| Hotline: 0983.970.780

Cần kết luận rõ ràng để an dân

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:15 (GMT+7)

Chỉ tính từ ngày 4 đến 7/9 đã có đến 13 trận động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2. Đáng chú ý những trận động đất cường độ ngày càng lớn.

Tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, chung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) những ngày qua liên tiếp xảy ra những trận động đất lớn khiến cho người dân sinh sống ở hạ lưu thủy điện này không an tâm. Ngày 8/9, đoàn công tác của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã đến khu vực TĐST2 khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng trên.

Dân tình bất an

Cho dù các cơ quan chức năng liên quan cho rằng TĐST2 an toàn và động đất không gây nguy hiểm, nhưng nỗi lo của dân tình không phải hoàn toàn vô lý, bởi nơi đây liên tiếp xảy ra những trận động đất. Chỉ tính từ ngày 4 đến 7/9 đã có đến 13 trận động đất. Đáng chú ý những trận động đất cường độ ngày càng lớn.

Gặp chúng tôi ngay trên đập chính TĐST2, anh Đinh Văn Thắng, người dân tộc Ca Dong cho biết: “Chúng tôi có nhà ngay dưới chân đập chính ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My thế mà trong vòng 4 ngày qua phải gánh chịu 13 trận động đất khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Lo lắm các anh à!”. 

Một người dân khác là anh Đinh Văn Đem thì khẳng định: “Thưa với các anh, lúc chưa có TĐST2, dân ở đây sống rất yên ổn. Nhưng khi có TĐST2 lại xảy ra tình trạng rò rỉ nước rồi thì động đất, bà con rất lo. Nhỡ xảy ra chuyện gì không biết chạy đi đâu cho kịp. Dân chỉ mong muốn chính quyền cần phải có phương án sẵn sàng di dời dân nếu có xảy ra sự cố”.

Nhiều người dân sống trong khu vực TĐST2 hàng ngày đã chạy lên trên bờ đập nghe ngóng tình hình. Còn Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – Đặng Phong, khẳng định: “Các đợt rung chấn xảy ra liên tiếp làm cho nhân dân của huyện rất lo lắng! Chính quyền huyện chỉ biết trấn an người dân bằng cách tuyên truyền thôi, chứ về khoa học không thể kết luận được. Những đợt rung chấn gần đây có cường độ khá mạnh. Huyện muốn trực tiếp đi kiểm tra bên trong đường hầm. Nhưng hiện giờ mực nước ở đập thủy điện còn thấp, chừng nào mực nước ở đập đạt mức 160m thì lúc đó lãnh đạo huyện sẽ tổ chức đi kiểm tra. Nếu còn hiện tượng rò rỉ nước, vẫn thấm, không đảm bảo an toàn… chúng tôi sẽ kiến nghị không cho tích nước".

Hiện tại nhiều người dân ở Bắc Trà My đã tự chuẩn bị phương án chạy động đất và chạy lũ. Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, cho biết: “Tại Trường mẫu giáo Hoa Phượng, thôn 1, xã Trà Đốc khi nghe tiếng nổ các cháu la khóc và bỏ chạy tán loạn. Ngay sau trận động đất, các cô trò của trường mẫu giáo này tạm thời nghỉ học vì lo sợ trường đổ sập nếu động đất tiếp tục xảy ra. Trường cũng đã bị nứt tường và bong tróc nhiều mảng tường sau trận động đất. Kiểu ni không biết trường có chịu nổi hay không”.

Ngày 12/9 sẽ có kết luận

Trước tình hình trên, ngày 8/9, đoàn công tác của Bộ KH-CN đã đến khu vực TĐST2 khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng động đất. Cùng ngày, đoàn cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, chính quyền huyện đã đến Trường mẫu giáo Hoa Phượng và Trường THCS Lê Hồng Phong ở xã Trà Đốc để kiểm tra.

Tại hiện trường các chuyên gia đã tiến hành thu thập các số liệu, quan sát các vết rạn nứt cũng như tiếp thu ý kiến người dân. Tại Trường mẫu giáo Hoa Phượng đoàn công tác đã ghi nhận nhiều vết nứt xảy ra. Thậm chí một mảng tường bằng bê tông khá lớn đã rơi xuống sàn nhà. Đoàn công tác cũng đã làm việc với BQL TĐST2 để xử lý sơ bộ các số liệu về tình hình động đất đang diễn ra xung quanh khu vực này.

TS Lê Huy Minh – Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, đợt khảo sát được tiến hành theo yêu cầu từ Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh Quảng Nam, sau đó Bộ KH-CN sẽ báo cáo lên Chính phủ. Hiện các nhà khoa học đang có hai hướng lý giải hiện tượng động đất, rung chấn liên tục diễn ra tại TĐST2. Thứ nhất, chuỗi các trận động đất vừa diễn ra bởi tự nhiên, tức là do kiến tạo địa chất, không liên quan đến yếu tố kỹ thuật ở TĐST2. Bởi theo khảo sát, địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý là các đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng - Tà Vi. Tính toán cho thấy, động đất cực đại có thể xảy ra trên các đới đứt gãy là 5,5 độ richter.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức có văn bản gửi cho Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương để báo cáo lại tình hình vụ động đất liên tục xảy ra tại huyện Bắc Trà My trong những ngày vừa qua và đã chỉ đạo cho Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, làm việc với các đơn vị thủy điện trên địa bàn đề nghị nhanh chóng xây dựng các cột mốc, trạm cảnh báo lũ vùng hạ du các công trình thủy điện.

UBND tỉnh cũng yêu cầu việc xả lũ của các hồ thủy điện cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý thủy điện, chính quyền địa phương một cách khoa học, dự lường được mọi tình huống xấu để có kịch bản đối phó, đặc biệt là đối với TĐST2.

Hướng thứ hai cho rằng, đây là chuỗi động đất do kích thích, kết quả của quá trình tích nước tại hồ TĐST2. Nếu hướng lý giải này đúng thì trong thời gian tới ở khu vực này sẽ còn nguy cơ tiếp tục xảy ra động đất với cường độ tăng thêm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu khẳng định: Tuy chưa xảy ra những sự cố nguy hiểm cho công trình và địa phương nhưng do có quá ít số liệu quan trắc động đất nên đã ảnh hưởng đến việc theo dõi và nghiên cứu diễn biến động đất tại đây. Cần lắp đặt các trạm quan trắc động đất tại khu vực này để có những số liệu quan trắc động đất cụ thể trong thời gian lâu dài, từ đó dự báo những chu kỳ của động đất kích thích và đưa ra những thông tin cảnh báo chính xác nhất với người dân. Nếu không có số liệu động đất cụ thể thì không thể khẳng định được điều gì rõ ràng cả, tất cả chỉ là võ đoán thôi.

TSKH Ngô Thị Lư, Viện Vật lý địa cầu cũng cho rằng: Tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My cần phải được khảo sát, nghiên cứu bài bản. Trong chuyến công tác lần này, nhiệm vụ của đoàn là tiến hành thu thập số liệu của các máy gia tốc tại đập TĐST2 và máy đo rung chấn của Viện Vật lý địa cầu. Qua đó, sẽ đánh giá chính xác vị trí của động đất.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm