| Hotline: 0983.970.780

Cần nguồn vốn lớn

Thứ Sáu 08/03/2013 , 11:04 (GMT+7)

Nguồn vốn của cả trung ương lẫn địa phương mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu nạo vét hệ thống thủy lợi hàng năm tại Kiên Giang, nên không có khả năng đầu tư hệ thống thủy lợi mới.

Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT, các ban, ngành vừa đi khảo sát thực tế vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh ở Tứ giác Long Xuyên (huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên).

Hầu hết các DN đầu tư nuôi tôm ở đây đều gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và tình hình dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.

Dịch bệnh hoành hành

Theo các DN nuôi tôm ở khu vực TGLX, năm 2012 là năm đầy khó khăn do bệnh tôm chết sớm (còn gọi là hội chứng EMS) hoành hành, gây thiệt hại nặng nề. Mặc dù các đơn vị đã đầu tư khá bài bản, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học nhưng vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ do hội chứng EMS gây ra.


Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khảo sát bản đồ quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp ở vùng TGLX

Ông Phan Khắc Kỳ, GĐ Chi nhánh Cty Đầu tư phát triển Hạ Long (BIM) cho biết, khu nuôi tôm công nghiệp Đồng Hòa (Giang Thành) của Cty có tổng diện tích 1.230 ha, trong đó diện tích mặt nước thả nuôi là 850 ha (1.584 ao). Đến thời điểm này Cty đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và sẽ đưa vào SX đại trà trên toàn diện tích trong năm 2013. Riêng năm 2012, Cty thả nuôi 410 ha nhưng do bị dịch bệnh nên chỉ thu hoạch được 297 ha, năng suất đạt 8,2 tấn/ha (kế hoạch 15 -16 tấn/ha), tổng sản lượng đạt 2.448 tấn.

Theo ông Kỳ, nguyên nhân dịch bệnh được các chuyên gia nước ngoài xác định là do tích tụ khí độc ở đáy ao trong quá trình nuôi (qua nhiều vụ). Do đó, vụ nuôi năm 2013, Cty sẽ tập trung xử lý triệt để đáy ao, đẩy mạnh việc áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo môi trường nuôi bền vững… Đến thời điểm này, khu nuôi Đồng Hòa đã thả giống được 100 ha, tôm từ 1 đến 60 ngày tuổi, đang phát triển khá tốt. Dự kiến năm nay toàn khu vực sẽ thả nuôi khoảng 600 ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn tôm nguyên liệu.

Tương tự, Cty TNHH Thông Thuận (Giang Thành) cũng bị thiệt hại khá lớn do tôm bị dịch bệnh. Ông Trương Hữu Thông, TGĐ Cty cho biết, năm 2012 Cty thả nuôi 180 ao (5.000 m2/ao) ở 2 xí nghiệp. Trong đó XN 1 có 80 ao vụ nuôi đầu bị thiệt hại hoàn toàn, vụ nuôi sau cũng đạt khá thấp, tổng sản lượng được 200 tấn. Còn XN 2 cả năm đạt 600 tấn.

Năm nay, Cty dự định mở rộng vùng nuôi thành 4 XN, với tổng diện tích thả nuôi là 391 ao, sản lượng từ 5.000 - 6.000 tấn. Về vướng mắc, ông Thông cho biết, hiện khâu giải phóng mặt bằng ở khu nuôi Dương Hòa (xã Dương Hòa, Kiên Lương) rất chậm, còn một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù dù Cty đã chuyển tiền đền bù cho huyện hơn 1 năm nay.

Ông Thông kiến nghị tỉnh nên quan tâm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống thủy lợi cũng như yêu cầu ngành điện cung cấp đủ điện phục vụ SX. Về giải pháp khắc phục tình hình dịch bệnh, Cty đã cho tiến hành lót bạt đáy ao để tránh phát sinh khí độc, làm hệ thống oxy đáy…

Cần nguồn vốn lớn

Ngoài khó khăn do dịch bệnh, các DN nuôi tôm công nghiệp ở khu vực này còn gặp khó khăn về tình hình nguồn nước mặn do chưa có hệ thống thủy lợi riêng biệt cho nuôi tôm. Một số diện tích nuôi cách xa biển nước mặn vào rất yếu, có khi buộc phải tái sử dụng nước của vụ trước để thả tiếp vụ sau.

Ông Trương Hữu Thông cho biết, XN 1 của Cty nằm ở xã Hòa Điền (Kiên Lương), cách biển gần 10 km nên việc lấy nước mặn rất khó khăn. Việc lấy quá xa, phải đi qua nhiều khu vực nuôi của người dân nên rất dễ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, càng vào sâu, nước mặn càng kém nên nuôi tôm không hiệu quả.

Ông Lê Minh Tâm, GĐ Cty CP Chế biến thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư thả nuôi tại khu vực Bãi Ớt (xã Dương Hòa, Kiên Lương) diện tích 640 ha, trong đó diện tích mặt nước là 400 ha. Cái khó hiện nay là hệ thống lấy nước chỉ là con kênh chung đã có từ lâu. Để tránh tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh, Cty đang tiến hành đầu tư hệ thống mương nổi cấp nước mặn cho toàn khu.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất lớn, dự kiến lên đến 50 tỷ đồng, kể cả đường dẫn từ biển vào (khoảng 2 km). “Đó mới là hệ thống mương nổi, còn về lâu dài phải đầu tư đường ống dẫn nước riêng biệt từ biển vào mới đảm bảo có được nguồn nước sạch, nguồn vốn đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Tâm trăn trở.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, vốn đầu tư cho thủy lợi hàng năm của Kiên Giang, kể cả nguồn trung ương và địa phương chỉ khoảng hơn 200 tỷ đồng (128 tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí, các nguồn khác khoảng 100 tỷ đồng). Nếu chia đều cho 15 huyện, thị thì mỗi nơi chỉ được hơn chục tỷ đồng. Với nguồn vốn này, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu nạo vét hệ thống thủy lợi hàng năm, nên không có khả năng đầu tư hệ thống thủy lợi mới.

Theo ông Nhịn, bức xúc lớn nhất về thủy lợi của tỉnh là hệ thống cống ngăn mặn đê biển còn nhiều nơi chưa có và hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm công nghiệp. Để làm hoàn thiện được hệ thống thủy lợi này phải cần nguồn vốn rất lớn, lên đến cả ngàn tỷ đồng nên địa phương không đủ khả năng. Vì vậy, các DN nuôi tôm công nghiệp vẫn phải chấp nhận dùng chung hệ thống kênh mương với nông nghiệp. Do đó, nguồn nước nặm bị hạn chế và dễ phát sinh dịch bệnh.

Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc sử dụng chung một hệ thống kênh mương vừa để cấp nước vừa thoát nước trong nuôi tôm là rất nguy hiểm, dễ làm phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, để làm được hệ thống thủy lợi riêng biệt đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn, tỉnh không đủ khả năng nên đành phải chờ kinh phí từ cấp trên. Còn về những khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguồn điện phục vụ SX, lao động…

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN hoàn thành đúng tiến độ các công trình đang đầu tư, xây dựng. Ông Thi cũng yêu cầu các đơn vị nuôi tôm cần tìm ra giải pháp hữu hiệu để khác phục tình trạng dịch bệnh, đẩy mạnh việc thả nuôi nhằm đạt sản lượng tôm nguyên liệu như như kế hoạch đã đề ra, phục vụ tốt cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm