| Hotline: 0983.970.780

Cần hình thành các vùng SX tập trung, bền vững

Thứ Hai 07/07/2014 , 08:24 (GMT+7)

Với 50 dự án phát triển SX thuộc Chương trình xây dựng NTM được triển khai trong 3 năm (2011 - 2013), TP. Móng Cái đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, việc hình thành các vùng SX tập trung để tìm đầu ra cho nông sản vẫn còn gặp khó.

Trong 3 năm (2011- 2013), TP Móng Cái đã triển khai được trên 50 dự án phát triển SX thuộc Chương trình xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 23,4 tỷ đồng. Các dự án thuộc 15 nhóm, trong 4 lĩnh vực chính là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và đưa cơ giới hóa vào SXNN.

Trong quá trình thực hiện, một số dự án đã đạt được hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, như: mô hình nuôi dê ở xã Vĩnh Trung góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng đất đồi rừng, mang lại lợi nhuận 3-4 triệu đồng/1 con giống/năm; mô hình trồng lúa thuần chất lượng cao QR1, mang lại lợi nhuận vượt trên 20-30% so với trồng lúa thuần Khang Dân; mô hình nuôi cua biển có tỷ lệ sống cao, khoảng 50% số giống được thả, trọng lượng trung bình là 300-400g/con, giá bán bình quân là 200 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu khá cho người nuôi... Hiệu quả kinh tế của các mô hình trên đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo NTM và cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số dự án, mô hình kinh tế không mang lại hiệu quả như mong đợi. Sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ của dự án, người dân không tiếp tục đầu tư, nhân rộng một phần do chưa tìm được đầu ra sản phẩm. Đơn cử như mô hình nuôi thí điểm gà sao thương phẩm ở xã Hải Đông.

Chị Năm, thôn 6, xã Hải Đông là một trong hai hộ dân được chọn để triển khai thực hiện mô hình này cho biết: “Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ để chăm sóc đàn gà theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, đàn gà phát triển rất tốt. Tuy nhiên gà sao là giống gà mới, dân địa phương chưa quen ăn nên rất khó bán. Chúng tôi phải tìm cách bắt mối tiêu thụ gà sao ở Hà Nội, Hải Phòng nhưng ngặt nỗi qua Trạm kiểm soát liên ngành Km15 lại bị yêu cầu xuất trình nhiều loại giấy tờ quá khiến việc bán gà trở nên khó khăn. Nuôi gà thành công đã khó, bán được gà lại càng khó!”.

Chính vì lẽ đó sau khi hết thời gian triển khai dự án, gia đình chị Năm đã chuyển sang nuôi giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng như trước đây để dễ bán hơn.

Cũng vướng về vấn đề đầu ra sản phẩm, anh Vi Văn Làu, thôn 4, xã Quảng Nghĩa chia sẻ: “Hơn 600 con gà lai chọi của gia đình tôi đã đến kỳ xuất chuồng nhưng chúng tôi chưa tìm được thương lái mua toàn bộ đàn gà. Hiện tại vợ chồng tôi phải thay nhau ra chợ bán, mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục cân, số tiền này tiếp tục dùng để mua thức ăn nuôi số gà còn lại. Giờ chúng tôi chỉ mong sao có được đầu ra ổn định để mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Bên cạnh vấn đề đầu ra, nhiều mô hình, dự án gắn với Chương trình xây dựng NTM cũng rơi vào tình trạng “chết yểu” do nguồn giống không cung ứng đúng thời vụ, do người dân không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.

Tìm hiểu ở xã Quảng Nghĩa, chúng tôi được biết, trong 2 năm 2011 và 2012, xã triển khai khá nhiều mô hình: nuôi gà, dúi, lợn nái thương phẩm, trồng khoai tây và trồng cỏ nuôi bò. Ngoài ra còn có thêm dự án trồng thí điểm ớt tại thôn 3. Tuy nhiên hầu hết các mô hình này đều không mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho người dân.

Ông Phạm Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa, cho biết: “Mô hình ớt ở thôn 3 thì do không hợp thổ nhưỡng, chất lượng sản phẩm không cao. Mô hình khoai tây triển khai ở thôn 4 thì do giống khoai tây đưa về hơi muộn so với thời vụ, gặp thời tiết mưa nhiều nên cây bị úng, năng suất thấp. Còn mô hình nuôi dúi khi triển khai có 4 hộ đăng ký nuôi 30 con nhưng do người dân không nắm vững kĩ thuật chăm sóc, đàn dúi bị mắc bệnh và chết. Mô hình bị thất bại”.

Thực tế trên cho thấy, TP. Móng Cái hiện chưa hình thành được các vùng SX tập trung mang tính bền vững, đồng thời chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm khiến khâu SX và mở rộng quy mô SX gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó phòng Kinh tế TP. Móng Cái, cho biết: “Trong thời gian tới, TP và các xã tổ chức tổng kết các mô hình SX từ đó chọn ra các mô hình có hiệu quả kinh tế cao để nhân diện rộng. TP cũng xác định giai đoạn 2014-2015 sẽ phát triển vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích các DN, tổ SX, HTX trực tiếp tham gia đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm phát huy tốt mối liên kết “4 nhà”, tạo chuỗi giá trị hàng hóa an toàn, bền vững, thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định và mở rộng”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.