| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách đặc thù

Thứ Năm 31/10/2013 , 13:20 (GMT+7)

Các địa phương cần cụ thể hóa chỗ nào nên trồng lại cao su với những biện pháp kỹ thuật mới nào để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

* Các tỉnh: Tiếp tục trồng!

* Cục Trồng trọt: Phải bình tĩnh, tính toán

Cục Trồng trọt khuyến cáo vùng Bắc Trung bộ chiều ngang hẹp, bão nhiều, trồng cao su nguy cơ bị thiệt hại cao. Còn các tỉnh thì tuyên bố vẫn tiếp tục phát triển thêm cao su dù diện tích cao su hiện tại các tỉnh này đã vượt so với quy hoạch của Chính phủ.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10 gây ra, ngay từ ngày 3/10, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề về cây cao su trên địa bàn tỉnh. Sau đó, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cũng đã vào cuộc kiểm tra tình hình thiệt hại cao su các tỉnh Bắc Trung bộ để tìm hiểu thực trạng và cùng nhau đưa ra giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão, nhất là đối với cây cao su.

Vì vậy, ngày 30/10, tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Quảng Trị và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức hội thảo về phát triển cao su các tỉnh Bắc Trung bộ.

Bão làm thiệt hại 22.000 ha cao su

Hội thảo tập trung chủ yếu các nhà quản lý, doanh nghiệp cao su, không có phản biện, phần lớn ý kiến tập trung khẳng định phát triển cao su ở Bắc Trung bộ là theo quy hoạch của Chính phủ, một chủ trương đúng đắn và kêu gọi sự giúp đỡ của Chính phủ cho người dân trồng cao su bị thiệt hại bằng cả vật chất và chính sách. Các ý kiến cũng đề nghị cần quan tâm về giống cao su phù hợp và trồng đai rừng chắn gió cho cao su để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai.


Cao su Quảng Trị bị gãy do bão số 10

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị khẳng định chủ trương mở rộng phát triển cao su trên địa bàn Quảng Trị thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân.

Khai thác được tiềm năng lợi thế, hình thành vùng chuyên canh cây cao su gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trồng cao su chẳng những xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu, tạo nên đội ngũ lao động kỹ thuật mang tính công nghiệp trong nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, ông Bài cũng nhìn nhận một thực tế khách quan trong quá trình phát triển cao su của Quảng trị mấy chục năm qua có một số năm thiệt hại do ảnh hưởng của bão và lốc xoáy cục bộ gây ra. Năm 2013 ảnh hưởng của cơn bão số 10 và 11 làm cho cây cao su ở Quảng Trị bị đổ, gãy 7.076 ha (chiếm 36,88% diện tích trồng cao su), trong đó đổ gãy trên 70% là 4.116 ha (gần 21% diện tích cao su của tỉnh).

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Linh cho biết, thu nhập từ cây cao su chiếm tỷ lệ gần 50% tổng thu nhập của toàn huyện. Đến nay, Vĩnh Linh đã có trên 7.500 ha, bình quân mỗi hộ trồng cao su có trên 1 ha. Ông Lý nói so với bão số 8 năm 1985 thì bão số 10, 11 năm 2013 vừa rồi có sức gió yếu hơn. Tuy nhiên, sau gần 30 năm mới có lại bão lớn nên nhân dân vẫn ít nhiều chủ quan.

Việc đầu tư, chăm sóc cây cao su của nhân dân quá mức làm cho bộ lá phát triển nhanh dẫn đến khi có gió bão cây dễ đổ gãy. Mặt khác, trong quá trình khai thác mủ một bộ phận người dân khai thác sớm khi cây chưa đến tuổi, thời gian khai thác với cường độ cao làm cho cây có khả năng chống chịu yếu, đây cũng là một trong những nguyên nhân cây dễ đổ gãy khi bão.

Hơn nữa, lợi nhuận của cây cao su cao nên người dân chủ quan, bỏ qua việc chọn giống có khả năng chống chịu bão cao hơn, chủ yếu cơ cấu loại giống có thân mềm, cây cao, cho thu hoạch nhanh như PB235, PB260, giống cao sản, lai hoa Trung Quốc... nên chỉ khi có gió cấp 7, cấp 8 là cao su đã bị đổ gãy.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, thiệt hại cao su gãy đổ của 5 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam trong đợt bão vừa qua đến gần 22.000 ha. Còn diện tích cao su của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam thiệt hại hơn 1.700 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Bài, phát triển cao su ở Quảng Trị nói riêng và Bắc Trung bộ nói chung có nhiều lợi thế so với các cây trồng khác, song dễ bị tổn thương nếu có gió bão mạnh trên cấp 10.

Phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Trong 80.000 ha cao su đã phát triển ở Bắc Trung bộ, chủ yếu là tiểu điền. Diện tích cao su của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam chỉ 18.000 ha. Quan điểm của Tập đoàn, cây cao su ở đây đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế vùng. Song Bắc Trung bộ có những hạn chế vốn có về điều kiện môi trường, chủ chốt là điều kiện khí hậu, nên Tập đoàn xác định đây là vùng ngoài truyền thống đối với cây cao su trong chiến lược phát triển cao su của mình.


Trồng cao su giúp dân mau giàu nhưng không ít tổn thất do bão gây ra

Còn Sở NN-PTNT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho biết tiếp tục khôi phục sản xuất cao su trên địa bàn, rà soát lại quy hoạch, không phát triển thêm cao su vùng sát biển, chuyển trọng tâm phát triển cao su lên các huyện sát biên giới Việt - Lào, chỉ trồng cao su thêm ở những vùng đảm bảo đủ điều kiện.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt cho biết, đến năm 2012 vùng Bắc Trung bộ đã đạt diện tích 80.470 ha cao su, vượt quy hoạch của Chính phủ đến năm 2015 cho vùng này. Nhiệm vụ quan trọng nhất các địa phương lúc này là tập trung khắc phục nhanh hậu quả của bão, sớm khôi phục lại vườn cây bị hư hỏng.

Việc trồng lại cao su trên diện tích này chúng ta bình tĩnh, tính toán trước khi có quyết định phù hợp. Các địa phương cần cụ thể hóa chỗ nào nên trồng lại với những biện pháp kỹ thuật mới nào để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Vùng này có tần suất bão cao, chiều ngang hẹp nên nguy cơ cao su bị hại do bão cao hơn.

Ông Quảng nhấn mạnh cần rà soát quy hoạch chi tiết phát triển cao su tại các địa bàn, xác định rõ những vùng trồng và không nên trồng để chủ động đưa ra khỏi quy hoạch chi tiết.

Cần chính sách đặc thù cho Bắc Trung bộ

Ý kiến này được ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị đưa ra và nhiều người đồng tình. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách đặc thù cho vùng Bắc Trung bộ cũng như miền Trung phát triển, nhất là đối với các cây trồng, vật nuôi thích hợp. Chính sách cần phù hợp, sát thực tế để người dân an tâm sản xuất. Chính sách chung chung miền Trung khó phát triển.

Ông Nguyễn Văn Bài đề nghị Bộ NN-PTNT sớm nghiên cứu ban hành quy trình kỹ thuật trồng cao su ở vùng có nguy cơ cao về gió bão. Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su cho phù hợp với những giống chịu gió, tạo hình thấp. Khuyến cáo, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi một số diện tích bị thiệt hại trên 70% sang trồng hồ tiêu, màu, môn, khoai, từ, tía, sắn, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng theo chứng chỉ FSC... ít chịu ảnh hưởng của bão hơn. Nhà nước cần có chủ trương khoanh nợ, giãn nợ cho những hộ gia đình trồng cao su có thiệt hại và hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sản xuất.


Cần có những giống cao su phù hợp cho vùng Bắc Trung Bộ

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ NN-PTNT giao Tập đoàn CN Cao su Việt Nam đánh giá lại cơ cấu giống, biện pháp kỹ thuật, sớm đưa ra quy trình đặc thù chăm sóc, bảo vệ cao su vùng cho Bắc Trung bộ.

Theo Viện nghiên cứu cao su Việt Nam thì người trồng cao su ở Bắc Trung bộ nên sử dụng các giống chịu gió đã trải qua thử thách trong vùng như giống RRIC 100, RRIC 121, RRIM 712, RRIM 600... Mật độ trồng từ 500 đến trên 700 cây/ha. Phương pháp trồng thì sử dụng cây con có trên 2 tầng lá, ưu tiên dạng tum bầu, trồng âm so mặt đất 0,2 m.

Ông Hoàng Văn Mịn - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, qua thực tế thì QĐ 142 của Chính phủ về hỗ trợ thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong thiên tai, dịch bệnh không cáng đáng nổi thiệt hại cao su do bão gây ra. Vì vậy, ông Mịn đề nghị Chính phủ sớm triển khai bảo hiểm cho cây cao su ở các tỉnh Bắc Trung bộ để khi có rủi ro được bù đắp một phần thiệt hại góp phần cho nhân dân yên tâm sản xuất.

Thượng tá Lê Vinh Khương, đoàn phó Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 thuộc Binh đoàn 15 cho biết, bảo hiểm cây cao su là vấn đề rất cần được quan tâm. Diện tích cao su của đơn vị này có hơn 1.000 ha phát triển ở Quảng Bình và đã được đơn vị mua bảo hiểm mấy năm nay.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt cho biết, tuy bị thiên tai gây ra thiệt hại nặng nhưng bà con nông dân vẫn muốn tiếp tục trồng cao su. Hội thảo này chưa phải kết thúc. Cục Trồng trọt sẽ tổng hợp các ý kiến về tình hình phát triển cao su tại hội thảo đề xuất Bộ NN-PTNT trình Chính phủ quyết định cho việc phát triển cao su vùng Bắc Trung bộ trong thời gian tới.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm