| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh những màn 'làm xiếc kiểm tra' tàu hàng của CSGT đường thủy

Thứ Năm 07/12/2017 , 09:34 (GMT+7)

Trên sông có đủ thứ luật lá phải chung chi, nhưng phổ biến nhất vẫn là tiền mãi lộ mà các chủ tàu bắt buộc phải đóng cho CSGT đường thủy. Tại các tuyến sông từ ngã ba sông ở Việt Trì (Phú Thọ), vấn nạn mãi lộ vừa trắng trợn lại vừa hết sức tinh vi.

Ngã ba sông Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) - nơi hợp lưu sông Hồng, sông Lô, sông Đà là một vùng sông nước rộng mênh mông giáp ranh 3 tỉnh Phú Thọ, Hà Nội và Vĩnh Phúc. Có lẽ chính vì điều kiện tự nhiên đặc thù như thế nên từ lâu, nơi này giống như một thế giới riêng biệt. Hàng loạt thứ luật bất thành văn được đặt ra đang biến ngã ba sông này trở thành nỗi ám ảnh với những chuyến tàu qua lại.

13-27-56_nh_s1
Một CSGT đường thủy Phú Thọ “kiểm tra” tàu ở khu vực ngã ba sông

Trên sông có đủ thứ luật lá phải chung chi, nhưng phổ biến nhất vẫn là tiền mãi lộ mà các chủ tàu bắt buộc phải đóng cho CSGT đường thủy. Tại các tuyến sông từ ngã ba sông ở Việt Trì (Phú Thọ), vấn nạn mãi lộ vừa trắng trợn lại vừa hết sức tinh vi. Và từ lâu, bóng những chiếc ca nô đường thủy, những người mặc sắc phục áo vàng CSGT trở thành nỗi ám ảnh của dân lái tàu thuyền.
 

Chủ tàu khó thoát

Sáng sớm tinh mơ, khi làn hơi nước quyện với sương mờ ảo còn phủ trắng xóa mặt sông thì ngã ba mênh mông nước Việt Trì đã rất náo động. Dù tàu cách tàu còn chưa thấy rõ nhau nhưng tiếng máy nổ cộng hưởng từ hàng trăm con tàu lớn đã vang rầm rập cả một vùng sông nước. Nơi ngã ba sông Hồng, sông Lô, sông Đà gặp nhau này được gọi là Bạch Hạc hoặc Tam Giang. Tất cả các dòng sông đều lấy giữa dòng để phân định ranh giới 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Vấn nạn mãi lộ khu vực ngã ba sông này đã thành luật ngầm từ lâu, tất cả những ông chủ tàu chúng tôi gặp đều khẳng định họ mất tiền triệu cho những lần qua lại khu vực này.

Tàu PT 998…, chuyến tàu mà chúng tôi xin đi nhờ đã đến giờ nhổ neo xuất phát từ cầu Việt Trì, qua Bạch Hạc, chuẩn bị tiến vào khu vực ngã ba sông. Trong khoang lái, một ấm trà đặc quánh và một xấp tiền mệnh giá 200.000 đồng được đặt ngay ngắn trước vô lăng tàu. Đó là hai thứ không thể thiếu với người lái tàu qua khúc sông này. Trà đặc giúp thủy thủ tỉnh táo đi qua luồng lạch, còn tiền giúp chủ tàu qua cửa CSGT đường thủy.

Ông chủ tàu PT 998… tiết lộ: Tàu ngược, tàu xuôi đều phải đi qua khu vực ngã ba sông này. Sông Hồng từ các tỉnh đồng bằng như Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, sông Đuống từ Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, sông Lô từ Tuyên Quang, sông Đà từ Hòa Bình… Rất khó để thống kê mỗi ngày có khoảng bao nhiêu chuyến tàu qua lại ngã ba sông nhưng ít nhất cũng phải vài ba trăm chuyến. Thời điểm này, hàng hóa chủ yếu là cát sỏi chở về xuôi, than cốc, lưu huỳnh, vật liệu xây dựng chở ngược.

Mỗi tháng, tàu ông T chạy tuyến Phú Thọ - Hải Phòng khoảng 5 - 6 chuyến, qua hàng loạt trạm CSGT đường thủy. Chuyện làm luật với những chuyến tàu xuôi ngược đã gần như mặc định. Cũng bức xúc, ngán ngẩm nhưng vì miếng cơm manh áo, sợ bị thù hằn nên họ buộc phải lặng im. Đời lái tàu mấy năm nay rất xuống. Cước ngày càng giảm, xăng dầu lại tăng, cộng thêm tiền mãi lộ thì không còn lại được bao nhiêu. Nhiều chủ tàu phải bán luôn cả tàu vì không kham nổi.

8 giờ sáng, ngã ba sông đã rõ, vẫn cảnh náo nhiệt, tàu thuyền nối đuôi nhau xuôi ngược. Một chiếc ca nô của CSGT đường thủy Phú Thọ chở theo 3 người mặc sắc phục CSGT liên tiếp cập mạn những chuyến tàu một cách nhanh chóng và điêu luyện. Những màn kiểm tra không khác gì làm xiếc khi tay CSGT chạm tay thủy thủ tàu rất nhanh chóng rồi mũi ca nô lại quay ngược ra hướng sang những chiếc tàu khác.

“Trông thế thôi chứ không một tàu lọt được”, ông chủ tàu nhấp ngụm trà giải thích khi thấy thái độ “lo ngại” của chúng tôi về việc CSGT đường thủy Phú Thọ có thể “bỏ lọt” tàu thuyền vì điều kiện sông nước khu vực ngã ba này rất phức tạp. “Chú để ý kỹ sẽ thấy, chiếc ca nô chạy theo hình chữ Z, đuôi tàu này đã là đầu tàu khác, chỉ cần bẻ lái đã cập mạn tàu rồi, không thể thoát được đâu. Nếu có quá tí thì họ cũng chỉ cần vèo cái là đã quay lại ngay. Trên sông chứ có phải đường bộ đâu mà chạy thoát”.

13-27-56_nh_s2
CSGT gọi chủ tàu ra một góc để kiểm tra
Liên quan đến vấn đề CSGT nhận tiền mãi lộ, mới đây, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương có CSGT vi phạm mà báo chí đưa tin, phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, kết luận rõ sự việc, nếu đúng như báo phản ánh thì phải xử lý nghiêm. Những trường hợp vi phạm pháp luật, nhận hối lộ cần đưa ra khỏi lực lượng Công an để xử lý theo pháp luật. Với các trường hợp vi phạm Điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác, ứng xử thiếu văn hoá, điều chuyển ra khỏi lực lượng CSGT.

Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Phú Thọ (Công an tỉnh Phú Thọ) đóng chốt ngay điểm cách chân cầu Việt Trì chỉ vài ba trăm mét.

Thông thường, CSGT đường thủy sẽ đi theo tốp khoảng 3 người. Một người lái tàu, một người quan sát và một người “kiểm tra” tàu.

Hình thức phổ biến nhất là tổ CSGT áp mạn tàu rồi chủ tàu “báo cáo” qua mạn.Vừa nhanh chóng vừa không phải kiểm tra các thủ tục giấy tờ, hàng hóa.

Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt trên các chuyến tàu, những tổ công tác CSGT đường thủy Phú Thọ kiểm tra khá chặt chẽ. Họ liên tiếp cho ca nô cập mạn những chuyến tàu và vào hẳn khoang lái để kiểm tra.

Trên một chuyến tàu chở cát của một đôi vợ chồng người Thanh Hóa, ông chồng đau ốm nằm ở khoang trong, chị vợ lái tàu một mình. Vẫn một ấm trà và một xấp tiền trên khoang lái.

Sau khi cập mạn, vì không có người đưa tiền mãi lộ ra tận mạn giao dịch như thông thường, một người mặc sắc phục CSGT xách cặp bước lên tàu, đứng chắn ngay cửa ra vào khoang lái.

Chẳng cần kiểm tra gì, bà vợ đưa tay với tiền luật đưa ngay. Người mặc sắc phục CSGT vừa cầm vừa hỏi: Một mình à? Bà chủ tàu đáp: Vâng. Một mình. Người mặc sắc phục CSGT không hỏi thêm gì nữa, giấu bàn tay rất nhanh rồi quay đi.

Chuyến tàu chúng tôi xin đi nhờ này chở quá tải. Ông chủ tàu nói: Nếu chở đúng tải thì không có ăn, chở quá thì tiền luật cho CSGT cũng phải tăng, thôi thì đành phải chấp nhận chứ không còn cách nào khác. Trong khoang lái của một chuyến tàu khác đang chở cát từ huyện Phù Ninh về Sơn Tây, tốp người mặc sắc phục CSGT sau khi cập mạn đi kiểm tra một lượt quanh tàu, tiếp đó, một người trong tổ công tác tách riêng ra một góc ngoắc tay vẫy chủ tàu. Tay chủ tàu còn trẻ, tay cầm ví chạy lại rất nhanh. Họ đứng ép sát vào nhau và nhanh chóng tách ra và xong việc “kiểm tra”.

13-27-56_nh_s3
CSGT đường thủy cập mạn, nhận tiền và phóng đi


Một chuyến tàu mất hàng chục triệu tiền luật

Khu vực ngã ba sông này là vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội, trên đoạn sông Hồng bắt đầu từ đây, các tỉnh đều cắm chốt CSGT đường thủy.

Tại chốt đường thủy gần cầu Vĩnh Thịnh, việc mãi lộ diễn ra rất công khai và đã thành luật lệ thật sự. Thấy bóng chiếc ca nô chở CSGT đường thủy từ xa chủ tàu đã phải chuẩn bị tiền cầm ra tận mạn. Rất ít tổ công tác lên tàu mà họ chỉ cập mạn cầm tiền rồi đi.

Chiếc ca nô C188 005 chở 3 người mặc sắc phục CSGT vừa trờ tới mạn, ông chủ tàu mang BKS PT-293… chở than từ Hải Phòng lên Phú Thọ cầm tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng chạy nhanh ra mạn đưa cho người ngồi ghế trước. Không hề có một câu đối thoại nào. Rất nhanh chóng và thuần thục. Họ cầm tiền đút ngay vào túi và phóng ca nô sang những con tàu khác.

Ông chủ tàu PT 293… thống kê, từ Phú Thọ xuôi theo sông Hồng, sông Đuống đến Hải Phòng có gần 20 chốt kiểm tra, chốt nhiều, chốt ít nhưng tổng cộng tiền luật mỗi chuyến hàng lên tới cả chục triệu đồng: “Trông đơn giản thế thôi nhưng trạm nào cũng có quy định, không xin họ được một xu nào đâu, nếu không đưa đủ luật, họ hành cho khốn đốn”.

13-27-56_nh_s4
Mỗi chuyến tàu mất rất nhiều tiền luật
Các chủ tàu trên sông cũng tiết lộ, “luật” ở ngã ba sông này tùy thuộc vào hàng hóa, trọng tải và biển số tàu các tỉnh. Nếu một chuyến tàu chở cát biển Phú Thọ, mức tải bình thường khi qua trạm chỉ mất khoảng 200.000 đồng, còn tàu biển số các tỉnh khác, chở “hàng kinh tế” như lưu huỳnh, than cốc, có khi tiền luật phải mất tới cả triệu đồng?

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.