| Hotline: 0983.970.780

Cần nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý, công nhận giống cải tiến

Thứ Năm 15/06/2017 , 13:40 (GMT+7)

Khung pháp lý hiện hành chưa có quy định về công nhận giống cải tiến, khiến các nhà chọn tạo giống lúa buồn và chán nản.

Họ không có động lực để bung sức hết mình cống hiến cho khoa học. Bởi mồ hôi, trí tuệ và tiền bạc họ hao tổn để tạo ra sản phẩm hữu ích không được đền đáp xứng đáng.
 

Luật pháp "thờ ơ" với giống cải tiến

Để tạo ra giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá (BT7-KBL), có khả năng “miễn dịch” nhiều chủng vi khuẩn đang lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Bắc, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã mất 6 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí hứng chịu những thất bại trong phòng thí nghiệm và đồng ruộng mới có được thành quả. Việc sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu: máy phân lập ADN, phòng lây nhiễm nhân tạo, thiết bị chỉ thị phân tử... lên tới vài tỷ đồng (hầu hết là do Viện tự đầu tư).

15-23-52_qung1
Sau nhiều năm giống BT7-KBL vẫn không được công nhận chính thức

Thành công của đề tài nghiên cứu này đã được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, khiến thế giới phải kính nể, trong đó có Viện lúa Quốc tế (IRRI). Nhưng bản thân đơn vị tác giả giống BT7-KBL chẳng thể ngờ rằng, con đường công nhận chính thức giống cải tiến BT7-KBL (khắc phục điểm yếu của giống nền BT7) để thương mại hoá lại mịt mờ và chông gai đến thế. Đã nhiều năm trôi qua, “sự sống” của giống lúa này trên đồng ruộng phụ thuộc vào các văn bản công nhận sản xuất thử và mở rộng sản xuất của Bộ NN-PTNT.

Chính vì giống cải tiến BT7-KBL chưa được bán công khai trên sạp hàng của các đại lý với số lượng lớn, những doanh nghiệp bất chính, trục lợi thương mại theo kiểu “ăn xổi ở thì” đã lợi dụng. Họ tung ra thị trường giống BT7 thường và quảng cáo sai sự thực về khả năng “chống bạc lá” trên bao bì sản phẩm, sau đó bán với giá cao hơn từ 6.000 - 8.000 đồng so với sản phẩm BT7 thường.

Kết quả điều tra của Viện này cho thấy, có khoảng 15 – 20 doanh nghiệp đang quảng cáo bát nháo về giống BT7. Có thể ví, “cuộc chiến” bảo vệ thương hiệu giống BT7-KBL trong làng giống hiện nay chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Bởi, cái cái xấu nhiều hơn cái tốt, cái sai nhiều hơn cái đúng đã gây nên tình thế thật giả lẫn lộn.

Để đưa giống BT7-KBL vào sản xuất, hai đơn vị được Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng uỷ quyền phân phối là Cty GCT Hải Dương và Cty TNHH Hạt Giống Vàng Thái Bình phải gửi mẫu từng lô hàng cho Viện Di truyền chạy gen xác định sự có mặt của gen kháng bạc lá Xa21, trong khi các công ty khác không mất tiền đầu tư nghiên cứu giống, không mất các chi phí khác vẫn nghiễm nhiên bán hàng. Cuối cùng, người hứng chịu hậu quả là người nông dân.

Còn những nhà phát triển giống, họ xứng đáng được thừa hưởng thành quả nghiên cứu lại thiệt đơn thiệt kép. Hàng chất lượng tốt vẫn bị tồn kho trong khi nông dân “khát” giống tốt.
 

Nhiều đề tài “khủng” tạm gác lại

Ông Vũ Hồng Quảng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng cho rằng: “Nguyên nhân do nhà nước chưa hoàn thiện các chế tài xử phạt và thực hiện nghiêm chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm (thu giữ sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động doanh nghiệp)”.

15-23-52_qung2
Ông Vũ Hồng Quảng bên các thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu giống

Vị này cũng phân trần: Đây là thời điểm mà các nhà khoa học phát triển giống đang cảm thấy chán nản, căng thẳng, nhụt ý chí và mất động lực phấn đấu. Đó là điều rất buồn. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều giống năng suất, chất lượng cao, nhưng bị nhiễm rầy khá mạnh. Hay, ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, giống lúa Séng Cù bị nhiễm nặng đạo ôn, gây thiệt hại về năng suất trên diện rộng rất cần được cải tiến.

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã có nhiều năm theo đuổi chương trình lai tạo chuyển gen kháng rầy, kháng đạo ôn để khắc phục điểm yếu của giống nền. Người nông dân có thể giảm bớt một chi phí rất lớn về thuốc BVTV. Mặc dù đến nay, các đề tài trên đã gần thành công và cho ra sản phẩm cuối cùng, nhưng đành phải gác lại, không nghiên cứu tiếp nữa.

Bởi có ra sản phẩm thì giống đó cũng không được công nhận chính thức và thu lợi nhuận. Bởi theo Quyết định 95/2007/QĐ-BNN ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nông nghiệp, hoàn toàn không có quy định nào cho phép công nhận giống cải tiến, hoặc giống tích hợp gen để khắc chế điểm yếu của giống nền như một số quốc gia trên thế giới.

“Ngay lúc này, chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan quản lý hãy nhìn thẳng vào nhu cầu sản xuất để nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý, công nhận một giống cải tiến trên cơ sở một giống nền. Bởi cơ chế là do con người tạo ra chứ không phải trên trời rơi xuống?”, ông Quảng nói.

"Muốn chuyển được gen hữu ích vào giống nền mà vẫn giữ nguyên chất lượng và các tính trạng của giống phải mất tối thiểu 2 tỷ đồng và 4 năm lây nhiễm nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Nhưng đâu phải nhà nước cấp cho mình tiền. Mà đây là chương trình của Viện tự tổ chức nghiên cứu. Nếu không thành công thì tiền mất, tật mang, nhưng thành công rồi thì cũng chẳng giải quyết được việc gì. Vì giống cải tiến không được công nhận chính thức”, ông Quảng nói.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất