé, với bữa rau muống luộc và cà pháo trên mâm. Chuyến về lại áo phao, cáp chống ồn và tâm trạng mênh mang nghĩ, khi đặt chân trên đất mới biết là ca này mình thoát hiểm. Ôi mùi vị đất đai và những gương mặt yêu thương mà họ đã mang theo suốt 10 ngày đơn độc trên biển xa, không cùng đi với họ không sao biết họ làm gì, nghĩ gì, nhớ gì, thương gì, đọc gì trong giờ phút đi ca.
 

3. Mỗi thế hệ mỗi khác ở tiện nghi sống, tiện nghi nghề và cả tư duy, tâm thế. Thế hệ tôi cây viết, sổ tay và xe đò. Thế hệ các bạn trẻ, smartphone, iPad, laptop, xe máy phân khối mạnh hoặc ô tô. Nhưng nghề báo muôn đời giống nhau ở nét tìm kiếm, chứng thực, khám phá và cả phản biện.

Tôi không tiếc những ngày mình đã sống và đã đi. Mười năm chiến tranh ở Campuchia, đã bốn lần sang với bộ đội mà không nghĩ mình có thể chết, con mình có thể mồ côi. Không ngần ngại gì cả. Bởi vì người thợ hầm lò hay người đi Giàn, hay người lính trận, người ta làm cái việc hiểm nguy ấy mỗi giờ, họ có tiếc và có sợ không? Và rồi, những chuyến đi đã cho mình nhiều hơn mình tưởng. Sự giàu có mà người ta hay nói là từng trải ấy ngấm dấn, làm nên tâm hồn, cốt cách, trữ lượng và cả triết lý sống như chính mình đang có, hôm nay.

“Cô ơi, cô lên đi, ở đây không an toàn!”. Nhớ mãi ánh mắt sáng lóe và cái giọng khẩn nài cao cả của chàng trai cầm xẻng đào than đá ở “âm ti”. “Chị ơi, trăng trên Giàn gần và sáng không thể tưởng” - nhớ mãi cách thư giãn của cánh kỹ sư Giàn 5 kiểu AQ, chơi trăng chớ biết chơi gì cho qua gian khổ! Nhớ mãi, bạn ạ, những điều đã đưa vào sách nhờ những mét đường chiến trận với bộ đội ở đất khách quê người.

Hãy đi khi sức còn có thể, hãy đứng về phía người sát đất để ngẫm nghĩ và hãy lên tiếng nếu việc ấy thuộc lương tri. Các bạn trẻ bây giờ giỏi lắm, viết sắc, đi nhiều, ngoại ngữ lưu loát, nhất định các bạn sẽ nhiều hương vị nếu biết thả lỏng mình cho những điều mà bất cứ ai là nhà báo cũng không nên né tránh.