| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 21/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 21/11/2017

Cần có chế tài cho 'hậu chất vấn'!

Chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội là những hoạt động rất quan trọng. Nhưng việc có chế tài, để hoạt động “hậu chất vấn”phải có kết quả rõ ràng, cũng quan trọng không kém.

Theo Khoản 7, Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015: “Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước…; và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu”.

Cùng với khái niệm chất vấn, thì trả lời chất vấn được hiểu là việc “các chủ thể bị chất vấn, nói, trình bày trực tiếp, đầy đủ hoặc hồi đáp bằng văn bản về vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn”. Như vậy, khi trả lời chất vấn, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời, không được ủy quyền cho người khác; trả lời chất vấn cần phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập nếu có.

Các buổi chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong 3 ngày (từ 16 - 18/11) vừa qua của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đã diễn ra tích cực hơn so với những kỳ họp trước, so với khóa trước. Song hiệu quả đã được như kỳ vọng chưa, thì vẫn còn phải bàn.

Pháp luật hiện hành không quy định thủ tục, cách thức đánh giá kết quả chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành như thế nào, trách nhiệm của người trả lời chất vấn là loại trách nhiệm gì. Và nhất là quy định pháp luật về cơ chế giải quyết những vấn đề “hậu chất vấn” còn thiếu. Mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm của người trả lời chất vấn phải thực hiện các vấn đề mà đại biểu Quốc hội kiến nghị, chất vấn, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn thiếu các cơ chế và chế tài bảo đảm để những người có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ sau chất vấn. Cơ chế giải quyết những vấn đề sau chất vấn còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hứa suông, hứa rồi để đó của những người có trách nhiệm.

Điều này thể hiện rất rõ qua thực tế với 3 ngày chất vấn tại Hội trường, vẫn còn những vấn đề đã nêu tại các lần chất vấn trước, tại những kỳ họp trước - những “câu chuyện cũ” như tai nạn giao thông; sách giáo khoa, lương và phụ cấp của thày cô giáo ngành giáo dục và y, bác sĩ ngành y; phân bổ và kiểm soát ngân sách nhà nước của ngành tài chính; tình trạng tham nhũng ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi…

Vì sao vẫn còn những câu hỏi cũ nhưng mà luôn mới này? Rõ ràng, vì tình hình của vấn đề cũ chưa chuyển biến là bao, nên nó vẫn là vấn đề thời sự cho đến nay.

Bởi vậy, các vị đại biểu Quốc hội có thể chất vấn nhiều lần về một vấn đề, cho đến khi vấn đề đó đã được xử lý và mang lại kết quả rõ ràng, thì mới chấm dứt. Một vài quan chức có thể không hài lòng và cho rằng sự việc nào đó đã được “hỏi” và đã được “trả lời”, nên không cần phải hỏi lại. Nhưng biết rồi không có nghĩa là đã giải quyết xong khi kết quả nhiều khi vẫn còn xa vời.
Rõ ràng, việc quy định cơ chế và chế tài bảo đảm, để những người có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung trong trả lời chất vấn, là những yêu cầu bức thiết.