| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ thú y bán giấy kiểm dịch

Thứ Tư 13/07/2011 , 11:11 (GMT+7)

Tại sao giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc ngang nhiên đổ bộ vào Phú Xuyên rồi xuất đi khắp cả nước? Cơ quan thú y bất lực hay họ cố tình “ngậm miệng ăn tiền”?

* 70 ngàn mua một cán bộ thú y

 

 

Tại sao giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc ngang nhiên đổ bộ vào Phú Xuyên rồi xuất đi khắp cả nước? Cơ quan thú y bất lực hay họ cố tình “ngậm miệng ăn tiền”? 

>> Chuyện động trời ở lò giống gia cầm lớn nhất nước

 

Giấy kiểm dịch: Cần thì mua 

Theo điều tra của NNVN, hầu hết các khách hàng lấy giống ở Phú Xuyên đều theo kiểu “tiền trao cháo múc”, chẳng đòi hỏi giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Chính vì “thói quen” này nên các chủ lò mặc nhiên bán giống vô tội vạ với suy nghĩ: Không có đợt dịch thì cần gì giấy tờ.

Mỗi ngày Phú Xuyên cung ứng hàng trăm ngàn con giống. Trong số này chỉ có những khách hàng mua với số lượng lớn thỉnh thoảng mới xin giấy kiểm dịch. Còn lại những người buôn nhỏ lẻ hay các hộ gia đình đều phớt lờ vì “không có nhu cầu”.

Vào vai một khách hàng cần mua 300 con vịt về nuôi trang trại, chúng tôi vào lò ấp của một người đàn ông tên Phú ở Phúc Tiến (Phú Xuyên). Thống nhất giá cả xong, PV xin giấy chứng nhận đã kiểm dịch nhưng Phú phủi tay: "Cần gì giấy, có dịch bệnh gì đâu mà kiểm dịch. Khách hàng của tôi chẳng ai lấy giấy cả. Anh thích thì phải bỏ tiền ra mà mua thôi. Mà thậm chí mua về rồi người ta có kiểm tra thì cứ điện thoại lên cho tôi rồi tôi mua giấy gửi về sau cũng được mà”.

Buôn bán giống gia cầm kiểu “chẳng cần giấy tờ” nên quy trình xuất giống khỏi Phú Xuyên cực kỳ đơn giản: Chọn giống – trả tiền – chở đi. Chỉ trong vòng một buổi sáng tại lò ấp của gia đình Phú diễn ra hàng chục cuộc giao dịch trực tiếp và rất nhiều cuộc thương lượng qua điện thoại. Tuyệt nhiên trong số đó chả một ai hỏi giấy tờ kiểm dịch là gì.  

Tôi lân la hỏi hai ông nông dân ở Nam Định lên mua giống: "Các bác mua, không có giấy kiểm dịch, thế lỡ có dịch bệnh hoặc cán bộ thú y kiểm tra nguồn gốc thì sao?". Cả hai người đều ngơ ngác lắc đầu, thậm chí họ còn chẳng biết giấy kiểm dịch là loại giấy gì.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi tiến hành một cuộc “trắc nghiệm” với 5 chủ lò ấp ở Đại Xuyên về giấy tờ kiểm dịch giống gia cầm trước khi xuất đi thì cả 5 đều cười khẩy: Làm gì có, thỉnh thoảng mới có người hỏi đến. Muốn có giấy thì phải mua của Trạm Thú y, tốn kém thêm nên ít người quan tâm lắm. 

 Suốt quá trình điều tra NNVN nhận được nhiều thông tin tiết lộ cán bộ thú y Phú Xuyên nhận tiền luật của các xe tải nhập lậu giống gia cầm và bán giấy kiểm dịch như bán rau ngoài chợ. Để làm rõ thực hư, PV nhất quyết nhờ chủ lò ấp tên Phú phải lấy bằng được giấy kiểm dịch. Tưởng khó nhưng chẳng ngờ tay chủ lò này phán câu xanh rờn: “Thích thì mua. Đơn giản lắm, cán bộ thú y chỉ thèm tiền thôi. Muốn mua bao nhiêu mà chẳng được”. 

70 ngàn mua một cán bộ thú y 

Phòng làm thủ tục cấp giấy tờ của Trạm Thú y huyện Phú Xuyên nằm ngay cạnh lò ấp của Phú chỉ có hai cán bộ mặc thường phục ngồi làm việc. Lúc chúng tôi vào một cán bộ thú y của trạm đang bực mình vì một chiếc xe tải “biển 98” trốn tiền luật. Một vài tài xế xe tải ra vào chẳng hiểu để làm gì trong khi công việc của họ chỉ là chở giống về cho các lò ấp.  

Vào phòng làm việc, Phú ngọt nhạt trình bày lý do xin giấy và tự "nhận lỗi" với cán bộ thú y là xưa nay vận chuyển không cần giấy kiểm dịch. Miệng nói tay móc ví, chủ lò ấp bán giống bảo PV đưa cho nữ cán bộ thú y tên Phượng 70.000 đồng rồi nói: "Thôi nương tay cho lần này". Đôi co một lúc, cô cán bộ thú y miễn cưỡng đồng ý rồi nói: "Mẫu mã kiểm dịch thì không có. Bây giờ phải khai lại mà chỉ có ngần này tiền thôi à. Mất công lắm". 

Cuối cùng chúng tôi cũng có đủ giấy tờ cho 300 con vịt chuẩn bị xuất khỏi lò ấp chỉ với giá 70 ngàn đồng. “Hồ sơ” bao gồm 6 mảnh giấy niêm phong gia cầm đã được kiểm dịch với chữ ký…phô tô của kiểm dịch viên Phùng Văn Tảo. Giấy chứng nhận động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh của Chi cục Thú y Hà Nội; Giấy đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi huyện của Trạm Thú y huyện Phú Xuyên; Biên lai thu tiền lệ phí 55 ngàn đồng.  

Ngoài ra còn có một thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Hà Nội đề tên cơ sở lò ấp của ông Lê Mạnh Hùng ở Phúc Tiến (Phú Xuyên) với kết quả: 100% đạt yêu cầu bảo hộ.

Tất cả những thủ tục này đều đã được chuẩn bị sẵn, cán bộ thú y chỉ việc điền các thông tin về số lượng, nơi đi nơi đến, BKS xe vận chuyển rồi…bán. Thậm chí cán bộ thú y tên Phượng còn vui vẻ: "Các bác chuyển nhiều thì bọn em càng mừng chứ sao. Chuyển hàng bằng xe gì? Xe khách à? Thôi để bọn em lấy biển xe bọn em đi cho nó an toàn. Theo đó chiếc xe khách mà đàn vịt của PV NNVN đăng ký vận chuyển đi mang BKS Đà Nẵng (43X- 3437), dù chỉ vào đến tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi hợp thức bộ giấy tờ có sẵn này với một đàn gia cầm bất kỳ nào đấy, hầu hết gia cầm giống ở Phú Xuyên đều được tập kết ở khu vực Cầu Giẽ rồi gửi lên xe khách đi tiêu thụ.

Với kiểu cấp giấy kiểm dịch bằng tiền này lý giải vì sao giống gia cầm từ Phú Xuyên ngày ngày xuất đi các địa phương chẳng cần biết nguồn gốc ở đâu và mang theo rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phân tích: Pháp lệnh Thú y quy định giống gia cầm phải được kiểm dịch ngay từ đàn giống bố mẹ. Theo đó, đàn giống bố mẹ phải được lấy mẫu máu và đi kiểm tra định kỳ. Mỗi đàn phải lấy ít nhất là 10 mẫu. Ở các trung tâm lớn phải lấy 20 mẫu sau đó với được cấp giấy chứng nhận đàn giống này đã tiêm phòng và đạt được mức bảo hộ đối với những bệnh quy định như vịt có dịch tả, cúm gia cầm…Các mẫu này chỉ có cơ quan Thú y vùng III mới đủ khả năng xét nghiệm, phân tích và công bố kết quả.  

Sau khi mẫu xét nghiệm được đảm bảo an toàn thì các cơ quan thú y mới có đủ căn cứ để cấp giấy kiểm dịch chứng nhận giống có nguồn gốc và được phép xuất lò, vận chuyển. Cứ theo định kỳ, 6 tháng lấy mẫu phân tích một lần nhằm đề phòng các nguy cơ về dịch bệnh. 

Tuy nhiên ở Phú Xuyên, hầu hết các chủ lò ấp giống đều “rút gọn” quy trình kiểm dịch này. Những lò ấp này nhận trứng của hàng chục hộ có nguồn gốc khác nhau nhưng rất ít khi lấy mẫu kiểm dịch vì không đủ tiêu chuẩn và… mất công. Quá lắm người ta chỉ lấy có 5 mẫu (giống bộ “hồ sơ” mà PV NNVN mua được) để đưa đi kiểm dịch cho có thủ tục. Vậy mà các cơ quan thú y vẫn nghiễm nhiên cấp giấy chứng nhận giống gia cầm đã được bảo hộ 100% một cách rất bài bản. Thời điểm xuất hàng, thường có một cán bộ thú y ngồi làm việc mà ông Trọng bảo “họ ngồi bán giấy kiểm dịch".

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.