| Hotline: 0983.970.780

Cần nhất là giống

Thứ Hai 01/11/2010 , 09:58 (GMT+7)

Người dân Quảng Bình đang gồng mình vượt lên khó khăn ngặt nghèo để bắt tay vào sản xuất... Điều mà người nông dân cần nhất bây giờ là giống cây trồng, vật nuôi.

Lũ lụt đã đi qua, đọng lại bao đau thương, mất mát. Người dân Quảng Bình đang gồng mình vượt lên khó khăn ngặt nghèo để bắt tay vào sản xuất, đặc biệt là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp... Điều mà người nông dân cần nhất bây giờ là giống cây trồng, vật nuôi.

Trong những ngày qua, các ngành, địa phương đã có những nỗ lực rất lớn tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt để vừa khai thông những bế tắc trước mắt vừa mở hướng cho phát triển sản xuất. Cùng với giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp SXNN cũng đã được các địa phương quan tâm củng cố bước đầu, như hệ thống kênh mương, hồ đập, giao thông nội đồng... tạo điều kiện cho nhân dân bắt tay vào sản xuất. Hiển nhiên, những khắc phục vừa nói chỉ là bước đầu, nhiều công trình lớn bị hư hại nặng cần phải có thời gian và ngân sách lớn mới có thể khắc phục nổi.

Vấn đề trước mắt là vụ đông và liền kề là vụ sản xuất quan trọng nhất năm, vụ đông - xuân. Ông Hoàng Văn Mịn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: “Ngành nông nghiệp đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương và bà con nông dân trong việc sản xuất trở lại. Với cây trồng, trước mắt rau màu vẫn được coi là chủ lực để cứu đói. Từng địa phương, từng gia đình cần có biện pháp khôi phục lại những vườn rau, cây trái truyền thống, vừa chú trọng trồng cây ngắn ngày vừa chăm sóc vườn cây lưu niên. Về chăn nuôi, sau lũ sẽ dễ có dịch bệnh nên việc vệ sinh chuồng trại là hết sức cần thiết, không chủ quan lơ là, nhất là việc xử lý xác gia súc, gia cầm thật đúng quy trình phòng dịch...”.

Tại Lệ Thuỷ, nơi được xem là vựa lúa của tỉnh, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đang chỉ đạo quyết liệt việc bắt tay vào tái sản xuất vụ đông ngay, trong đó chú trọng là các loại rau màu ngắn ngày. Động viên những xã vùng cao ít bị ảnh hưởng lũ lụt gầy giống khoai lang để sớm có lương thực ăn. Khuyến khích những hộ gia đình làm con giống, cây giống nhanh chóng ổn định sản xuất để cung cấp giống khôi phục sản xuất".

Đối với vụ sản xuất đông xuân, huyện Lệ Thủy đang tổ chức cho nông dân đăng ký giống lúa các loại, kiên quyết không để dân thiếu giống và giống phải đảm bảo chất lượng. Huyện sẽ trích ngân sách từ nguồn cứu trợ lũ lụt để trợ giá cho nông dân một số giống năng suất, chất lượng cao, giống lúa lai. Theo lịch vụ đông xuân năm nay Lệ Thủy gieo cấy 16.000 ha và cần lượng lúa giống khoảng 1.100 tấn. Hàng năm, số giống này người dân tự túc khoảng 400 tấn, còn lại do các DN cung ứng.

 Tuy nhiên, do mưa lũ nên lượng giống người dân tự túc gần như con số không. Vì vậy việc thiếu giống đang đặt ra hết sức cấp bách. Chúng tôi về xã Lộc Thủy, nơi có 550 ha diện tích đông xuân. Ông Dương Công Toản - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Gần như ai cũng lo ngay ngáy về giống lúa. Vì thiếu nhiều quá nên không biết có lo đủ kịp cho bà con không. Mọi năm thì có thể chủ động, còn năm nay thì bị động hoàn toàn. Việc hỗ trợ tiền giống của tỉnh cũng mới chỉ nghe thông tin, còn cụ thể thì tôi cũng lo tiền chưa về mà lịch nông vụ đã cận kề”.

Anh Bùi Sơn, người có gần 10 ha ruộng canh tác thì cứ xoắn hai bàn tay vào nhau: “Không lo sao được. Nhà tôi chí ít cũng cần đến cả tấn giống để xuống vụ. Ruộng thì cần giống mà tiền thì eo hẹp quá. Lũ xong, cái chi cũng thấy thiếu”. Hai cơn lũ liên tiếp đi qua, để lại cho người dân Tuyên Hóa hậu quả hết sức nặng nề. Hàng ngàn nhà cửa bị hư hỏng, cùng với đó là hàng trăm tấn lương thực bị nước cuốn trôi. Bên cạnh việc thiếu đói trước mắt thì người dân vùng lũ đang phải đối mặt với việc thiếu giống cho vụ sản xuất đang cận kề.

Toàn tỉnh Quảng Bình có gần 27.000 ha lúa vụ đông xuân với nhu cầu trên 3.300 tấn giống. Cơ cấu bộ giống chủ yếu là giống dài ngày cho đông xuân sớm là X 21; Xi 23; NX 30 và các trà gieo muộn là giống IR3566; P6; Nhị ưu 838... Riêng về giống ngô và rau màu các loại Trung ương đã có thông báo sẽ cấp cho tỉnh với 40 tấn ngô giống và 17,5 tấn giống rau các loại và Sở NN-PTNT đã có kế hoạch phân cho các địa phương... Cái khó là Quảng Bình cơ cấu quá nhiều giống lúa dài ngày, loại giống những vùng khác ít dùng, nguồn cung rất hạn chế.  
Gặp chúng tôi giữa cánh đồng còn ngập nước, ông Cao Văn Thương, thôn Lạc Sơn, xã Châu Hoá nói như mếu: “Trôi sạch sành sanh, chỉ còn mỗi cái nhà, cái ăn cũng chẳng còn nói chi là giống với má”. Ông Trương Thanh Lam - Chủ tịch UBND xã Châu Hoá cho biết: “Toàn xã có 230 ha đất canh tác, trong đó diện tích trồng lúa là 102 ha, ngô gần 100 ha, số còn lại chủ yếu trồng lạc và màu. Nhu cầu giống cho vụ sản xuất đông xuân này từ khoảng 30 đến 40 tấn, nhưng hiện nay, người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước ”. Bên đường bê tông, bố con anh Lê Văn Tam đang phơi thóc. Anh cho hay số thóc này dự tính là giống cho vụ tới.

Ở nhiều xã thuộc huyện Quảng Trạch, các xã Văn Hoá, Châu Hoá, Cao Quảng (Tuyên Hoá), đặc biệt là xã Tân Hoá (Minh Hoá), sau lũ hầu như tất cả lợn, gà của bà con đều đã bị cuốn trôi. Ông Cao Thanh Bình - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hoá thực sự buồn: "Hai trận lũ vừa qua, Tân Hóa chúng tôi là địa phương bị ngập nặng nhất tỉnh. Gần 700 con trâu bò, 3.000 con lợn, 7.000 con gia cầm được coi là tài sản quý giá mà bà con gầy dựng được đều đã bị nước lũ cuốn. Nay muốn gây dựng lại thì việc đầu tiên cần phải có là con giống”.

 Còn ông Cao Xuân Phin, ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch), trầm giọng cho hay: "Cả nhà tôi 7 miệng ăn mà chỉ có 3 sào ruộng. Mấy năm qua, nhờ 2 lợn nái, mỗi năm thu hơn 20 triệu đồng mới nuôi được 4 con đi học. Chừ lũ cuốn trôi mất cả rồi biết lấy chi mà nuôi con ăn học đây. Mong có được cặp giống lợn để khôi phục lại từ đầu nhưng cũng khó, bởi phải lo cái ăn trước mắt cho con cái đã...”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm