| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách tín dụng riêng cho trang trại

Thứ Sáu 15/11/2013 , 09:35 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, ông Cao Sỹ Kiêm nói: Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, còn thiếu một chính sách tín dụng riêng cho phát triển kinh tế trang trại…

Trao đổi với NNVN, ông Cao Sỹ Kiêm nói: Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Chính phủ xác định muốn phát triển kinh tế nông nghiệp phải sản xuất tập trung, thúc đẩy mô hình kinh tế trang trại. Tuy nhiên, còn thiếu một chính sách tín dụng riêng cho phát triển kinh tế trang trại…

Nghị quyết 03 năm 2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại có nội dung chủ trang trại được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhưng chính sách này gần như không tồn tại trong thực tế. Để vay vốn tín dụng ngoài thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, người dân không còn cách nào khác, thưa ông?

Đúng là có nội dung ấy nhưng đó chỉ là quy định chung. Để cho vay, các ngân hàng thương mại phải căn cứ vào khả năng trả nợ, thu hồi vốn nên phương án sản xuất của các chủ trang trại nếu không thấy rõ khả năng sinh lời, không đáp ứng khả năng trả nợ thì họ không thể cho vay được.

Còn quy định thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở là việc ngân hàng buộc phải làm để bảo toàn vốn.

Chính sách vay vốn đầu tư nông nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất tín dụng nhưng ngay cả khi thế chấp GCNQSDĐ ở người nông dân vẫn phải vay tiêu dùng hoặc đầu tư dịch vụ, không thể vay theo lãi suất ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp?

Thường thì các ngân hàng thương mại có thể đưa ra rất nhiều lý do vì họ phải cơ cấu nguồn vốn, xét thời hạn vay vốn…. nên cũng khó trách họ.

Nhưng nếu cho vay vốn đầu tư nông nghiệp ngân hàng thương mại cũng không phải chịu thiệt mà sẽ nhận được hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước?

Đương nhiên là các ngân hàng thương mại cũng có một chút lợi trong doanh số cho vay nông nghiệp vì sẽ được trừ vào chi phí nộp. Nhưng không phải là Ngân hàng Nhà nước bỏ ra một khoản tiền để bù vào lãi suất cho vay đầu tư nông nghiệp nên lợi ích của ngân hàng thương mại không cao.

Về phía các ngân hàng, chắc chắn họ mong muốn cho vay các lĩnh vực thương mại, dịch vụ để đạt được doanh thu cao, lợi nhuận cao và có thêm lương thưởng cho cán bộ. Đích cuối cùng của chính sách là người dân nhưng trong thực tế vẫn còn lợi ích riêng, lợi ích cục bộ chi phối nên chúng ta vẫn phải tạm chấp nhận.

Chính phủ từng xây dựng các loại quỹ để thực hiện chính sách hỗ trợ như: Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy tại sao không thành lập một Quỹ hỗ trợ phát triển trang trại?

Từ trước đến nay việc xây dựng các quỹ chỉ đưa ra để làm phong trào, tạo ra một chính sách hoàn chỉnh nhưng bản chất mỗi quỹ chỉ có độ vài ba chục tỉ. Đâu có đến hàng nghìn tỉ để rải khắp cả nước.

Đã có lúc Chính phủ triển khai gói kích cầu tới hàng chục nghìn tỉ và cũng đặt mục tiêu trọng tâm đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhưng hình như lại lãng quên chủ trương hỗ trợ tín dụng trang trại?

Năm 2009, Chính phủ chủ trương sử dụng gói kích cầu 27 ngàn tỉ đồng và đã đưa được 17 ngàn tỉ đồng tuy nhiên nguồn vốn chính sách đưa vào nền kinh tế chưa thực sự được quản lý chặt chẽ nên hiệu quả của nguồn vốn này không rõ nét.

Nếu nguồn vốn này được sử dụng đúng theo chủ trương, chính sách Chính phủ đã định sẵn thì chắc chắn sẽ có tác dụng lớn hơn.

Như vậy có thể nói là Chính phủ có chủ trương phát triển kinh tế trang trại nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện chính sách. Vậy làm thế nào để chính sách đi vào thực tiễn, để người nông dân có điều kiện tiếp cận tín dụng, tiến tới sản xuất tập trung?

Vấn đề là chúng ta có chính sách tín dụng nhưng không có quy định cụ thể nên khó triển khai. Phát triển kinh tế trang trại là một lĩnh vực mang tính đặc thù, cần phải có chính sách tín dụng riêng trong đó có những quy định cụ thể về hỗ trợ, thu nợ, điều kiện, quy trình thủ tục…

Tính đặc thù ở đây cũng giống như chính sách cho sinh viên vay vốn. Trong chính sách này chúng ta đã thực hiện được và rất có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

+ ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại lo ngại nhất về khả năng thu nợ. Điều đó khiến cho tín dụng dành cho nông nghiệp luôn gặp khó khăn. Hiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo tôi cũng có thể thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại theo hướng này.

+ ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội):

Vẫn có những ngân hàng thương mại thực hiện chính sách cho vay đầu tư nông nghiệp khá tốt như Viettin Bank hay Aggribank tuy nhiên phải thừa nhận rằng sản xuất nông nghiệp rủi ro khá lớn nên nguồn vốn tín dụng dành cho lĩnh vực này còn hạn chế. Để tín dụng cho nông nghiệp được bảo đảm chúng ta cần phải xây dựng, vận hành tốt hệ thống bảo hiểm nông nghiệp.

Nam Phương

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.