| Hotline: 0983.970.780

Cần đồng bộ 3 nhà

Thứ Hai 25/10/2010 , 10:15 (GMT+7)

Liên kết đồng bộ giữa 3 nhà sẽ tạo thành một quy trình khép kín đảm bảo hiệu quả của công tác đào tạo.

Ông Nguyễn Đại Minh- Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề nam Thái Nguyên cho rằng, nếu Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp thiếu sự phối hợp đồng bộ thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) sẽ không đạt hiệu quả cao.

Liên kết đồng bộ giữa 3 nhà sẽ tạo thành một quy trình khép kín đảm bảo hiệu quả của công tác đào tạo. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải cảm nhận được sức ép giải quyết việc làm cho LĐNT và được thể hiện bằng những chủ trương, chính sách, những việc làm cụ thể. Nhà trường có kế hoạch dạy nghề sát với thị trường sử dụng lao động. Trong mối quan hệ “tay ba” đó, nhà trường là mắt xích quan trọng khâu nối Nhà nước và nhà doanh nghiệp để tổ chức kế hoạch tuyển sinh cũng như tổ chức, quản lý các lớp nghề.

Quan điểm trên đã được chứng minh bằng thực tiễn đào tạo nghề tại Trường trung cấp Nghề nam Thái Nguyên (trước đó là trung tâm dạy nghề huyện Phổ Yên). Trung tâm dạy nghề huyện chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2005. Với hiệu quả hoạt động nổi bật và nhu cầu của công tác đào tạo nghề, trung tâm được nâng cấp thành trường trung cấp nghề vào tháng 5/2009. Có tới 90% học viên được đào tạo tại nhà trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Đúng vào ngày chúng tôi có mặt tại Trường trung cấp Nghề nam Thái Nguyên thì có hai đơn vị về tuyển quân đi làm theo hợp đồng đào tạo. Chị Phùng Thị Mười, cán bộ Phòng Tổ chức của Cty May xuất khẩu VIT – GARMENT, Hà Nội) cho biết, mấy năm qua Cty đã liên kết với nhà trường và tuyển được hàng trăm công nhân may. Có gần 20 học viên vừa tốt nghiệp lớp may công nghiệp sẽ được tuyển dụng vào Cty dịp này.

Về hiệu quả phối hợp giữa 2 bên chị Mười nói, điều quan trọng là nhà trường đã tìm được những học viên thực sự có nhu cầu được học nghề, khát vọng làm việc để cung ứng cho doanh nghiệp. Để thể hiện uy tín liên kết với nhà trường và đáp ứng tốt quyền lợi của người lao động, Cty đã thuê sẵn nhà và cho ô tô đến tận trường để đón công nhân mới. Niềm vui có việc làm và sắp trở thành công nhân, 2 em Lê Thị Phương và em Trần Thị Thoa (sinh năm 1993, quê ở xã Vạn Phái, huyện Phổ Yên) cho biết, được đi làm ngay khi vừa học xong với mức lương khởi điểm theo cam kết đạt từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/tháng, quả là may mắn.

Hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT phải được xác nhận là người được đào tạo sẽ có việc làm ổn định chứ không phải là đào tạo đủ chỉ tiêu cho xong. Bất hợp lý hơn là vì không xuất phát từ nhu cầu đào tạo nên tại Thái Nguyên đã có những lớp nghề cơ khí nông nghiệp, nghề máy nổ... được mở ra với hàng chục người trong cùng địa bàn một xã theo học.

Với danh mục trên 10 nghề đào tạo ngắn hạn, Trường trung cấp Nghề nam Thái Nguyên đã phân chia thành các nhóm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của nông dân các địa phương và của các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Qua đó, học viên của mỗi lớp học bao giờ cũng phải đáp ứng được các yếu tố của công tác tuyển sinh. Cụ thể, đối với nghề may công nghiệp thì có 99% nữ, 95% là thanh niên nông thôn trở thành công nhân của các doanh nghiệp may mặc. 100% học viên của nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề mộc dân dụng đều xuất thân từ các làng nghề truyền thống hoặc các HTX tiểu thủ trên địa bàn. Các lớp nghề quản lý điện nông thôn, sửa chữa điện lạnh, điện tử thu hút 100% học viên là nam giới.

Nếu một trong ba nhà (cơ quan quản lý Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp) không “nhiệt tình” thì việc đào tạo nghề cho LĐNT sẽ mang tính hình thức và chạy theo chỉ tiêu, thành tích.

Đặc biệt, qua 5 năm, trường đã đào tạo theo chương trình “tin học cộng đồng bền vững” cho trên 1.200 học viên. Nhà trường là đơn vị duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được cộng tác và đầu tư công nghệ thông tin, là một trong 4 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về đào tạo công nghệ thông tin theo chương trình nói trên.

Trường trung cấp Nghề nam Thái Nguyên và huyện Phổ Yên được chọn là đơn vị điểm của Thái Nguyên trong việc triển khai quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Ông Nguyễn Đại Minh, Hiệu trưởng cho biết, số liệu điều tra nhu cầu học nghề của nông dân so với thực tiễn có sự chênh lệch quá lớn. Ví dụ, theo kết quả điều tra của huyện Phổ Yên vừa qua thì có 948 người có nhu cầu học nghề hàn, trong đó xã Phúc Thuận có 415 người có nhu cầu. Tuy nhiên, khi nhà trường đi từng nhà để tuyển sinh lớp hàn công nghiệp thì chỉ “gom” được 13 học viên, xã Phúc Thuận không có ai theo học. Rõ ràng là phải xem lại kết quả điều tra nói trên.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất