| Hotline: 0983.970.780

Cần một chương trình giống quốc gia cho bò sữa

Thứ Tư 19/10/2011 , 09:27 (GMT+7)

Năm 2010, cả nước có khoảng 128.600 con bò sữa, sản lượng sữa đạt gần 300.000 tấn.

Năm 2010, cả nước có khoảng 128.600 con bò sữa, sản lượng sữa đạt gần 300.000 tấn.

Hiện trạng bò sữa ở Việt Nam

So với năm 2001, năm Chính phủ bắt đầu có quyết sách để phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg thì ngành này đã có bước tiến dài, vì lúc ấy cả nước mới có 41.214 con bò sữa và sản lượng sữa tươi mới đạt 64.703 tấn.

Tuy nhiên so với mục tiêu 200.000 con bò sữa, sản lượng 350.000 tấn vào năm 2010 thì các chỉ số thực tế đạt thấp hơn nhiều và đối chiếu với với mục tiêu 350.000 con, sản lượng 550.000 tấn vào năm 2015 thì lại càng xa.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm bò sữa lớn nhất nước với 79.800 con đạt mức tăng trưởng 8,3%/năm, năng suất sữa của những hộ sản xuất tốt mới đạt 5.400 kg/con/năm, đạt mức tăng trưởng 6%/năm. Theo TS Chung Anh Dũng, Trưởng phòng Công nghệ sinh học- Viện KHKTNN Miền Nam, việc năng suất tăng chậm hơn với tổng đàn, trong lúc tiềm năng tăng năng suất lại lớn có thể được giải thích bởi nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chậm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Không biết tin ai

Mặc dù không đạt các chỉ số như kỳ vọng nhưng phải ghi nhận việc ngành chăn nuôi bò sữa có được bước phát triển dài như hôm nay có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp đầu tàu như Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Mộc Châu, TH.

Chính các doanh nghiệp này đang theo đuổi xây dựng vùng nguyên liệu với các trang trại chăn nuôi công nghiệp thử nghiệm áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến như xây dựng chuồng trại thoáng mát, phun sương đảm bảo nhiệt độ trong chuồng thấp hơn nhiệt độ ngoài chuồng 5oC, nhập nệm cao su từ Thụy Điển cho bò nằm, cho bò ăn thức ăn trộn có bổ sung thực phẩm chức năng theo các khẩu phần chuyên biệt được chuyên gia nước ngoài lập trình, đeo chip điện tử cho từng con để theo dõi sức khỏe, cho bò nghe nhạc cổ điển…

Đặc biệt với ý đồ xây dựng các trại này làm hạt nhân để cung cấp giống cho hàng vạn hộ gia đình làm vệ tinh nên công tác giống cũng hết sức được chú trọng.

Để gây dựng nhanh đàn bò có năng suất cao, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đi theo hướng nhập tinh những dòng có năng suất cao ở các nước tiên tiến để thụ tinh nhân tạo. Kỹ thuật phối tinh toàn cái, một tiến bộ mới cũng ứng dụng trên diện rộng. Tuy có rất nhiều cố gắng nhưng kết quả đưa lại chưa xứng với công sức và tiền của đã bỏ ra và kết quả thành công của các doanh nghiệp cũng rất khác xa nhau.

Theo báo cáo mới nhất của Vinamilk, kết quả quản lý sinh sản trong 3 năm từ 2008-2010 được xếp theo thứ tự như sau: Với tinh thường: 2,76, 3,44, 3,05 liều tinh/ca thụ thai; Với tinh toàn cái: 5,1, 6,14, 4,05 liều tinh/ca thụ thai. Nhưng với số liệu của Cô gái Hà Lan lại khác hẳn, chỉ cần 2 – 2,5 lần/ca thụ thai. Kết quả của Mộc Châu lại càng tuyệt vời hơn – 1,7 liều tinh toàn cái/ca thụ thai (Báo NNVN ngày 17/10/2011).

Theo PGS.TS Đinh Văn Cải, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam, các báo cáo trên có độ tin cậy thấp bởi số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các hộ dân mang nặng tính khuyến nông, quảng bá hơn là dữ liệu khoa học.

Cần một chương trình giống bò sữa quốc gia

Theo Th.S Vương Ngọc Long, Vinamilk, stress nhiệt và việc nuôi nhốt gây khó khăn cho chăn nuôi bò sữa lớn hơn nhiều so với tư duy trước đây. Ngoài tỷ lệ thụ thai thấp, stress nhiệt cũng làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, chứng rối loạn sinh sản. Tỷ lệ thụ thai thấp trước hết là do việc phát hiện bò động dục quá khó khăn mặc dù từng cá thể đã được gắn chip điện tử và thưởng tiền cho công nhân phát hiện nhưng kết quả phát hiện động dục trong mùa nóng chỉ đạt 5-10% so với mùa mát.

Hầu hết giống bò sữa hiện nay đều được đi theo hướng nhập tinh những dòng ưu tú có năng suất từ 9.000 – 13.000 kg/con/năm về thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên kết quả không đạt như kỳ vọng. Từ năm 2006 đến nay, TP Hồ Chí Minh nhập 28.648 liều tinh cao sản nhiệt đới có năng suất 13.000 kg/chu kỳ và đã có 6.970 con đậu thai. Qua theo dõi năng suất sữa ở lứa đầu tiên chỉ đạt 5.020 kg/chu kỳ và lứa thứ 2 đạt 5.426 kg/chu kỳ.

Tỷ lệ thụ tinh thấp và năng suất sữa chậm được cải thiện so với tiềm năng đã chứng tỏ rằng Việt Nam chưa có được đàn bò thích ứng với điều kiện tự nhiên và chăn nuôi của nước nhà, bởi vậy nếu muốn đạt mục tiêu cung cấp 40% sữa cho hơn 80 triệu người Việt vào năm 2020 thì ngay từ bây giờ phải có chương trình giống quốc gia cho bò sữa

Nhật Bản là nước có chương trình giống thành công, năm 1975, năm bắt đầu khởi động chương trình giống bò sữa, Nhật có 1,787 triệu con bò sữa (trong đó có 1,111 triệu bò cái) cho sản lượng sữa 5,006 triệu tấn, bình quân mỗi con cho 4.506 kg sữa/năm. Năm 2010, số lượng đàn bò của Nhật giảm xuống chỉ còn 0,9 triệu con (có 0,84 triệu bò cái) cho sản lượng 7,85 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 9.455 kg/con/năm.

Không con đường nào khác và không thể nóng vội, mục tiêu về sữa của nước nhà chỉ đạt khi chúng ta có đàn giống của riêng mình cộng với những kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất