| Hotline: 0983.970.780

Cảm nhận về lâm nghiệp ở CHLB Đức

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:29 (GMT+7)

Ở nước Đức ngày nay không còn lâm tặc, không còn người dân sống ở trong các khu rừng và sống phụ thuộc vào rừng.

Ghi nhận và suy ngẫm

Ở nước Đức ngày nay không còn lâm tặc, không còn người dân sống ở trong các khu rừng và sống phụ thuộc vào rừng. Nhận thức của người dân về vai trò của rừng đã đạt tới mức rừng là máu thịt của họ, là nơi thư giãn, nghỉ dưỡng, là nơi bảo vệ nguồn nước...; thậm chí nhận thức của người dân đôi lúc quá thái đi tới hành động cực đoan là biểu tình không cho khai thác rừng.

>> Cảm nhận về lâm nghiệp ở CHLB Đức
>> Cảm nhận về lâm nghiệp CHLB Đức

Có thể nhận thấy rừng ở bang Hessen được phân thành 2 loại nhưng không được đặt tên cụ thể. Loại thứ nhất được bảo vệ, không khai thác và được thiết lập là Vườn quốc gia (VQG Kellerwald-Edersee có diện tích 5.700ha); loại thứ 2 là những diện tích rừng còn lại được phép khai thác và sử dụng theo nguyên tắc quản lý rừng bền vững và quản lý rừng đa chức năng.

Ở bang Hessen Forst có những yêu cầu pháp lý bắt buộc bao gồm: Duy trì và phát triển diện tích rừng; quản lý rừng đa chức năng; kế hoạch quản lý rừng trung hạn (10 năm) bắt buộc; tránh khai thác trắng; loài cây phù hợp với thổ nhưỡng; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đạo luật lâm nghiệp của Hessen, chủ rừng phải quản lý rừng của mình theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, dựa trên kế hoạch cũng như lợi ích công, quan tâm đến chức năng phòng hộ, sản xuất, bảo tồn thiên nhiên, giải trí và sinh thái cảnh quan.

Không có sự tách biệt giữa quản lý đất và quản lý rừng đối với những diện tích đất lâm nghiệp. Cơ quan lâm nghiệp chính là cơ quan quản lý chung về cả 2 đối tượng này.

Hồ sơ quản lý rừng được ghi chép tỷ mỷ, công phu và được lưu trữ bảo quản hết sức cẩn thận, có những hồ sơ lô rừng được xây dựng cách đây gần 200 năm vẫn còn được lưu trữ nguyên vẹn và vẫn được được cập nhật, bổ sung thêm thông tin nên rất thuận lợi cho việc lập kế hoạch quản lý rừng cũng như tra cứu phục vụ công tác nghiên cứu.

Cán bộ lâm nghiệp ở Đức được đào tạo kỹ lưỡng, đối với cán bộ đại học sau khi tốt nghiệp được tiếp tục đào tạo ở thực tiễn 1,5 năm trước khi chính thức được vào làm việc tại các cơ sở lâm nghiệp; đối với cán bộ trung cấp được đào tạo 3 năm cả lý thuyết và thực hành trực tiếp, đảm bảo cho cán bộ này thành thạo tất cả các kỹ năng làm việc tại hiện trường.

Tất cả cán bộ lâm nghiệp mà đoàn công tác tiếp xúc đều rất nghiêm túc và trách nhiệm với công việc, rất yêu rừng, yêu công việc của mình và tự hào về nghề rừng là để cho thế hệ mai sau.

Theo tính toán của các chuyên gia thì một hộ gia đình tư nhân có 4 người ở Đức có thể sống được bằng nghề rừng và tuân thủ nguyên tắc quản lý rừng bền vững thì cần tới 500ha rừng trở lên (con số này ở Phần Lan là 150ha).

Điều này cho thấy kinh doanh rừng là một công việc lấy số lượng thay cho giá trị, nếu chỉ quan tâm tới kinh tế đơn thuần thì giá trị kinh tế trên một diện tích mà rừng mang lại rất thấp và khó có thể làm giàu được từ các hoạt động lâm sinh.

Hessen Forst không phải trả tiền thuế sử dụng đất cũng như tiền thuê đất để trồng rừng, vì ngoài giá trị kinh tế, quan trọng hơn là rừng tạo ra môi trường môi sinh.

Có sự cạnh tranh giữa Hessen Forst với Cty tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ quản lý rừng cho cộng đồng và tư nhân. Tuy nhiên, Hessen Forst luôn có được uy tín cao đối với các chủ rừng, có được điều này chính là nhờ vào lợi thế và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ lâm nghiệp của lâm trường.

Chương trình giáo dục thiên nhiên cho học sinh ở các cấp đã được quan tâm. Lâm trường quốc doanh Hessen Forst trực tiếp tham gia hướng dẫn. Đây là chương trình có tác dụng tốt, giúp cho các em nhỏ gần gũi, yêu thiên nhiên, yêu rừng từ rất sớm.

Vài lời kết

Mô hình Lâm trường quốc doanh Hessen Forst là cần thiết để thực hiệnsứ mệnh quản lý rừng bền vững mà các chủ rừng tư nhân riêng lẻ khó có thể thực hiện tốt được.

Lâm trường quốc doanh là doanh nghiệp đặc biệt, cần có sự hỗ trợ về tài chính của nhà nước trong các hoạt động công ích và không phải thuê đất và nộp thuế sử dụng đất.

Tổ chức lại Lâm trường quốc doanh ở Việt Nam sẽ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay do đời sống người dân sống trong rừng và gần rừng thấp, nhận thức về pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn rất hạn chế, lâm tặc nhiều; còn có sự xâm lấn đất đai của người dân với lâm trường nên rất khó khăn để bảo vệ rừng chứ chưa tính tới việc quản lý rừng bền vững. Vì vậy cần phải giải được bài toán này trong dịp tổng kết Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về đổi mới sắp xếp lâm trường quốc doanh.

Khó có mô hình chuẩn về Lâm trường quốc doanh để có thể tổ chức cho tất các vùng miền của Việt Nam. Cần có thêm khảo sát nghiên cứu tiếp theo ở trong nước cũng như ở một số nước khác để có được mô hình tổ chức quản lý phù hợp

Hệ thống cơ quan hành chính lâm nghiệp ở Việt Nam khác xa so với bạn, ta có 2 hệ thống cơ quan ở cấp tỉnh và cấp huyện là lâm nghiệp và kiểm lâm, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hai hệ thống này còn thiếu chặt chẽ và cát cứ trong hoạt động, điều này có thể gây lãng phí về nguồn lực nên về lâu dài cần nghiên cứu để nhất thể hóa các cơ quan lâm nghiệp ở mỗi cấp.

Cần nghiên cứu thực hiện quản lý rừng bền vững và đa chức năng (chức năng sản xuất, chức phòng hộ, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan du lịch nghỉ ngơi...) đối với tất cả diện tích rừng. Về lâu dài không nên tách biệt và phân loại rừng thành 3 loại là phòng hộ, đặc dụng và sản xuất như hiện nay.

Thực hiện quản lý rừng bền vững thì rất cần đội ngũ cán bộ lâm nghiệp có trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. Do vậy cần đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan lâm nghiệp.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất