| Hotline: 0983.970.780

Cần hỗ trợ người sau học

Thứ Hai 18/04/2011 , 09:34 (GMT+7)

Mặc dù rất nhiều ưu đãi nhưng nhiều địa phương vẫn không tuyển đủ học viên học nghề...

Bất kể già hay trẻ, trai hay gái đều có cơ hội được tiếp cận kiến thức mới ngay trong “nhà” mình để làm ăn mà không phải nộp bất kể khoản phí đào tạo nào.

Ưu đãi thế nhưng có nhiều địa phương không tuyển đủ học viên tham gia các lớp học nghề. Đó là “giãi bày” tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức cuối tuần qua.

22.000 nông dân được dạy nghề

Chẳng ngạc nhiên khi người chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân muốn nghe báo cáo đầu tiên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bởi đây là lĩnh vực “động chạm” đến quyền lợi của nông dân nhất. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2010 tuy là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg nhưng đã có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực. Năm 2010 đã tổ chức dạy nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn theo các mô hình dạy nghề vùng chuyên canh, chuyên con. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình tối thiểu đạt 80%.

Theo Bộ trưởng Ngân, có nhiều nông dân đã đạt được kết quả tốt sau khi theo học lớp đào tạo nghề ngắn hạn này. Ví như ông Phan Quốc Sơn, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là một trong những nông dân tiêu biểu được thụ hưởng từ Quyết định 1956 của Chính phủ. Sau khi học trồng nấm tại địa phương, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều nhà nấm kiên cố, với kỹ thuật trồng nấm mới nên đã đạt năng suất cao, đem lại thu nhập 120 triệu đồng/năm. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ LĐTB-XH cũng thừa nhận, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động. Nhiều chương trình đào tạo còn quá rộng, chưa phù hợp với nhu cầu của người học cũng như yêu cầu kĩ năng nghề của thị trường lao động ở nông thôn. Đặc biệt, một số địa phương, nơi có trình độ học vấn thấp, người dân sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa bàn khó khăn, rất ít doanh nghiệp đầu tư nên khó tuyển sinh. Ở những địa phương này may mắn thì tuyển sinh được 50% chỉ tiêu, thậm chí nhiều trường không tuyển nổi học viên dù có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ rất rõ ràng.

Bổ sung cho những vướng mắc khi đào tạo nghề, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tư thục Kim Thành (thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) cho hay, nông dân đi học còn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, nhiều học viên là trụ cột trong gia đình nên đi học không đầy đủ, đi sớm về muộn. Nhiều người còn vừa đi học vừa kiếm thêm thu nhập từ việc làm thuê hoặc đi chợ nên hay có cảm giác chán nản rồi bỏ học (chiếm tới 15% tổng số học viên). Vì vậy, phải sau 10 ngày khai giảng, Trung tâm mới có được danh sách học viên chính thức.

Ngoài ra, có nhiều lao động vẫn nghĩ rằng, sau 3 tháng học chắc sẽ kiếm ngay tiền triệu ở tháng thứ 4. Nhưng thực tế, kiểm tra 10 người học xong thì có đến phân nửa tay nghề chưa đạt. Vì vậy, họ tỏ ra chán nản, thậm chí lại chuyển sang làm nghề mà không phải vừa được đào tạo. Vị giám đốc Trung tâm Kim Thành kiến nghị, nên có thêm chính sách hỗ trợ dành cho người sau khi học xong để có cơ hội “thể hiện” kiến thức vừa học. Đây cũng là ý kiến của nhiều địa phương có mặt tại Hội nghị.

Sẽ hỗ trợ cho người sau học

Trao đổi với NNVN bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH bức xúc hơn khi buổi sơ kết một đề án lớn có ảnh hưởng đến hàng triệu người dân mà nhiều Chủ tịch tỉnh vắng mặt thì làm sao chỉ đạo cho cấp dưới làm có hiệu quả được. Theo Thứ trưởng, để thực hiện tốt đề án, đừng bao giờ lấy thành tích số liệu, có bao nhiêu nông dân có việc làm mà nên tập trung làm rõ có bao nhiêu nông dân “làm giàu” sau khi được đào tạo nghề. Có như vậy đề án mới phát triển bền vững.

“Dạy nghề, dạy kỹ thuật nhưng sản xuất ra một quả cam chua thì có bán được không? Vì vậy, đề án cũng nên quan tâm đến đầu tư vào giống, chất lượng sản phẩm và cách tiêu thụ hàng hóa nữa. Có như vậy mới thực sự bền vững” - Thứ trưởng Phi nói.

Bốn tiếng ngồi nghe, không bỏ sót bất kỳ ý kiến nào của các đại biểu, Trưởng ban chỉ đạo đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chưa bao giờ việc đào tạo nghề cho nông dân lại thuận lợi và được xã hội quan tâm như bây giờ. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả đề án, Phó Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc “4 có và 4 biết” để các địa phương và người nông dân thực hiện như có ban chỉ đạo cấp huyện, xã với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015 ở các địa phương; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. 

Hay “4 biết” là biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành xem xét mức hỗ trợ và đặt hàng dạy nghề trong năm 2011 này cho khoảng 800.000 lao động nông thôn; bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, năng lực quản lý cho khoảng 100.000 cán bộ, công chức xã; đồng thời tìm các giải pháp để tổ chức phân bổ và sử dụng có hiệu quả kinh phí thực hiện Đề án theo từng giai đoạn.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất