| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 27/06/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 27/06/2017

Cần duy lý hơn

Dư luận đang sôi nổi các ý kiến trái chiều về 2 vụ án: Khởi tố bị can với một nhà báo vì nghi nhận tiền doanh nghiệp và vụ hoa hậu đang bị xét xử vì cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng.

Theo đó, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra- Công an TP Yên Bái - tỉnh Yên Bái, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Lê Duy Phong, để điều tra về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 280 BLHS. Các quyết định, lệnh trên đã được Viện KSND TP Yên Bái phê chuẩn.

16-28-42_quyet_dinh_khoi_to_bi_cn_cu_ctp_yen_bi_doi_voi_nh_bo_phong
Quyết định khởi tố bị can của Công an TP Yên Bái với nhà báo Duy Phong

Theo Công an TP Yên Bái, ông Lê Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị tố và bị bắt quả tang vì có hành vi nhận của một doanh nghiệp số tiền 50 triệu đồng.

Các ý kiến phản đối cho rằng trong quyết định khởi tố vụ án, đã không dẫn đầy đủ các căn cứ pháp luật, như là không ghi rõ được là căn cứ theo yêu cầu của người bị hại hay theo yêu cầu của cơ quan công an. Và trong quyết định khởi tố bị can đã vi phạm khi không nêu rõ “địa điểm phạm tội”, như theo đúng quy định tại Điều 179- Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Còn trong vụ án Trương Hồ Phương Nga (từng đoạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga) và bạn là Nguyễn Đức Thùy Dung đang bị TAND TP.HCM xét xử vì cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ, thì luật sư của bị cáo bất ngờ trình trước tòa 2 bản khai giống nhau của ông Mỹ và Phương Nga.

Hai bản khai: một của ông Mỹ (người bị hại, tố cáo Nga lừa đảo) và bản lời khai của Phương Nga giống nhau cả hình thức lẫn nội dung, cũng đang làm dư luận dấy lên nghi ngờ về việc có hay không việc mớm cung và dụ cung của điều tra viên với bị can trong quá trình điều tra?

Câu chuyện cần bàn là cả trong 2 vụ án, khá nhiều người đã đoan chắc và khăng khăng kết tội một bên. Họ căn cứ chỉ vào những tình tiết được đăng trên các báo cho đến thời điểm này, và dựa vào những phân tích, đánh giá của vài người có chuyên môn. Mà các vụ án thì vẫn đang diễn biến, chưa kết thúc.

Điều này là sai lầm. Vì trong bất kỳ vụ án nào cũng thế, diễn biến vụ án có lợi cho các bị can, bị cáo hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào tất cả những chứng cứ của các bên, được trình ra và công bố trước tòa. Việc tòa tuyên bị cáo có tội hay không, xác định bên nào lỗi hoặc phạm tội, là căn cứ và chỉ căn cứ vào những thứ đó. Và cuối cùng là thời khắc tòa tuyên án.

Chứ còn hiện thời, có thể mỗi hôm lại thêm một tình tiết, chứng cứ mới, việc định và luận tội, ngay cả với tòa án, đều có thể thay đổi.

Câu ngạn ngữ “vô phúc, đáo tụng đình” không hẳn là hoàn toàn đúng, nhưng nó không sai ở việc có rất nhiều phiền hà, rủi ro pháp lý cho các bên tham gia kiện tụng. Nhất là thời nay, khi xã hội ta chủ trương “sống và làm việc theo pháp luật”, thì mỗi người cần hiểu biết pháp luật, ý thức và nhận định cũng cần căn cứ vào pháp luật. Những nhận định kiểu “xưa nay anh ấy không thế bao giờ” hay “chị đó không thể làm như thế”… là những nhận định cảm tính, “duy tình”, không thể được coi là những chứng cứ trước tòa.

"Chủ nghĩa duy lý" nhấn mạnh vai trò của lý trí con người.

Nhận định về các bên tham gia vụ án hoặc liên quan, cần duy lý.