| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 31/05/2016 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 31/05/2016

Cần nhiều hơn nữa chợ phiên về nông sản, thực phẩm an toàn

Từ ngày 27 đến 29/5, Bộ NN-PTNT đã cho mở một chợ phiên về nông sản, thực phẩm an toàn tại 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)...

Theo ban tổ chức, gần 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm sạch, an toàn, có địa chỉ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ, đã thu hút hàng ngàn người đến mua sắm, trong đó có những khách hàng lớn, đã ký những hợp đồng lớn để tiêu thụ sản phẩm, như một doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu công nghiệp Hải Dương đã đặt mua hàng thường xuyên mỗi tháng tới 300 triệu đồng, để cung ứng cho bữa ăn của 5.000 công nhân khu công nghiệp. Và nhiều hợp đồng có giá trị cả trăm triệu đồng khác nữa, cũng được ký kết.

Cũng theo ban tổ chức, thì sau phiên đầu tiên này, chợ nông sản thực phẩm an toàn sẽ được mở 2 phiên/tháng.

Trước thông tin này, hàng trăm độc giả đã phản hồi bằng câu hỏi: Tại sao không mở chợ thường xuyên, đủ 30 phiên trong tháng, mà chỉ mở hai phiên?

Đòi hỏi trên của người dân là hoàn toàn chính đáng. Bởi nhu cầu được dùng nông sản, thực phẩm sạch, để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho gia đình mình, của xã hội hiện nay đã trở thành một đòi hỏi cấp bách. Thực phẩm bẩn đã trở thành quốc nạn, tung hoành và tàn phá ngang ngửa với quốc nạn tham nhũng.

Nếu như quốc nạn tham nhũng rút kiệt sinh lực quốc gia, thì quốc nạn nông sản, thực phẩm bẩn hủy diệt một cách từ từ cả một dân tộc. Không chỉ tung hoành ngoài các chợ dân sinh từ các thành phố, thị xã, cho đến nông thôn...

Mà nông sản, thực phẩm bẩn còn len vào rất nhiều siêu thị, trong đó có không ít siêu thị có uy tín, là những nơi người tiêu dùng vẫn gửi gắm niềm tin.

Đến nỗi Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú phải kêu lên: “Người tiêu dùng hiện đang rơi vào “ma trận” thực phẩm bẩn ngay cả trong siêu thị, họ không thể phân biệt được đâu là nông sản, thực phẩm sạch, đâu là nông sản, thực phẩm bẩn nữa”.

Hàng chục vụ rau bẩn gắn mác rau sạch, được tuồn vào các siêu thị lớn như Big C, Ocean Mart, Co oop Mart... đã bị quản lý thị trường và công an lật tẩy, khiến cả xã hội hoang mang.

Trong điều kiện đó, thì một cái chợ nông sản, thực phẩm an toàn, mà mọi sản phẩm bày bán ở chợ đều có địa chỉ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ, do Bộ NN-PTNT chủ trì, chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, một nơi được người dân gửi gắm trọn niềm tin.

Rồi từ Hà Nội, chợ nông sản thực phẩm an toàn có thể lan ra các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng...

Và tất cả các thành phố, thị xã trên cả nước, do Sở NN-PTNT ở các tỉnh, thành phố chủ trì, thậm chí đến cả các thị trấn, do các Phòng NN-PTNT các huyện chủ trì. Thì lúc đó, người dân trên cả nước sẽ hết mối lo nông sản, thực phẩm bẩn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm