| Hotline: 0983.970.780

Cam xã Đoài có thể thu 2,5 tỷ/ha

Thứ Năm 20/01/2011 , 11:13 (GMT+7)

Nhìn những vườn cam Xã Đoài nức tiếng, quả đã vàng ươm, nặng trĩu đầu cành, chúng tôi càng vui mừng khi biết cam Xã Đoài năm nay lên cơn sốt.

Tết Nguyên đán Tân Mão đang cận kề, chúng tôi ghé về vùng cam đặc sản tại xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Nhìn những vườn cam Xã Đoài nức tiếng, quả đã vàng ươm, nặng trĩu đầu cành và vui mừng khi biết cam Xã Đoài năm nay lên cơn sốt. Điều đáng mừng hơn khi bắt gặp khách buôn tứ xứ đang đến từng nhà ngắm nghía, chọn lựa và đặt hàng trên từng gốc cam...

Ông Phan Công Hưởng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Diên, Chủ tịch Hội những người khôi phục cam Xã Đoài cho biết: Cam Xã Đoài đã bén duyên vào đất này cách đây khoảng 150 năm, nhờ một vị giáo sỹ người Pháp đưa về đây trồng và chỉ một thời gian ngắn nó trở thành một giống cam đặc sản nổi tiếng của nước ta. Người dân ở đây kể rằng: Hồi ấy, nhờ đưa giống cam quý này vào Huế tiến vua mà một lão nông người xã Nghi Diên, chuyên trồng giống cam này, đã được nhà vua đặc cách phong hàm “Cửu phẩm”. Dân trong vùng từ đó quen gọi ông là ông Cửu Văn.

Cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp, cùng với một loại xoài đặc sản của nước bạn Lào mà có thành ngữ: "Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc". Điểm khác biệt của giống cam Xã Đoài so với giống cam ở các địa phương khác là vỏ cam mịn, mỏng đều và có mùi hương (tinh dầu) thơm dịu, ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt dịu, thanh mà không chua... Người am hiểu về cam chỉ cần đưa vào miệng một múi cam Xã Đoài nhấm thử là cứ muốn để nguyên trên lưỡi để tận hưởng mãi cái hương vị và sự ngọt dịu khác thường gần giống như mật ong của nó...

Năm ngoái, một chuyên gia về các giống cam của Malaixia tìm đến vườn cam đặc sản Xã Đoài ở Nghi Diên, khi nhìn chủ nhà bổ mấy quả cam vườn ra cho ông nếm thử. Ăn xong miếng cam đầu tiên, vị khách đã ồ lên sung sướng và cứ xuýt xoa mãi khi ngửi mùi hương của miếng vỏ cam cầm trong tay và khen lấy khen để hương vị đặc trưng của giống cam quý giá này. Thời điểm đó, giá một quả cam 25.000 đồng. Vị chuyên gia này tính toán nếu dùng tiến bộ kỹ thuật và chỉ cần giữ lại 400 quả/gốc thì 1 ha cam đặc sản Xã Đoài sẽ cho thu nhập ít ra 2,5 tỷ đồng/ha/năm...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Công Hưởng cho hay: Giá cam Xã Đoài năm nay hiện đang dao động trên dưới 30.000 đồng/quả, dịp Tết có thể tăng lên một ít. Nhưng khi chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Duy Hảo, một hộ có 2 sào cam trong vườn nhà thì hoá ra giá cam Xã Đoài vừa được bán sáng 10/01/2011 tại vườn là 35.000 đồng/quả. Ông Hảo cho biết: Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, người mua cam chủ yếu để làm quà biếu, thờ cúng, thưởng thức, làm thuốc, ngâm rượu... Người đến mua cam Xã Đoài từ khắp mọi nơi trong nước. Họ cất công vào đến đây tìm mua nên ai nấy thường ra tận vườn yêu cầu cắt từng quả cam ngay trên cành để tránh bị mua nhầm.

Cam Xã Đoài là loài cây đặc sản nức tiếng trong và ngoài nước là nhờ thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này tầng đất thịt nặng hiếm hoi, lại được kênh nhà Lê bồi lắng phù sa hàng năm nên đã tạo sinh lực cho giống cam quý này sản sinh ra những quả cam thơm ngon mà không một nơi nào có được. Bởi thế, nếu đem giống này đi trồng ở nơi khác thì hương vị đặc trưng của nó cũng biến mất. Cam Xã Đoài được người dân chia thành 2 loại: Cam nhót (giống hình quả nhót) và cam bầu (giống hình quả bầu).

Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết Lập xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm. Vỏ cam có màu vàng sẫm, tươi tắn. Bề ngoài có lớp vỏ mỏng chứa tinh dầu, chỉ cần bị xây xước nhẹ sẽ toả ra mùi thơm dịu rất đặc trưng. Là cây đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ nói riêng, của cả nước nói chung lẽ ra cam Xã Đoài phải được quy hoạch trên quy mô hàng trăm ha ngay tại địa phương nhằm tạo ra một vùng cây đặc sản có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao ra thị trường quốc tế để giới thiệu với bạn bè thế giới về một giống cam quý, có vị ngọt thơm khó quên của mình.

 

+ Ông Phan Công Hưởng: Để cây cam Xã Đoài phát triển, cho năng suất cao, phải đầu tư hệ thống công trình tưới tiêu và đưa các tiến bộ kỹ thuật khác vào. Thế nhưng, nhiều năm nay chúng tôi xin kinh phí xây dựng 1 nhà lưới (khoảng 200 triệu) để nhân giống gốc loài cam đặc sản này mà vẫn chưa được bố trí.

+ Giá 1 quả cam Xã Đoài hiện gần bằng 10 kg thóc thịt. Thế mà, theo dõi 2 nhiệm kỳ Đại hội Tỉnh Đảng bộ Nghệ An, không thấy nhắc tới việc phát triển loài cây đặc sản này (ông Nguyễn Duy Hảo buồn bã nói).

Thế nhưng, rời khỏi vùng cam Xã Đoài chúng tôi thấy chạnh buồn vì giống cam đặc sản quý hiếm trên vẫn chưa trở thành cây làm giàu cho vùng quê này. Hiện xã Nghi Diên mới có hơn trăm hộ trồng cam với gần 25 ha (khoảng 10 ha cam kinh doanh). Trong đó, chủ yếu được trồng trong vườn nhà từ 1 đến 2 sào Trung bộ. Bởi thế, cam Xã Đoài trở thành thứ "của hiếm" nên ngay từ tháng 11 hàng năm đã có khách đặt cọc để làm quà Tết nếu không sẽ hết.

 Trả lời câu hỏi: Cây cam Xã Đoài có thể giúp người dân ở đây làm giàu được không? Vì sao diện tích cam Xã Đoài vẫn còn khiêm tốn và chưa được mở rộng thành một vùng cây đặc sản của tỉnh? Ông Phan Công Hưởng khẳng định: Nghi Diên có thể làm giàu được từ cây cam đặc sản này. Chỉ cần mỗi hộ mạnh dạn đầu tư 500 gốc/1 ha thì sẽ có nguồn thu ít nhất khoảng 1,5 tỷ đồng/năm (tạm tính giá 15.000 đồng/quả). Hiện diện tích có thể mở rộng để trồng cam Xã Đoài vẫn còn trên dưới 300 ha. Nếu triển khai trồng hết số diện tích này thì mỗi năm địa phương sẽ có nguồn thu ít nhất khoảng 450 tỷ đồng…

Do chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích nên những người dám nghĩ, dám làm chỉ mới mở rộng diện tích ngay trong vườn nhà. Muốn cam Xã Đoài thành vùng cam đặc sản tập trung thì phải đưa nó ra đồng. Nhưng việc đó lại phải chờ chủ trương và cơ chế từ tỉnh đến huyện. Một khi các vấn đề trên được xử lý thì người dân mới có ý thức hoán đổi, tích tụ đất để khoanh vùng và phát triển nó…

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm